Ngành ngoại ngữ trước sức ép của AI
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang tái định hình thị trường lao động, và ngành ngoại ngữ - từng là lựa chọn hàng đầu của nhiều thế hệ sinh viên Trung Quốc - đang chứng kiến những thay đổi căn bản.
Khi các công cụ dịch tự động ngày càng hoàn thiện, ngành học tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung đang đối mặt với câu hỏi: làm sao để thích ứng và tồn tại trong kỷ nguyên số?

Các công cụ dịch thuật trí tuệ nhân tạo (AI) hiện đạt độ chính xác trên 95% với chi phí chỉ bằng 1% chi phí dịch vụ của con người. Ảnh: Reuters
Ngành học "thời thượng" dần tàn lụi
Từng là biểu tượng của hội nhập và cơ hội nghề nghiệp rộng mở, các chuyên ngành ngoại ngữ tại Trung Quốc hiện đang dần bị thu hẹp. Từ năm 2023 đến nay, hàng loạt trường đại học hàng đầu, như Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc hay Đại học Ngôn ngữ và Văn hóa Bắc Kinh, đã ngừng tuyển sinh một phần hoặc toàn bộ các chuyên ngành liên quan đến tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Hàn...
Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục Trung Quốc, trong giai đoạn 2018–2022, có tới 28 chuyên ngành ngoại ngữ bị loại bỏ tại 109 trường đại học trên toàn quốc. Trong đó, tiếng Nhật bị ngừng đào tạo tại 26 trường, tiếng Anh tại 21 trường, và tiếng Hàn tại 10 trường.
Cùng lúc, các chương trình sau đại học ở những ngôn ngữ ít phổ biến như tiếng Italy hay tiếng Nga cũng bị đình chỉ do nhu cầu tuyển sinh thấp. Nhiều trường như Đại học Tế Nam, Đại học Hàng không vũ trụ Thẩm Dương, cũng đồng loạt cắt giảm các ngành ngoại ngữ trong danh sách đào tạo.
Đây là một cú sốc lớn, đặc biệt khi so sánh với thời kỳ phát triển rực rỡ của ngành ngoại ngữ ở các trường đại học từ năm 1999 đến 2010 - giai đoạn Trung Quốc gia nhập WTO và đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Thời điểm năm 2010, nước này có đến 850.000 sinh viên đang theo học ngành tiếng Anh, với tỷ lệ việc làm luôn ở mức trên 90%.
Trí tuệ nhân tạo và sự thay đổi nhu cầu thị trường
Sự phổ biến của các công cụ dịch thuật tự động như ChatGPT hay Baidu Translate đang thay đổi căn bản cách xã hội nhìn nhận về ngành ngoại ngữ.
Theo một báo cáo của cổng thông tin giáo dục EOL, các công cụ dịch thuật AI hiện đạt độ chính xác hơn 95%, trong khi chi phí chỉ bằng 1% so với dịch thuật viên. AI đã chiếm khoảng 40% thị trường dịch thuật phổ thông và khiến nhiều công việc dịch cơ bản trở nên lỗi thời.

