Nghị định 128/2020/NĐ-CP: Xử phạt nghiêm minh, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu

Nghị định 128/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan có một số thay đổi lớn so với Nghị định 127/2013/NĐ-CP.

Cán bộ Cục Hải quan Hà Nam Ninh kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.

Cán bộ Cục Hải quan Hà Nam Ninh kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đó là xác định rõ phạm vi áp dụng nghị định; minh bạch trong việc xử phạt thể hiện bằng việc bổ sung thêm hành vi vi phạm; khắc phục một số hạn chế trước đây của Nghị định 127, Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi 127; thu hẹp phạm vi các trường hợp không bị xử phạt.

Bổ sung một số hành vi vi phạm

Nghị định 128/2020/NĐ-CP (NĐ128) quy định bổ sung một số hành vi mới phát sinh nhưng chưa có chế tài xử phạt như: Hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam. Cùng với đó là hàng hóa có hình ảnh, nội dung thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia hoặc có nội dung khác gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao của Việt Nam; vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hóa; vận chuyển phế liệu vào Việt Nam cho người nhận hàng trên Bản lược khai hàng hóa không đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để bảo đảm ngăn chặn việc vận chuyển phế liệu không đủ điều kiện vào Việt Nam…

Bên cạnh đó, NĐ128 cũng sửa đổi, bổ sung hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với một số vi phạm tại nhóm hành vi vi phạm về chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu như: chỉ quy định tịch thu đối với tang vật vi phạm là hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu nếu không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng sức khỏe con người, văn hóa phẩm độc hại, cấm lưu hành; nếu thuộc trường hợp này thì buộc tái xuất hoặc buộc tiêu hủy.

Đối với tang vật vi phạm là hàng hóa tạm nhập, tái xuất, hàng quá cảnh, chuyển khẩu, nghị định quy định buộc tái xuất tang vật vi phạm tại cửa khẩu nhập…

Đáng chú ý, NĐ128 sửa đổi, bổ sung một số quy định về không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan. Nếu như quy định tại Nghị định 45/2016/NĐ-CP có tới 7 trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan thì theo NĐ128, số trường hợp này giảm xuống còn 3 trường hợp: Thứ nhất, thu hẹp phạm vi hàng hóa nhập khẩu được chấp nhận nhầm lẫn. Thứ hai, bổ sung quy định không xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với trường hợp do người nộp thuế thực hiện theo văn bản hướng dẫn và quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến nội dung xác định nghĩa vụ thuế của người nộp thuế cho thống nhất với quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14. Thứ ba, không quy định “khai đúng tên hàng hóa thực xuất khẩu, thực nhập khẩu nhưng khai sai mã số, thuế suất, mức thuế lần đầu” là trường hợp không xử phạt, bởi pháp luật về hải quan đã có quy định người khai hải quan được quyền: xem hàng hóa trước khi khai hải quan, được yêu cầu cơ quan hải quan xác định trước mã số hàng hóa…

Doanh nghiệp, tổ chức tự giác chấp hành pháp luật hải quan

Theo Vụ Pháp chế, Tổng cục Hải quan, NĐ128 được xây dựng bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Bộ luật Hình sự và các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, các luật về thuế và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan đến quản lý nhà nước về hải quan; đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa hải quan; phù hợp các chuẩn mực trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và tuân thủ theo cam kết.

Tại hội nghị trực tuyến giới thiệu NĐ128 do Tổng cục Hải quan tổ chức mới đây, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã nhấn mạnh, để hướng cho doanh nghiệp (DN) nâng cao tính tuân thủ, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật đối với các hoạt động thông quan tại cửa khẩu, NĐ128 được ban hành với mục đích nhằm bảo đảm hơn nữa việc xử phạt nghiêm minh nhưng có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế. Đồng thời, NĐ128 cũng góp phần bảo đảm, duy trì trật tự quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; khuyến khích người khai hải quan, người nộp thuế chủ động tự giác chấp hành pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan.

Để duy trì trật tự quản lý nhà nước về hải quan, ông Mai Xuân Thành yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành triển khai có hiệu quả quy định xử phạt vi phạm hành chính tại NĐ128 khi có hiệu lực. Các đơn vị cần tích cực tuyên truyền, hướng dẫn DN nắm bắt nhanh các nội dung đã được quy định tại NĐ128 nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong quản lý nhà nước về hải quan. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu các vướng mắc vượt thẩm quyền, các đơn vị cần báo cáo ngay Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn cụ thể.

Nghị định 128/2020/NĐ-CP gồm 3 chương 37 điều, trong đó Chương 1 quy định chung gồm 6 điều; Chương 2 quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt gồm 27 điều; Chương 3 điều khoản thi hành gồm 3 điều và có hiệu lực từ ngày 10/12/2020. Theo Tổng cục Hải quan, thời gian tới tổng cục sẽ phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức giới thiệu NĐ128 trong cộng đồng DN trước khi nghị định có hiệu lực.

Duy trì trật tự quản lý nhà nước về hải quan

NĐ128 được ban hành với mục đích nhằm bảo đảm hơn nữa việc xử phạt nghiêm minh nhưng có tính khả thi, hiệu quả và phù hợp với thực tế. Đồng thời, NĐ128 cũng góp phần bảo đảm, duy trì trật tự quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu; khuyến khích người khai hải quan, người nộp thuế chủ động tự giác chấp hành pháp luật hải quan và pháp luật có liên quan.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/nhip-song-tai-chinh/2020-11-23/nghi-dinh-128-2020-nd-cp-xu-phat-nghiem-minh-tao-thuan-loi-cho-xuat-nhap-khau-95653.aspx