Ngành Y tế Thái Nguyên: Vượt khó vì nhân dân

Trên những nẻo đường vùng cao còn nhiều khó khăn, công tác chăm sóc sức khỏe tuy đã được quan tâm hơn trước, song vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người dân. Chính vì thế, niềm hy vọng về một hệ thống y tế phục vụ tốt hơn đang lan tỏa sau ngày Thái Nguyên và Bắc Kạn sáp nhập. Với quyết tâm không để quãng đường, địa hình, hay hoàn cảnh làm cản trở quyền được chăm sóc sức khỏe của nhân dân, ngành Y tế Thái Nguyên đã và đang bước vào một chặng đường mới: vượt khó để vươn tới sự đồng bộ và hiện đại.

Sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có 280 trạm y tế xã, phường; 100% đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2030.

Sau sáp nhập, tỉnh Thái Nguyên có 280 trạm y tế xã, phường; 100% đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến năm 2030.

Nhiều thách thức hiện hữu

Theo đồng chí Đặng Ngọc Huy, Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên: Sau sáp nhập, toàn Ngành quản lý 43 cơ sở y tế trực thuộc Sở, 280 trạm y tế (gồm 108 trạm của Bắc Kạn và 172 trạm của Thái Nguyên). Sự khác biệt về địa hình, hạ tầng, trình độ nhân lực giữa hai địa phương đặt ra không ít khó khăn trong công tác điều hành và bảo đảm chất lượng dịch vụ y tế.

Thái Nguyên có điều kiện thuận lợi hơn về mặt bằng, hệ thống giao thông so với Bắc Kạn - nhiều đồi núi, giao thông cách trở. Đây chính là rào cản lớn trong việc tiếp cận dịch vụ y tế của người dân vùng cao, vùng sâu. Sau sáp nhập, nhiệm vụ cấp thiết là làm sao điều phối hợp lý nguồn lực, hỗ trợ mạnh mẽ cho tuyến y tế cơ sở, đặc biệt ở các địa bàn khó khăn, nhằm rút ngắn khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa các vùng.

Đồng chí Tạc Văn Nam, nguyên Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn, nay là Phó Giám đốc Sở Y tế Thái Nguyên, cho hay: Hệ thống y tế tỉnh Bắc Kạn trước sáp nhập được củng cố, phát triển đồng bộ, song vẫn còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, nhân lực y tế thiếu về số lượng và cán bộ chuyên sâu; cơ sở vật chất một số đơn vị xuống cấp, thiết bị lạc hậu; ngân sách đầu tư cho y tế còn hạn hẹp. Tình trạng này khiến chất lượng khám chữa bệnh giữa các địa phương chưa đồng đều, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

Bác sĩ CKI Ma Thị Sao, Giám đốc Trung tâm Y tế Pác Nặm, cho biết: Pác Nặm là huyện xa nhất, khó khăn nhất của Bắc Kạn. Trước đây có 10 xã, nhiều xóm cách trung tâm xã tới 15-20km, nay sau sáp nhập chỉ còn 3 xã, nên khoảng cách có nơi lên tới 35-40km. Trong khi đó, mỗi trạm y tế chỉ có 3-4 cán bộ. Trung tâm Y tế vẫn sử dụng máy siêu âm đen trắng, chưa có hệ thống mổ nội soi, nhiều khoa phòng xuống cấp sau hơn 20 năm tiếp quản từ phòng khám khu vực. Trước thực tế này, chúng tôi mong muốn tỉnh Thái Nguyên quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ y tế, đồng thời đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho cả Trung tâm và các trạm y tế xã, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.

Y tế cơ sở là nơi gần dân nhất nên nếu được đầu tư về con người và cơ sở vật chất thỏa đáng sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao sức khỏe của người dân.

Y tế cơ sở là nơi gần dân nhất nên nếu được đầu tư về con người và cơ sở vật chất thỏa đáng sẽ góp phần quan trọng trong nâng cao sức khỏe của người dân.

