Ngành Nội vụ: Nòng cốt tham mưu, đề xuất và trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử chưa từng có tiền lệ
Sáng 25/7, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025.
Hoàn thành khối lượng công việc đồ sộ

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu khai mạc. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, trong công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Bộ Nội vụ và ngành Nội vụ là tâm điểm của cuộc cách mạng với vai trò nòng cốt tham mưu, đề xuất và trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử "chưa từng có tiền lệ". Đây là hội nghị đặc biệt khi lần đầu tiên tổ chức trực tiếp sau khi hợp nhất Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ từ ngày 1/3; sau khi chính quyền địa phương 2 cấp đi vào vận hành gần 1 tháng và chuẩn bị kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống Bộ Nội vụ (28/8/1945 - 28/8/2025).
Cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính các xấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với tầm nhìn chiến lược, tư duy đột phá, triết lý phát triển nhanh, bền vững với phương châm: đồng bộ, toàn dân, toàn diện, triệt để, thần tốc, táo bạo, hiệu quả… Trong đó, ngành Nội vụ là tâm điểm của cuộc cách mạng với vai trò nòng cốt tham mưu, đề xuất và trực tiếp gánh vác sứ mệnh lịch sử chưa từng có tiền lệ, “vừa chạy vừa xếp hàng”. Từ đó, đòi hỏi tham mưu, thực hiện ngay ngắn, thận trọng, kỹ lưỡng, khoa học, nhiều chiều, bài bản, đồng bộ nhưng nhất quán và toàn diện.
Dưới sự lãnh đạo sâu sát, khoa học, cụ thể của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, của Chính phủ, sự quyết tâm chính trị, đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và sự thống nhất đồng thuận của người dân, Bộ và ngành Nội vụ cả nước đã tham mưu, thực hiện đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo dấu ấn mạnh mẽ, góp phần rất quan trọng vào sự thành công bước đầu của cách mạng vĩ đại về tổ chức bộ máy từ khi thành lập nước cho đến nay.
Bộ Nội vụ đã hoàn thành một khối lượng công việc rất đồ sộ, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, về thể chế chính sách làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện; tham mưu triển khai sắp xếp tổ chức bộ máy, hệ thống hành chính nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tập trung giảm đầu mối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan của Chính phủ và cơ quan chuyên môn của UBND các cấp tại địa phương.
Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, kết quả đạt được trong công tác tham mưu, hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp với mục tiêu gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn cơ bản đi vào hoạt động ổn định, bước đầu đạt được yêu cầu.
Cùng với chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tham mưu để thực hiện phương châm mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo đó là phân cấp, phân quyền, để địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm, Bộ Nội vụ còn hướng dẫn sắp xếp tinh giản biên chế, cơ cấu lại và từng bước nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức gắn với chính sách giải quyết cán bộ, công chức, viên chức bị tác động do sắp xếp, tổ chức bộ máy một cách hợp lý và nhân văn nhất.
Thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong khu vực công

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trương Hải Long báo cáo tại Hội nghị. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Báo cáo do Thứ trưởng Trương Hải Long trình bày tại Hội nghị cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2025, Bộ Nội vụ xác định công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, xuyên suốt trong công tác quản lý nhà nước. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã có nhiều chuyển biến tích cực, đổi mới góp phần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, thiết lập cơ sở pháp lý vững chắc để thực hiện đổi mới tổ chức, hoạt động của Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp.
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo nhằm tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại cơ quan chuyên môn các cấp và tổ chức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Về tinh giản biên chế, đến nay đã có 85.447 người đã có quyết định nghỉ việc, trong đó hơn 77.000 người đã nghỉ hưu hoặc thôi việc. Hơn 74.000 người được trình hoặc đã được duyệt kinh phí hỗ trợ.
Ngành Nội vụ cũng ghi dấu ấn trong xây dựng thể chế khi trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ ban hành hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật, bao gồm các luật, nghị quyết, nghị định và thông tư. Đáng chú ý, Luật Cán bộ, công chức năm 2025 đã được thông qua, đặt nền tảng cho quản lý công chức theo vị trí việc làm và thu hút nhân lực chất lượng cao.

Ngành Nội vụ sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2025. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN
Trong 6 tháng cuối năm, Bộ Nội vụ sẽ tập trung tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, bảo đảm bộ máy mới đi vào vận hành ổn định, hiệu quả, không gián đoạn. Tăng cường tổ chức các đoàn công tác nắm thực tiễn địa phương để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, trong đó tập trung hoàn thành dự thảo Luật Viên chức (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10. Khẩn trương ban hành các Nghị định, Thông tư hướng dẫn các luật đã được thông qua để bảo đảm hiệu lực và tính đồng bộ với việc triển khai thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và chủ trương tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền.
Đồng thời, Bộ tiếp tục sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phẩm chất, năng lực, ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý, thu hút, giữ chân cán bộ giỏi về công tác ở cơ sở; đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất, vì việc tìm người trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được; thực hiện cơ chế thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao và người có tài năng làm việc trong khu vực công...