Nghe người Dao, Mường kể chuyện 'trăm năm'

PTĐT - Không công khai, bạo dạn như tục 'bắt vợ' của người Mông; chuyện dựng vợ gả chồng, tìm kiếm cho mình người 'đầu gối tay ấp' của người Mường, người Dao trước giờ đều rất riêng tư và kín đáo. Gạt bỏ những rào cản định kiến nặng nề trong xã hội xưa, họ tìm đến nhau, yêu thương nhau và nên duyên vợ chồng nhờ những phong tục độc đáo, lạ lùng không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào.

PTĐT - Không công khai, bạo dạn như tục “bắt vợ” của người Mông; chuyện dựng vợ gả chồng, tìm kiếm cho mình người “đầu gối tay ấp” của người Mường, người Dao trước giờ đều rất riêng tư và kín đáo. Gạt bỏ những rào cản định kiến nặng nề trong xã hội xưa, họ tìm đến nhau, yêu thương nhau và nên duyên vợ chồng nhờ những phong tục độc đáo, lạ lùng không thể lẫn với bất cứ dân tộc nào.Khi gió đưa hương rừng thấm sâu vào từng hơi thở, trời xuân ấm áp cho mùa cây lá trổ bông, sắc xuân như hiện hữu trên gương mặt những chàng trai, cô gái đang háo hức sắm sửa cho những buổi vui hội, hẹn hò… Nghỉ chân trong căn nhà sàn đơn sơ của bà Hà Thị Lương (khu Mu, xã Xuân Đài, huyện Tân Sơn), chúng tôi có dịp lắng nghe câu chuyện về phong tục “chọc sàn tìm vợ” của người Mường từ thuở còn nhọc nhằn, nghèo khó. Ngày ấy, khi hủ tục, tập quán lạc hậu vẫn hiện hữu trong mỗi nếp nhà sàn, biết đến chữ nghĩa còn là điều lạ lẫm, chuyện tình yêu lứa đôi cũng trở nên gò bó, lệ thuộc bởi những định kiến trong hôn nhân “cha mẹ đặt đâu - con ngồi đấy”. Quanh năm làm lụng vất vả, chống chọi với cái khó, cái nghèo… để được gặp gỡ, giao lưu, tìm bạn, những chàng trai, cô gái xứ Mường phải chờ đợi cơ hội hiếm hoi qua các dịp hội hè, lễ Tết. Khi đã có tình ý, họ cùng nhau chơi ném còn, diễn múa Mỡi, đâm Đuống... Nếu cảm mến nhau, chàng trai sẽ bày tỏ mong muốn được gặp gỡ, trò chuyện, tâm tình riêng với người con gái mình say đắm, họ tìm đến tục chọc sàn.

“Chọc sàn tìm vợ” là tục lệ lâu đời của người dân xứ Mường. Chờ đến lúc sương đêm giăng kín lối, chàng trai tìm đến nhà của “người thương” theo tiếng gọi của trái tim thôi thúc. Vật dụng họ mang theo là đoạn gỗ nhỏ dài chừng nửa mét hay thanh tre, nứa vót mảnh để gõ nhẹ hoặc chọc qua những khe hở nhỏ trên mặt sàn nơi cô gái nằm, báo hiệu về sự hiện diện của mình và ngỏ ý muốn mời cô gái ra hiên nhà trò chuyện. Khi chọc sàn, chàng trai phải thật khéo léo để không tạo ra tiếng ồn làm tỉnh giấc cha mẹ cô gái. Sau ba, bốn đêm gặp gỡ, nếu cô gái “ưng bụng” thì chàng trai sẽ về thưa chuyện với cha mẹ, bưng lễ vật, bạc trắng sang hỏi cưới. Nếu có “vô duyên”, chàng trai cũng sẽ lặng lẽ rời đi và mỗi người sẽ tìm cho mình “một nửa” phù hợp hơn vào những mùa sau… “Chọc sàn” là nét văn hóa độc đáo, không chỉ thể hiện nét duyên ngầm trong văn hóa ứng xử giao tiếp của người Mường xưa mà còn là nơi bộc bạch niềm mong ước, khao khát được tự do, chủ động nắm giữ hạnh phúc hôn nhân cuộc đời, “đập tan” tấm rào cản mang tên “định kiến”. Cho đến nay, trong tiềm thức của người Mường, “chọc sàn” vẫn là phong tục đặc sắc, là sợi chỉ đỏ se duyên cho hạnh phúc lứa đôi.

Rời khu Mu, tôi tìm đến Bản Cỏi nằm lọt thỏm giữa núi rừng Xuân Sơn hùng vĩ. Câu chuyện dựng vợ gả chồng nhờ tục “cậy cửa, ngủ thăm” có từ thuở xa xưa của người Dao Tiền nơi đây tưởng chừng như đã rơi vào quên lãng nhưng lại ngày ngày hiện hữu trong những câu lý của già làng. Ngày ấy, khi các chàng trai người Dao muốn tìm hiểu người vợ tương lai của mình sẽ tìm đến nhà cô gái cậy cửa ngủ thăm. Nếu thấy buồng còn sáng đèn nghĩa là người con gái chưa có ai đến ngủ thăm, chàng trai có thể cậy cửa vào nhà, rẽ màn nằm cạnh cô gái bầu bạn, tâm sự thâu đêm nhưng phải kiêng kỵ việc gần gũi. Sau thời gian ngủ thăm, chàng trai sẽ đến nhà cô gái làm công từ 1 đến 3 năm để thử thách, nếu cô gái đồng ý, chàng trai sẽ đem lễ vật đến xin làm lễ cưới. “Lầu kín, trăng về không lối chiếu”, căn phòng ngủ của người con gái là nơi vô cùng kín đáo, một khi cô gái đã chịu hé cửa, thả lỏng chốt then cho chàng cậy cửa tức là đã có ngầm ý mở lòng cho chàng trai tìm hiểu. Tuy nhiên, nếu chàng trai không tạo được thiện cảm trong thời gian làm công, cô gái sẽ gói quần áo, đặt một bọc cơm nắm vào địu và đưa cho chàng trai thay cho lời từ chối…Trải qua năm tháng, những phong tục đặc sắc trong văn hóa giao duyên, tìm vợ của người Dao, Mường nay chỉ còn đọng lại trong lời kể của già làng nhưng những giá trị nhân văn sâu sắc chất chứa trong đó sẽ còn trường tồn mãi với thời gian, để thế hệ trẻ vùng cao hiểu về nét duyên ngầm, khát vọng, mong ước dung dị trong tình yêu lứa đôi xứ Mường, Dao.

Mai Bích

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/dan-toc-mien-nui/202001/nghe-nguoi-dao-muong-ke-chuyen-tram-nam-168674