Quyết tâm nâng chất lượng phục vụ

Với quyết tâm chính trị cao, ngành Y tế Thái Nguyên đã khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là kiện toàn bộ máy tổ chức theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Từ 55 đầu mối của hai sở trước đây, sau sáp nhập giảm còn 43 đầu mối (gồm 7 phòng chuyên môn và 36 đơn vị sự nghiệp công lập). Việc tinh giản này giúp giảm chồng chéo, tăng tính liên thông giữa các tuyến y tế.

Đồng chí Đặng Ngọc Huy khẳng định: Chúng tôi xác định rõ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị y tế ở các trạm y tế vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Ngành sẽ kiến nghị Bộ Y tế ban hành chính sách thu hút cán bộ y tế về công tác tại cơ sở. Có cán bộ giỏi, cơ sở hạ tầng đồng bộ, chất lượng dịch vụ mới được nâng lên.

Đồng chí Tạc Văn Nam bày tỏ kỳ vọng: Việc hợp nhất không chỉ tạo cơ chế thuận lợi hơn trong cân đối ngân sách, mà còn giúp hệ thống y tế phát triển đồng bộ, tiếp cận được các dịch vụ chuyên sâu mà trước đây khó triển khai tại địa phương. Đây là cơ hội để người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao.

Song song với đầu tư cơ sở vật chất, ngành Y tế Thái Nguyên cũng sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số: xây dựng cơ sở dữ liệu y tế tập trung, triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, mở rộng mô hình khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ vào quản lý bệnh viện và dịch vụ công y tế. Điều này không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý mà còn tạo thuận lợi cho người dân khi tiếp cận dịch vụ, nhất là ở địa bàn khó khăn.

Nhiều người dân, đặc biệt là ở các xã vùng khó khăn, luôn đến trạm y tế xã mỗi khi cần khám, chữa bệnh.

Nhiều người dân, đặc biệt là ở các xã vùng khó khăn, luôn đến trạm y tế xã mỗi khi cần khám, chữa bệnh.

Hướng tới nền y tế gần dân, hiện đại

Một trong những động lực lớn để ngành Y tế vượt qua khó khăn chính là tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Thông điệp của đồng chí Giám đốc Sở Y tế là: Toàn thể cán bộ, nhân viên y tế yên tâm công tác, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và tỉnh Thái Nguyên mới. Chúng ta hãy cùng nỗ lực cống hiến, thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân trong giai đoạn mới.

Ngành Y tế Thái Nguyên cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các cấp, tranh thủ tối đa nguồn lực từ Trung ương, các tổ chức để đầu tư phát triển y tế, nhất là y tế cơ sở. Trên nền tảng hệ thống y tế sáp nhập, Ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới theo hướng đồng bộ, hiện đại, chú trọng dịch vụ y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe cộng đồng, đồng thời từng bước mở rộng các dịch vụ y tế kỹ thuật cao.

Niềm tin về một nền y tế hiện đại, chất lượng, gần dân không còn là mục tiêu xa vời khi ngành Y tế Thái Nguyên đã, đang và sẽ kiên trì hành động với quyết tâm chính trị cao nhất. Đặc biệt, sự đồng thuận của nhân dân chính là nguồn lực tinh thần quý báu.

Bà Lục Thị Mến, người dân xã Bằng Vân, nói: Chúng tôi mong rằng sau sáp nhập, ngành Y tế quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe cho người dân, tạo điều kiện để chúng tôi được khám sức khỏe định kỳ và có thể chữa khỏi nhiều loại bệnh tại trạm y tế xã, mà không cần phải đi xa đến các bệnh viện, trung tâm y tế, để đỡ vất vả, tốn kém.

Có thể nói, cho dù con đường phía trước còn nhiều thử thách, song với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị và toàn ngành, tin tưởng rằng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân sau sáp nhập sẽ có những bước tiến mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh Thái Nguyên mới.

Thu Hằng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/y-te/202507/nganh-y-te-thai-nguyen-vuot-kho-vi-nhan-dan-5011511/