Nghị định 205/2025/NĐ-CP: Thêm 'trợ lực' cho công nghiệp hỗ trợ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 205/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Cú huých cho công nghiệp hỗ trợ
Theo Bộ Công Thương, dù Việt Nam đã chủ động mở cửa để đón nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, nhưng ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Đáng nói, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa thực sự phát triển hết tiềm năng, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, công nghệ, nguồn nhân lực, vốn…

Ngày 17/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 205/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Cấn Dũng
Trong khi đó, chính sách đầu tư cho nghiên cứu phát triển lĩnh vực này chưa được chú trọng nên doanh nghiệp chưa mở rộng ra thị trường toàn cầu. Nhiều chuyên gia kinh tế thẳng thắn nhìn nhận, so với các nước lân cận, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam có tính thực thi chưa phù hợp với sức phát triển của doanh nghiệp, khiến cho doanh nghiệp thiệt thòi, thua kém so với doanh nghiệp cùng điều kiện, hoàn cảnh trong khu vực.
Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ bày tỏ, đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi lâu, trong khi chính sách ưu đãi vẫn khó tiếp cận. Do vậy, các doanh nghiệp mong muốn, chính sách cần tạo sự đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước phát triển, thu hút doanh nghiệp rót vốn xây nhà máy, từ đó tạo ra quy mô sản lượng đủ lớn, giá thành cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.
Nhận định rõ những điểm yếu nội tại và bất cập về chính sách, ngày 17/7/2025, Chính phủ ban hành Nghị định 205/2025/NĐ-CP, sửa đổi và bổ sung Nghị định 111/2015/NĐ-CP, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Có hiệu lực từ ngày 1/9/2025, Nghị định mang đến loạt chính sách hỗ trợ tốt hơn về công nghệ, nhân lực, môi trường, pháp lý và đầu tư, tạo kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư mạnh hơn vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, nhất là trong bối cảnh các doanh nghiệp đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển hướng sang sản xuất trong nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, động thái trên được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, tiếp cận nguồn vốn, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp FDI đang đầu tư sản xuất tại Việt Nam.
Thêm nhiều ưu đãi cụ thể
Một trong những điểm nổi bật tại Nghị định 205/2025/NĐ-CP là sửa đổi Điều 5, bổ sung các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ nhằm sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục ưu tiên phát triển.
Theo đó, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động đổi mới công nghệ sẽ được tiếp cận nguồn hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, cùng các cơ chế ưu đãi khác theo quy định hiện hành.
Đặc biệt, đối với các dự án hợp tác nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ giữa doanh nghiệp và tổ chức khoa học công nghệ, mức hỗ trợ có thể lên tới 50% chi phí đầu tư máy móc, thiết bị, thiết kế, đào tạo, sở hữu trí tuệ, thuê chuyên gia tư vấn… Đồng thời, mức hỗ trợ có thể lên tới 70% chi phí cho các hoạt động nâng cao năng lực chuyên gia, đơn vị tư vấn trong lĩnh vực này.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên- Tổng giám đốc công ty KNTECH, các ưu đãi trên giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiếp cận công nghệ tiên tiến, từ đó cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Song, để tận dụng hiệu quả, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực kỹ thuật và tài chính. Cơ chế phân bổ nguồn lực cũng cần minh bạch, tránh tình trạng hỗ trợ không đúng đối tượng, đảm bảo tác động thực chất đến ngành công nghiệp hỗ trợ.

Bổ sung nhiều chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ - Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, về pháp lý, doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc danh mục ưu tiên được hưởng các hỗ trợ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, bao gồm tư vấn pháp lý và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Điều này giúp giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn thường gặp khó khăn trong việc tuân thủ quy định pháp luật phức tạp.
Về đầu tư, các dự án sản xuất sản phẩm ưu tiên được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và hưởng ưu đãi thuế theo quy định pháp luật. Những chính sách trên tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư trong và ngoài nước, giúp Việt Nam cạnh tranh với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia để trở thành trung tâm sản xuất khu vực. Tuy nhiên, cần giám sát chặt chẽ để tránh lạm dụng ưu đãi, đồng thời nâng cao năng lực quản lý để hỗ trợ nhà đầu tư hiệu quả.
Nghị định cũng bổ sung 3 điều khoản hỗ trợ về môi trường, pháp lý và kiểm định chất lượng, hướng đến phát triển công nghiệp bền vững và nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm. Các dự án phát triển khu công nghiệp hỗ trợ hoặc cụm liên kết ngành được hưởng ưu đãi bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm ưu tiên cũng nhận hỗ trợ tương tự, thể hiện cam kết của Việt Nam về phát triển công nghiệp xanh.
Về kiểm định chất lượng, doanh nghiệp được hỗ trợ tối đa 50% chi phí cho các hoạt động như thuê phòng thử nghiệm, thử nghiệm mẫu, kiểm nghiệm hàng hóa mới, đăng ký bản quyền, sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch, đo lường và hiệu chuẩn phương tiện đo. Các hỗ trợ trên giúp doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, một điều kiện tiên quyết để gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu trong các ngành như điện tử, ô tô và cơ khí chính xác…
Với những ưu đãi trên, Nghị định 205/2025/NĐ-CP đã ban hành kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ không lỡ nhịp hội nhập với thế giới. Bởi suy cho cùng, mục tiêu cao nhất vẫn là nâng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, để Việt Nam tự tin với thế giới về số lượng doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng vào mạng lưới công nghiệp toàn cầu.
Việc tăng ưu đãi cho doanh nghiệp hỗ trợ là “liều thuốc” cần thiết trong bối cảnh ngành sản xuất trong nước phụ thuộc nguyên liệu đầu vào từ nguồn nhập khẩu và số lượng doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng của khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài còn khiêm tốn.