Nghệ An: Vẫn còn trên 9.000 hộ bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn

Theo thống kê mới nhất của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, trên địa bàn tỉnh vẫn còn trên 9.000 hộ bị cô lập, chia cắt và mất điện hoàn toàn. Toàn tỉnh cũng có 3 người bị chết, 4 người bị thương do ảnh hưởng của cơn bão số 3.

Nhiều nhà dân tại xã Con Cuông chìm trong biển nước, bị cô lập. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Nhiều nhà dân tại xã Con Cuông chìm trong biển nước, bị cô lập. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Cũng theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai-tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, toàn tỉnh có 450 nhà bị hư hỏng, tốc mái (ở các xã: Bạch Ngọc, Vĩnh Tường, Quang Đồng, Yên Thành, Quế Phong, Yên Hòa, Hữu Kiệm, Yên Na, Mường Xén, Lượng Minh, Tri Lễ, Yên Xuân, Nghĩa Đồng, Châu Hồng, Mường Chòng); 3.786 nhà bị ngập nước (ở các xã: Châu Bình, Nghĩa Hưng, Yên Hòa, Mường Xén, Mường Quảng, Tam Quang, Nghĩa Đàn Nhân Hòa...

Tỉnh có 1.605 ha lúa và 1.292 ha tích rau màu bị thiệt hại; 990,9 ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại và sạt lở là 2.015m kênh mương.

Cùng đó là 202 con gia súc bị chết; 2.707 con gia cầm bị chết và cuốn trôi. Thiệt hại về thủy sản 156,7 ha diện tích ao hồ nhỏ; 92 lồng bè hư hỏng...

Về giao thông có 27 vị trí bị sạt lở taluy, 49 điểm bị sạt lở ách tắc, 69 điểm bị ngập nước, chiều dài đường bị hư hỏng là 1.702m.

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, nhiều nhà dân bị ngập sâu 1-1,5m và bị cô lập, chiều tối 23/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cùng đoàn công tác Trung ương đã về kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tại đây, Phó Thủ tướng đã ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động, tích cực, kịp thời của tỉnh Nghệ An trong công tác ứng phó, khắc phục lũ lụt.

Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Nghệ An tiếp tục chủ động, theo dõi sát tình hình thời tiết, diễn biến mưa lũ để đưa ra phương án ứng phó kịp thời theo phương châm "4 tại chỗ". Trong đó, phải quán triệt nghiêm công văn chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đó là không được chủ quan, phải khẩn trương triển khai phương án đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra phòng, chống bão phải được tiến hành thường xuyên, chủ động và sát thực tế.

Đặc biệt, Nghệ An phải chủ động rà soát các khu vực xung yếu để không bị động trong các tình huống có thể xảy ra. Dù hiện tại trời không mưa nhưng tuyệt đối không được chủ quan để người dân ra sông hay đi qua những nơi xung yếu.

Chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng nhanh chóng có giải pháp tiếp cận các hộ dân, bản làng bị cô lập để hỗ trợ người dân.

Đến nay, tỉnh Nghệ An đã di dời 3.440 hộ ở các xã Tương Dương, Hữu Kiệm Tam Hợp, Mường Quảng...

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/nghe-an-van-con-tren-9000-ho-bi-co-lap-chia-cat-va-mat-dien-hoan-toan-20250724090700866.htm