Ngày đầu tiên thi THPT quốc gia năm 2019: Thí sinh thoải mái vì đề thi không quá khó

Thí sinh tại điểm thi Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh trao đổi kết quả làm bài sau khi thi môn Toán - Ảnh: MẠNH THÚY

Ngày 25/6, cùng với thí sinh cả nước, hơn 10.000 thí sinh tỉnh Phú Yên bước vào ngày thi đầu tiên với hai môn Ngữ văn và Toán.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, môn Ngữ văn có 10.188 thí sinh có mặt, vắng 44 thí sinh so với số lượng đăng ký dự thi; môn Toán có 10.263 thí sinh, vắng 45 thí sinh so với số lượng đăng ký dự thi. Trong ngày thi đầu tiên, tình hình thi tại 23 điểm thi trên địa bàn tỉnh diễn ra an toàn, trật tự, không có trường hợp nào vi phạm quy chế thi.

Đề Ngữ văn bám sát chương trình lớp 12

Sau 120 phút làm bài, các thí sinh rời phòng thi với nhiều tâm trạng khác nhau. Tại điểm thi Trường THCS Hùng Vương (TP Tuy Hòa), nơi có hơn 400 thí sinh dự thi, phần lớn thí sinh cho rằng đề môn Ngữ văn năm nay không quá khó.

Đề thi được ra theo cấu trúc gồm 2 phần: phần đọc hiểu (3 điểm) ra một đoạn thơ trong tác phẩm “Trước biển” của Vũ Quần Phương với 4 câu hỏi; phần làm văn (7 điểm) với 2 câu: Nghị luận xã hội (2 điểm) và nghị luận văn học (5 điểm). Trong đó câu nghị luận xã hội yêu cầu viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sức mạnh ý chí của con người trong cuộc sống.

Câu nghị luận văn học yêu cầu thí sinh nêu cảm nhận về hình tượng sông Hương, từ đó nhận xét cách nhìn mang tính phát hiện về dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trong tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

Thí sinh Lê Duy Ánh ở điểm thi Trường THPT Lê Trung Kiên (huyện Đông Hòa) cho hay: “Đề thi môn Ngữ văn năm nay bao quát, bám sát chương trình sách giáo khoa, sát với chương trình ôn luyện của nhà trường. Em đã chuẩn bị tâm thế cho cấu trúc này nên không cảm thấy bất ngờ. Khả năng em làm bài đạt trên 70%”.

Tại điểm thi Trường THPT Phan Bội Châu (huyện Sơn Hòa), nơi có 482 thí sinh thuộc 2 Trường THPT Phan Bội Châu và Trường THCS và THPT Nguyễn Bá Ngọc dự thi, nhiều phụ huynh đưa con đi thi với tinh thần hết sức lạc quan.

Chị Nguyễn Thị Kim Oanh ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên - phụ huynh em Hoàng Thị Ánh Tuyết (Trường THPT Phan Bội Châu) chia sẻ: “Từ nhà tôi đến điểm thi gần 10km nên tôi đích thân đưa con đi từ rất sớm để tiếp thêm tinh thần cho con thi tốt. Tôi không tạo áp lực thi cử cho con mà luôn động viên con lạc quan, cố gắng làm bài bằng chính những kiến thức mà con đã được học”.

Để góp phần động viên các thí sinh ở huyện miền núi này, Huyện đoàn Sơn Hòa đã vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và một số cơ sở Đoàn trực thuộc tổ chức tiếp sức mùa thi cho các thí sinh hết sức chu đáo, tận tình.

Phó Bí thư Huyện đoàn Sơn Hòa Trần Trung Hiếu cho biết: “Huyện đoàn Sơn Hòa đã vận động một số doanh nghiệp trên địa bàn huyện được gần 10 triệu đồng để mua nước, sữa, bánh ngọt, bút phát cho thí sinh. Đồng thời phối hợp với các nhà hảo tâm khác trao 200 suất cơm trưa miễn phí cho các thí sinh ở xa. Hy vọng sự tiếp sức này sẽ giúp các em hoàn thành tốt kỳ thi”.

Cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi kiểm tra thẻ dự thi của thí sinh khi vào phòng thi - Ảnh: MẠNH THÚY

Cán bộ coi thi tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi kiểm tra thẻ dự thi của thí sinh khi vào phòng thi - Ảnh: MẠNH THÚY

Đề thi môn Toán có độ phân hóa rõ rệt

Cũng như môn Ngữ văn, kết thúc buổi thi môn Toán đa số các thí sinh có chung tâm trạng phấn khởi, thoải mái vì đề thi tương đối phù hợp với sức học của các em.

Với hình thức thi trắc nghiệm, đề thi môn Toán gồm 50 câu hỏi được xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, thời gian làm bài 90 phút. Theo các thí sinh, cấu trúc đề thi môn Toán giống như đề minh họa của Bộ GD-ĐT, kiến thức cơ bản gần 70%. Đề thi năm nay không có các câu hỏi đánh đố, tuy nhiên có một số câu hỏi lạ, đòi hỏi sự sáng tạo, vận dụng cao của thí sinh.

