Ngành gỗ, dệt may, da giày tìm hướng xuất khẩu

Từ đầu năm đến nay, các ngành hàng 'tỷ đô' như gỗ, dệt may, da giày liên tục sụt giảm xuất khẩu, thiếu hụt đơn hàng. Đại diện các ngành hàng mong muốn Bộ Công thương, Thương vụ Việt Nam tại các nước tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm để tìm kiếm cơ hội kết nối giao thương, mở rộng xuất khẩu.

Khó nhất là đơn hàng sụt giảm

Bộ Công thương cho biết, hiện nay, nhiều ngành hàng gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu do tổng cầu trên thế giới giảm. Trong đó, dệt may, da giày, gỗ, máy móc, điện thoại và linh kiện… với thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, châu Âu (EU) sụt giảm nhiều nhất. 7 tháng năm nay, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, giảm 26,2% so với cùng kỳ; dệt may đạt 18,9 tỷ USD, giảm 15,1%; giày dép đạt 11,7 tỷ USD, giảm 17,1%.

Gỗ, dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2022 đến nay. Nguồn: ITN

Gỗ, dệt may, da giày gặp nhiều khó khăn từ cuối năm 2022 đến nay. Nguồn: ITN

Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam Phan Thanh Xuân cho biết, sụt giảm xuất khẩu dự báo kéo dài tới quý I năm sau. Khó khăn nhất của ngành chính là sụt giảm đơn hàng, các thị trường truyền thống lớn như Mỹ, EU đã giảm tới 30 - 40%.

Với ngành gỗ, Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết, bên cạnh khó khăn chung, ngành gỗ còn phải đối mặt các vụ điều tra lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ và “hàng rào kỹ thuật” liên quan đến môi trường và rừng của EU… Việt Nam đã chuyển sang khai thác rừng trồng, nỗ lực để đáp ứng yêu cầu của các nước nhập nhưng EU và Mỹ vẫn còn e ngại về nguyên liệu đầu vào. Trong bối cảnh này, ngành đang tính đến việc tìm kiếm thêm thị trường mới, thị trường nhỏ, thị trường ngách.

“Ngành dệt may chưa bao giờ khó khăn như vậy”, Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm cho biết. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều giảm sâu. 85% năng lực sản xuất của dệt may Việt Nam dành cho xuất khẩu, vì vậy rất cần thông tin thị trường để ứng phó kịp thời, hiệu quả.

Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm thị trường ngách

Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Chi nhánh thương vụ Việt Nam tại Houston (Mỹ) Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trước đây để phát triển các hệ thống kết nối, tìm bạn hàng chúng ta thường tìm theo cách truyền thống đó là tìm đầu mối phân phối lớn. Khi có trở ngại, nhu cầu giảm thì họ sẵn sàng ngắt kết nối, gây sự đứt gãy không tiêu thụ được.

Do đó, để khắc phục xu hướng đơn hàng giảm, cần tăng cường kết nối trực tiếp với các hiệp hội, ngành hàng chuyên sâu, từ đó sẽ có thông tin sát thị trường nhất. Bên cạnh việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm, các doanh nghiệp cũng nên tìm đến người địa phương và gắn bó với họ. Ký kết hợp đồng tư vấn, hợp tác từ những lối nhỏ, từ đó có thể biết được hướng đi vào thị trường ngách một cách nhanh chóng, sớm giải quyết tình trạng tồn kho. Thương vụ sẽ hỗ trợ tích cực các doanh nghiệp tìm kiếm các nhà phân phối thị trường ngách, nhỏ hẹp hơn để không phụ thuộc vào nhà mua hàng lớn.

Ngoài ra, ông Quyền cũng lưu ý, doanh nghiệp Việt cần rà soát lại kế hoạch sản xuất, nhu cầu thị trường có thì mới làm. Đồng thời, cần tính toán việc giảm chi phí logistics, tăng bán trên thương mại điện tử, tập trung đầu tư cho chuyển đổi số…

Tương tự, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức Đỗ Việt Hà khuyến nghị, doanh nghiệp cần nắm chắc và đáp ứng các quy định tiêu chuẩn của EU với các sản phẩm gỗ, dệt may, giày dép; bảo đảm an toàn sản phẩm, hạn chế hóa chất, chú trọng đến các quy định liên quan đến trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý các quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi trong EVFTA; tích cực tham gia các hội chợ chuyên ngành, đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tìm đối tác và cơ hội kinh doanh. Tới đây, Thương vụ sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức đoàn giao thương cho các doanh nghiệp Việt Nam tại Đức vào tháng 10.2023.

Bộ Công thương đã yêu cầu các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu tiếp tục nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường; đồng thời nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về rào cản kỹ thuật, phi thuế quan cho hàng hóa xuất khẩu.

Lam Ngọc

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/nganh-go-det-may-da-giay-tim-huong-xuat-khau-i338726/