Ngành Y tế Thái Nguyên: Giảm đầu mối, tăng chuyên sâu

Sau 5 năm giảm đầu mối, ngành Y tế Thái Nguyên không chỉ duy trì hoạt động hiệu quả mà còn có điều kiện củng cố y tế cơ sở, phát triển y tế chuyên sâu.

Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện hiệu quả phương pháp chụp X-quang hấp thu năng lượng kép (DEXA) để đo mật độ xương.

Bệnh viện A Thái Nguyên thực hiện hiệu quả phương pháp chụp X-quang hấp thu năng lượng kép (DEXA) để đo mật độ xương.

Nhằm phát triển hệ thống y tế theo hướng hiện đại, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Y tế tiếp tục tổ chức sắp xếp, tinh gọn hệ thống y tế, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Theo đó, Sở Y tế đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị rà soát lại các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn thành lập phòng, ban. Nếu không đáp ứng các tiêu chí thì cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy.

Ông Hoàng Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, thông tin: Khi công việc hoặc lĩnh vực do phòng, ban thực hiện không có từ 2 mảng công tác trở lên và không có quy trình quản lý riêng theo yêu cầu của đối tượng quản lý; khối lượng công việc của phòng không bố trí đủ 7 người làm việc là viên chức trở lên, thì đơn vị đó được yêu cầu tổ chức, sắp xếp lại.

Thông qua rà soát, từ năm 2021 đến nay, ngành Y tế đã giảm được 8 đầu mối khoa, phòng. Cụ thể, Trung tâm Pháp y sáp nhập với Khoa Giám định tổng hợp và Khoa Xét nghiệm cận lâm sàng, thành Khoa Giám định tổng hợp. Bệnh viện Sức khỏe tâm thần giảm được 1 đầu mối sau khi sáp nhập Phòng Tổ chức cán bộ và Phòng Hành chính quản trị thành Phòng Tổ chức - Hành chính. Bệnh viện Mắt giảm 2 đầu mối sau khi sáp nhập Phòng Tổ chức - Hành chính và Phòng Tài chính - Kế toán thành Phòng Tổ chức Hành chính - Tài chính - Kế toán; sáp nhập Phòng Kế hoạch tổng hợp và Phòng Chỉ đạo tuyến thành Phòng Kế hoạch tổng hợp - Chỉ đạo tuyến.

Tương tự, Trung tâm Y tế huyện Định Hóa cũng giảm 2 đầu mối khi sáp nhập Khoa Y tế công cộng và Dinh dưỡng với Khoa An toàn thực phẩm thành Khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; sáp nhập Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản với Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe.

Trung tâm Y tế huyện Phú Bình giảm 2 đầu mối sau khi sáp nhập Khoa Y tế công cộng và dinh dưỡng với Khoa An toàn thực phẩm thành Khoa Y tế công cộng - Dinh dưỡng và an toàn thực phẩm; sáp nhập Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản với Phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thành Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Dân số - Truyền thông và Giáo dục sức khỏe.

Theo ông Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế: Việc tinh giản đầu mối giúp ngành Y tế tập trung nguồn lực, trang thiết bị, nguồn kinh phí, tiết kiệm chi thường xuyên và biên chế. Đặc biệt, khi có dịch bệnh xảy ra, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc sáp nhập nhiều phòng, ban thành một đơn vị giúp công tác điều hành, giải quyết công việc được thuận lợi hơn.

Thực tế cho thấy, từ khi hoạt động theo hướng tinh gọn, mạng lưới y tế trên địa bàn tỉnh đã được kiện toàn, đi vào hoạt động ổn định. Nhờ đó, chất lượng dịch vụ từng bước được nâng lên, các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh, huyện đến xã đều đã cơ bản hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Đặc biệt, sau khi tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, các cơ sở đã tập trung đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ông Hà Hải Bằng, Giám đốc Bệnh viện A Thái Nguyên, cho hay: Bộ máy đơn vị hoạt động ổn định giúp các cán bộ, viên chức, người lao động yên tâm công tác, cống hiến. 5 năm qua, Bệnh viện cũng có thêm điều kiện đầu tư nhiều trang thiết bị y tế hiện đại như máy CT Scanner 128 lát cắt, máy chụp MRI, máy C-arm, máy X-quang kỹ thuật số, hệ thống nội soi... và đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhờ đó, Bệnh viện đã thực hiện thường quy trên 20 kỹ thuật chuyên sâu về sản khoa, nhi khoa.

Bên cạnh đó, hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến huyện, xã cũng được củng cố và ngày càng hoàn thiện, từng bước chuẩn hóa về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, thiết bị và nhân lực, cơ bản đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Theo đó, công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm được thực hiện chủ động và thường xuyên, đảm bảo thực hiện tốt các quy định của Bộ Y tế. Minh chứng rõ nét nhất là đến nay, dịch COVID-19 tại Thái Nguyên đã cơ bản được khống chế. Các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, sốt rét, cúm A, quai bị, thủy đậu, tay chân miệng... luôn được kiểm soát tốt, không lan rộng trên địa bàn.

Công tác phòng, chống HIV/AIDS được duy trì tốt, số người nhiễm HIV mới phát hiện hàng năm giảm (số trường hợp nhiễm HIV/AIDS còn sống tại Thái Nguyện hiện là 4.707 người); công tác tư vấn, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, phối hợp điều trị lao/HIV tiếp tục duy trì có hiệu quả...

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, ngành Y tế tiếp tục củng cố, tinh gọn bộ máy và phát triển theo hướng hiện đại. Qua đó vừa làm tốt công tác khám, chữa bệnh vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202307/nganh-y-te-thai-nguyen-giam-dau-moi-tang-chuyen-sau-278318c/