Sau khi hoàn thành bài thi môn Toán tại điểm thi Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh, em Kso Hờ Đin, Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh nói: Cấu trúc đề thi Toán năm nay tương ứng với đề thi minh họa mà chúng em đã được ôn tập. Với học lực khá, em tin mình sẽ đủ điểm để đậu tốt nghiệp và có kết quả tốt để xét tuyển vào đại học. Còn em Phạm Văn Đạt, Trường THPT Ngô Gia Tự vui vẻ nói: 35 câu đầu của đề thi tương đối dễ với em và các bạn. 15 câu sau có khó hơn, phân hóa cao hơn nhưng em tự tin mình có kết quả tốt.

Tại hội đồng thi Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu (huyện Tuy An), nơi có hơn 300 thí sinh dự thi, phần lớn thí sinh cho rằng đề thi năm nay có sự phân hóa rõ rệt. Em Phạm Văn Mẫn, Trường THCS và THPT Nguyễn Viết Xuân chia sẻ: “Từ câu 1 đến câu 40, em làm được. Nhưng 10 câu cuối cùng khó quá nên em khoanh đại. Với đề thi năm nay, các bạn chỉ cần điểm xét tốt nghiệp THPT thì dễ dàng lấy điểm trung bình nhưng để đạt được điểm cao thì không dễ”. Nhiều giáo viên có kinh nghiệm trong giảng dạy môn Toán cũng nhận định đề thi năm nay tương đối “dễ thở” với học sinh trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá chung về công tác tổ chức kỳ thi trong ngày thi đầu tiên, các trưởng điểm thi trên địa bàn tỉnh cho rằng, các quy trình tổ chức thi đều diễn ra suôn sẻ, tâm lý thí sinh ổn định, cán bộ coi thi nghiêm túc, công tâm.

Hôm nay (26/6), buổi sáng thí sinh thi bài thi Khoa học tự nhiên, buổi chiều thi môn Ngoại ngữ.

THẦY HUỲNH TẤN CHÂU, HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH: Đề thi môn Toán đáp ứng yêu cầu của kỳ thi 2 trong 1

Đề thi môn Toán năm nay ra đúng theo định hướng đề thi minh họa, các câu hỏi được sắp xếp từ dễ đến khó và cực khó.

30 câu hỏi đầu rất cơ bản, là cơ hội để học sinh trung bình lấy điểm 5-6. 5 câu tiếp theo, mức độ khó tăng dần nhưng học sinh trung bình - khá vẫn có thể làm được.

Từ câu 36-40, độ phân hóa cao hơn. 10 câu cuối cùng đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức vận dụng cao, trong đó 5 câu cuối cực khó, có một số câu hỏi lạ, đòi hỏi các em phải khéo léo vận dụng mới tìm được đáp án đúng.

So với đề thi năm ngoái, đề thi năm nay nhẹ nhàng hơn, mức độ phân hóa không bằng, song vẫn rất khó để thí sinh đạt điểm tuyệt đối. Phổ điểm tập trung nhiều từ 5-8 điểm.

THS. HỒ TẤN NGUYÊN MINH, TỔ TRƯỞNG TỔ NGỮ VĂN TRƯỜNG THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN CHÁNH: Khó phát huy được sức nghĩ, sức viết của học sinh

Đề thi môn Ngữ văn được ra theo cấu trúc đã được Bộ GD-ĐT thông báo từ trước nên thí sinh không cảm thấy bất ngờ.

Phần đọc hiểu cho bài thơ “Trước biển” của Vũ Quần Phương, sự phân hóa ở các mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng được thể hiện khá rõ trong 4 câu hỏi. Tuy nhiên đây là một văn bản thơ - không dễ hiểu đối với học sinh, lại là một văn bản hoàn toàn lạ với các em nên để hiểu và trả lời được những câu hỏi này không phải là chuyện dễ dàng. Hơn nữa, với văn bản này, sẽ rất dễ dẫn đến chuyện trả lời một cách vô tội vạ, gây khó khăn cho việc chấm thi.

Câu Nghị luận xã hội yêu cầu viết 1 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về sức mạnh của ý chí con người trong cuộc sống. Đây là một vấn đề đã quá quen thuộc nên học sinh sẽ không khó để làm. Tuy nhiên, vì vấn đề quá cũ nên với nhiều em sẽ cảm thấy chán, không kích thích được khả năng tư duy và sáng tạo của các em.

Câu Nghị luận văn học yêu cầu thí sinh trình bày cảm nhận về hình tượng sông Hương trong một đoạn văn trong “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây là một tác phẩm được học trong chương trình lớp 12 nên các em sẽ không cảm thấy bỡ ngỡ. Cách hỏi cũng thể hiện thành hai ý: một ý cơ bản và một ý nâng cao hơn.

Tuy nhiên, đây chỉ là một đoạn văn rất ngắn trong tác phẩm. Với một đoạn văn như vậy yêu cầu học sinh phải triển khai thành một bài văn là một kiểu “làm khó” các em. Những học sinh có năng lực càng không có “đất” để thể hiện khả năng của mình. Do đó, cách hỏi có vẻ phân hóa, nhưng thực ra lại không phân hóa được học sinh.

Nhìn chung đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn năm nay được ra với cấu trúc quen thuộc, bám sát chương trình 12. Tuy nhiên vấn đề đặt ra lại cũ, cách hỏi chưa có sự sáng tạo, khó có thể phát huy được sức nghĩ, sức viết của học sinh.

NHÓM PV-CTV

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/222525/ngay-dau-tien-thi-thpt-quoc-gia-nam-2019--thi-sinh-thoai-mai-vi-de-thi-khong-qua-kho.html