Nghề giao nhận qua lời kể của những bóng hồng

Nghề giao hàng-công việc dường như chỉ dành cho nam giới, tuy nhiên, không ít phụ nữ chọn nghề này. Với ưu thế cẩn thận, chu đáo, những bóng hồng vẫn bám nghề.

Trong những năm qua, thương mại điện tử Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ 16 - 30%. Nếu như năm 2015, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam mới chỉ đạt 5 tỷ USD, tăng 23% so với năm trước, thì đến năm 2022 ước đạt 16,4 tỷ USD. Dự báo tốc độ này tiếp tục được duy trì từ năm 2022 - 2025 nhờ động lực tăng trưởng từ làn sóng thứ hai của thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, Việt Nam có tập người tiêu dùng rất đông, trẻ và sẵn sàng mua hàng hóa trên thương mại điện tử. Ước tính, năm 2022, Việt Nam đang có khoảng 60 triệu người tiêu dùng số. Khoảng 90% người tiêu dùng số dự định duy trì, thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử trong 12 tháng tới. Dịch vụ giao nhận tại các đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh bởi thế ngày càng nở rộ.

Nếu như năm 2013 chỉ có vài công ty thì đến nay thị trường đã có hàng chục cái tên khác nhau trong lĩnh vực giao vận, quy mô cũng ngày một lớn hơn. Chưa kể, những người làm shipper tự do. Sự phát triển phong phú đa dạng của nghề này không chỉ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân mà còn tạo nên bức tranh sống động cho thị trường giao nhận hàng hóa tiêu dùng, là một mắt xích không thể thiếu của cỗ máy thương mại điện tử hiện nay.

Với tính chất công việc cần nhiều thể lực, nghề giao hàng - shipper công nghệ tưởng chừng chỉ là nghề dành cho nam giới. Nhưng thực tế, không ít chị em phụ nữ đã và đang tìm thấy niềm vui, động lực để gắn bó với công việc này.

Bỏ công việc văn phòng, chị Bùi Thị Phúc Thảo, 47 tuổi ở Hà Nội, gắn bó với công việc giao hàng được hơn 2 năm bởi bên cạnh nguồn thu nhập khá tốt công việc này giúp chị thoải mái về thời gian và ít áp lực hơn công việc trước đây chị đã làm. “Với những đơn giao nội thành, mức thu sẽ tùy vào khoảng cách và kích thước của hàng hóa. Chỉ cần siêng năng và biết cách sắp tuyến đường di chuyển, thu nhập một ngày đủ để mình chi trả các sinh hoạt phí của gia đình”, chị Thảo chia sẻ.

Tương tự như chị Phúc Thảo, chị Cao Thị Thiên Hương hiện đang là tài xế giao hàng của Shopee Xpress cho biết thêm: “Tuy có chút yếu thế về thể lực nhưng nếu so về độ cẩn thận, chu đáo và khả năng quản lý tiền bạc thì chị em phụ nữ vẫn thừa sức đảm đương nghề shipper”. Với con số hàng trăm đơn hàng được giao mỗi ngày chính là cách chị Hương chứng minh cho điều này.

Sau gần 3 năm gắn bó với nghề và đạt được nhiều thành tích xuất sắc, chị Hương hiện đang đảm trách vị trí trưởng đội giao nhận phường Tân Phú (Quận 7).

Sau gần 3 năm gắn bó với nghề và đạt được nhiều thành tích xuất sắc, chị Hương hiện đang đảm trách vị trí trưởng đội giao nhận phường Tân Phú (Quận 7).

Mùng 8/3, ngày Quốc tế Phụ nữ, trong thùng hàng giao cho khách hôm nay, bên cạnh những món hàng thông thương, là những túi quà, những lẵng hoa được chị Trần Thị Lan - làm nghề shipper tự do tại Đống Đa, Hà Nội vội vã giao thời điểm chiều tối. Vừa chuẩn bị hàng hóa, chị vừa tất bật nghe điện thoại khách gọi đi giao đơn. Tủi thân đôi chút, rồi công việc lại cuốn chị đi như bao ngày bình thương khác.

Làm nghề shipper là nam giới đã vất vả, là phụ nữ còn vất vả hơn gấp bội. Và cũng theo các nữ shipper, nghề này giống “làm dâu trăm họ”. Có lúc gặp khách hàng khó tính nhưng cũng có khách hàng rất tinh ý, thấy là nữ mà đi giao hàng họ cũng hỏi han, quan tâm sức khỏe. Sự quan tâm đó đã động viên họ hoàn thành tốt công việc và tiếp tục cố gắng.

Dù là công việc vất vả nhưng với họ, đội ngũ shipper nói chung và các bóng hồng shipper nói riêng giống như "chú ong thợ" rong ruổi trên các nẻo đường giao từng món đồ đến với khách, cảm nhận niềm vui của khách khi nhận hàng, âm thầm chia sẻ những góp ý của khách. Và với các chị, đó vừa là mưu sinh vừa là niềm vui trong nghề đã lựa chọn.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nghe-giao-nhan-qua-loi-ke-cua-nhung-bong-hong-245456.html