Nghệ An: Cây đổ, nhà sập, 5 người thương vong do ảnh hưởng cơn bão số 3
Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 Wipha, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra mưa lớn diện rộng kèm dông lốc mạnh, gây ra thiệt hại về người và tài sản.
Ngày 21/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An cho biết, tính đến 19h30 ngày 20/7, mưa lớn kèm theo dông lốc đã khiến nhiều địa phương bị thiệt hại nặng.
Cụ thể, mưa lớn kèm dông lốc đã làm ông V.T.L (SN 1966, trú phường Vinh Lộc) tử vong; 4 người bị thương gồm N.T.D; N.H.K (SN 2012, trú xã Nghĩa Hưng); V.Đ.N (SN 1996, trú xã Minh Hợp) và H.T.T (trú xã Kim Bảng). Những người gặp nạn chủ yếu do cây đổ.

Hơn 2.000 cây xanh ở Nghệ An bị gãy đổ
Toàn tỉnh có 390 ngôi nhà bị ảnh hưởng với các mức độ khác nhau. Trong đó, 17 nhà bị thiệt hại hoàn toàn (trên 70%), 12 nhà bị thiệt hại rất nặng (50-70%), 71 nhà hư hỏng nặng (30-50%) và 290 nhà bị hư hỏng một phần dưới 30%.
11 phòng học bị tốc mái, 2 phòng công vụ bị vỡ cửa kính và khoảng 80 mét tường rào của các trường học bị đổ sập.
Khoảng 5,55 ha lúa; 97,72 ha hoa màu; 1.037,9 ha cây trồng lâu năm và 115,1 ha cây trồng hàng năm bị ảnh hưởng. Ngoài ra, có 218,35 ha cây ăn quả tập trung và 183,95 ha rừng hiện có cũng bị tác động, chưa xác định được cụ thể mức độ thiệt hại.


Nhiều phòng học bị tốc mái
Gió lốc mạnh còn làm gãy đổ 675 cây cao su và hơn 2.085 cây bóng mát, cây xanh đô thị, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan và an toàn giao thông.
Toàn tỉnh có 26 chuồng trại và trang thiết bị hư hỏng. Dông lốc làm gãy 78 cột điện và gây đứt 2.450 mét dây điện. Hệ thống điện tại một số khu vực bị gián đoạn, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Hơn 600 cây cao su bị gãy đổ
Để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão số 3, UBND tỉnh Nghệ An, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã ban hành Công điện khẩn, trong đó cấm tất cả các loại tàu thuyền và phương tiện vận tải ra khơi từ 5 giờ ngày 21/7.
Các đơn vị kêu gọi các phương tiện trên biển khẩn trương vào bờ; duy trì liên lạc và thông báo cho tàu thuyền trên biển nắm rõ diễn biến của bão; hướng dẫn tàu thuyền tìm nơi tránh trú an toàn hoặc di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm.
Yêu cầu các địa phương hướng dẫn neo đậu tàu thuyền, có phương án di dời, gia cố hệ thống lồng bè nuôi trồng thủy sản và nhà nổi để hạn chế thiệt hại khi bão đổ bộ.

Tàu thuyền về khu neo đậu tránh trú Lạch Vạn
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có hơn 3.400 tàu cá, trong đó có khoảng 600 tàu khai thác xa bờ. Đến nay, Ban Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị thông báo, kêu gọi được 636 lượt phương tiện/3.332 lao động vào nơi neo đậu, trú tránh bão đảm bảo an toàn. Hiện còn 149 phương tiện/606 lao động, đang hoạt động trên khu vực ven biển các tỉnh từ Đà Nẵng - thành phố Hồ Chí Minh (vùng biển an toàn).
Tính đến 11h ngày 21/7, số tàu neo đậu tại bến: 2.667 phương tiện/12.038 lao động.