AI đã chiếm khoảng 40% thị trường dịch thuật phổ thông và khiến nhiều công việc dịch cơ bản trở nên lỗi thời. Ảnh: China Daily
Thay vì tuyển dụng người giỏi ngôn ngữ để làm dịch thuật, thị trường hiện nay ưu tiên các vị trí kết hợp giữa ngôn ngữ và công nghệ - chẳng hạn như “quản lý dịch thuật”, “huấn luyện viên AI ngôn ngữ”, hoặc chuyên gia bản địa hóa trong thương mại điện tử xuyên biên giới.
Điều này tác động trực tiếp đến cơ hội việc làm cho sinh viên ngành ngoại ngữ. Theo khảo sát của công ty tư vấn giáo dục MyCOS ở Bắc Kinh, tỷ lệ có việc làm của sinh viên chuyên ngành ngôn ngữ năm 2023 là 76,8%, thấp hơn mức trung bình toàn quốc gần 6 điểm phần trăm. Chỉ 52% làm đúng chuyên ngành, và mức độ hài lòng giảm từ 78% năm 2010 xuống 67% trong năm qua. Các lĩnh vực truyền thống như thương mại quốc tế, dịch thuật hay giảng dạy đều suy giảm mạnh.
Học tiếng Anh làm gì trong thời đại AI?
Trước câu hỏi “liệu có nên tiếp tục học tiếng Anh?”, nhiều sinh viên có câu trả lời cho riêng mình - dù không dễ dàng. Em Trịnh, một sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh cho biết, dù rất yêu ngôn ngữ này, em không thể phủ nhận thực tế thị trường lao động khắc nghiệt hiện nay.
“Em học tiếng Anh vì yêu cái đẹp của ngôn ngữ. Nhưng khi nói với người khác, phản ứng đầu tiên họ hỏi là: “AI dịch được rồi, học làm gì nữa?”, em chia sẻ. Trịnh tin rằng việc học tiếng Anh không chỉ là học để dịch, mà là học về tư duy phản biện, triết lý phương Tây, văn hóa… những điều mà máy móc chưa thể thay thế.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy sinh viên tốt nghiệp không dễ tìm việc nếu chỉ có khả năng ngoại ngữ đơn thuần.
Anh Triệu Tân Thành, tốt nghiệp Đại học Vũ Hán, từng nhận lời mời làm trợ giảng nhưng bị hủy hợp đồng trước khi tốt nghiệp. Sau hàng loạt cuộc phỏng vấn thất bại, anh quyết định thi công chức và khuyên sinh viên trẻ chỉ nên học tiếng Anh nếu có thêm kỹ năng chuyên ngành bổ trợ.
Cơ hội mới từ chính thách thức
Nhiều chuyên gia cho rằng sự “suy giảm” của ngành ngoại ngữ không đồng nghĩa với “dấu chấm hết”. Theo Giáo sư Ngô Bằng, Trưởng khoa Giáo dục Quốc tế, Đại học Giang Tô, đây là thời điểm ngành học này cần tái cấu trúc để thích ứng.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh, trong kỷ nguyên AI, ngành ngoại ngữ vẫn có những giá trị nhân văn không thể thay thế như trí tuệ cảm xúc, khả năng cảm nhận văn hóa và tư duy phản biện. Ảnh: China Daily
Ông chỉ ra rằng AI không loại bỏ hoàn toàn vai trò của con người, mà buộc người học ngoại ngữ phải phát triển theo hướng liên ngành. Các mô hình “tiếng Anh + chuyên ngành” (chẳng hạn như tiếng Anh + luật quốc tế, tiếng Anh + dữ liệu lớn...) đang trở thành xu hướng. Thị trường hiện rất cần nhân lực thành thạo tiếng Anh và một ngoại ngữ khác như tiếng Nga, tiếng Ả Rập - vốn đang thiếu hụt hàng trăm nghìn người.
Phó Giáo sư Đới Tương Văn, Trưởng bộ môn tiếng Anh, Đại học Giao thông Bắc Kinh cho rằng, ngành tiếng Anh cần chuyển đổi chương trình đào tạo theo hướng tích hợp ngôn ngữ và công nghệ. Bà nhấn mạnh vai trò đặc thù của ngành: từ khả năng giao tiếp liên văn hóa đến năng lực sáng tạo ngôn ngữ - là những thứ máy móc chưa thể thay thế.
Thay đổi để tồn tại
Trong bối cảnh AI bùng nổ, câu chuyện về ngành tiếng Anh tại Trung Quốc đặt ra bài toán lớn hơn cho hệ thống giáo dục đại học: làm thế nào để các ngành khoa học xã hội thích nghi với thay đổi của thời đại số?

AI không loại bỏ hoàn toàn vai trò của con người, mà sẽ buộc người học ngoại ngữ phải phát triển theo hướng liên ngành.
“AI sẽ không khiến ngành ngôn ngữ biến mất - mà sẽ buộc nó nâng cấp”, Giáo sư Ngô Bằng nhận định. Ông tin rằng sự phát triển của công nghệ sẽ tạo ra thế hệ chuyên gia biết sử dụng AI, nhưng hiểu con người hơn cả AI.
Với các trường đại học, điều đó có nghĩa là cần sớm rà soát lại chương trình đào tạo, nâng cao năng lực giảng viên, kết nối với nhu cầu thị trường và tạo điều kiện cho sinh viên phát triển năng lực liên ngành.
Với sinh viên, học ngoại ngữ giờ đây không chỉ là học một kỹ năng, mà phải là chìa khóa để mở cánh cửa tri thức rộng lớn hơn - nơi AI là công cụ hỗ trợ, còn con người vẫn là chủ thể sáng tạo.
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/nganh-ngoai-ngu-truoc-suc-ep-cua-ai-10381197.html