Ngành Giáo dục vượt khó

Dịch Covid - 19 bùng phát ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển KT - XH, trong đó Giáo dục là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất khi chương trình học liên tục bị giãn hoãn; hình thức học tập chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến… Nhưng thầy và trò nơi cực Bắc Tổ quốc Hà Giang đã nỗ lực vượt qua đại dịch, hoàn thành các nhiệm vụ năm học, đạt nhiều thành tích quan trọng.

Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Minh Tân (Vị Xuyên) tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc.

Học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Minh Tân (Vị Xuyên) tìm hiểu văn hóa truyền thống các dân tộc.

Toàn tỉnh hiện có 821 cơ sở giáo dục với tổng số trên 245.640 trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên bổ túc văn hóa; trên 18.870 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên; hầu hết các nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn; 100% cán bộ quản lý và giáo viên được tham gia các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Trong câu chuyện ngày đầu năm mới 2021, Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thế Bình, chia sẻ: “Năm học 2019 – 2020 thực sự là một năm đầy khó khăn, thách thức với ngành Giáo dục. Bộ GD&ĐT thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước. Việc chuyển sang hình thức học trực tuyến cũng là một khó khăn khi các em học sinh chưa được làm quen hình thức học mới và nền tảng CNTT chưa đồng bộ, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, biên giới. Trong thời gian nghỉ phòng, chống dịch, nhiều giáo viên phải đi bộ hàng km, đến tận nhà từng học sinh để giao bài tập, động viên các em cố gắng học tập và trở lại trường sau khi có lịch học, vì trong thời gian nghỉ dài, một số học sinh với nhiều lý do khác nhau có thể sẽ không quay lại trường học… Thêm một khó khăn nữa là các nguồn kinh phí đầu tư cho giáo dục còn rất hạn chế, trong khi nhu cầu xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học còn nhiều; biên chế giáo viên được giao thiếu hụt so với quy định. Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS, THPT còn nhiều bất cập. Khó khăn là vậy, nhưng với quyết tâm cao, ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn và đạt nhiều kết quả quan trọng; hoàn thành các nhiệm vụ năm học và “về đích” tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra”.

Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THCS Yên Biên (thành phố Hà Giang).

Giờ học Ngữ văn của học sinh Trường THCS Yên Biên (thành phố Hà Giang).

Đến nay, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 99,66%; tỷ lệ huy động trẻ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99,08%; tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh trung bình đạt trên 98%; tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2020 đạt 88,07%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn Quốc gia đạt trên 42%; tỷ lệ xếp loại năng lực học tập và tỷ lệ giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi các cấp học tăng lên theo từng năm; các địa phương giữ vững chuẩn Quốc gia về phổ cập giáo dục Mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục Tiểu học mức độ 2, phổ cập giáo dục THCS mức độ 1; chất lượng dạy học ngoại ngữ ở các cấp học được nâng lên; tỷ lệ học sinh tiểu học duy trì học 2 buổi/ngày đạt 66,4%. Để đạt được thành quả ấy, các cơ sở giáo dục tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục bằng nhiều hình thức linh hoạt, hiệu quả như: Xây dựng trường Mầm non lấy trẻ làm trung tâm; tăng cường tiếng Việt cho trẻ cấp tiểu học; điều chỉnh nội dung dạy học; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; chú trọng giáo dục di sản, bảo vệ môi trường; xây dựng trường chất lượng cao; “Lớp học kiểu mẫu”; “Giỏ sách mini”; ứng dụng mạnh mẽ khoa học, CNTT trong quản lý và giảng dạy; thí điểm xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm thi trực tuyến, đánh giá xếp loại học sinh tự động, bước đầu đạt được hiệu quả rất khả quan; thực hiện nghiêm túc nội dung giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông; duy trì công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ. Các địa phương tập trung nguồn lực, quan tâm, đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy học; phát triển mô hình trường chất lượng cao; đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.

Năm học 2020 – 2021 là năm đầu tiên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng là năm đầu tiên thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Sở GD&ĐT đã và đang rà soát, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, mạng lưới cơ sở giáo dục; đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đổi mới giáo dục; huy động các nguồn lực đảm bảo các điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hiệu quả; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh; bảo đảm an toàn trường học…

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202101/nganh-giao-duc-vuot-kho-770687/