Nghị lực phi thường của người thương binh quê lúa

Ngoài thời gian điều trị ở trung tâm, ông Tinh về nhà, nghĩ cách mưu sinh giúp gia đình. Việc đầu tiên là phải… lấy vợ. Nhưng lấy ai, ai lấy là cả một bài toán khó. Làng trên xóm dưới đã râm ran chuyện ông Tinh bị thương ở đầu, sống dở chết dở. Thậm chí, có người ác khẩu còn bảo: 'Cái thằng tâm thần ấy, lấy nó thì khổ cả đời!'...

Câu chuyện giữa chúng tôi với người thương binh nặng Vũ Văn Tinh đang rôm rả tại phòng khách thì bà Tuyết, vợ ông, đưa vào một thanh niên. Cậu ta chủ động chào và nói: “Cháu ở Đội Hình sự Công an TP Thái Bình. Chú cho cháu xem lại camera nhà mình, hôm qua có vụ 2 thằng đi xe máy cướp giật dây chuyền ở ngã ba Long Hưng”. Ông Tinh bèn tìm cái remote hệ thống camera đưa cho cậu thanh niên. Sau vài phút dò tìm, tua đi tua lại, cậu ta reo lên: “Đây rồi. Hình ảnh khá rõ, cháu sẽ check thêm camera ở các chốt giao thông”…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, tặng quà người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (Hà Nội, ngày 22/7/2022). Ông Vũ Văn Tinh đứng bìa trái ảnh.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, tặng quà người có công tiêu biểu nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh liệt sỹ (Hà Nội, ngày 22/7/2022). Ông Vũ Văn Tinh đứng bìa trái ảnh.

Lằn ranh sinh tử

Người lính hình sự cảm ơn ông Tinh, chào chúng tôi và ra về. Lúc này, tôi mới ngắm kĩ căn phòng khách rộng thênh. Có khá nhiều loa, đài, ti vi cửa lùa, đồng hồ… có thâm niên cả trăm năm đến vài chục năm; tất cả vẫn còn chạy, xem tốt. Trên tường có nhiều bức ảnh được treo trang trọng: ảnh gia đình, ảnh ông Tinh được vinh danh ở các hội nghị điển hình ở Trung ương, ảnh Chủ tịch nước, Thủ tướng đến tận nhà và Gara ô tô Sơn Tinh thăm hỏi, động viên người thương binh nặng điển hình Vũ Văn Tinh…

Người thương binh nặng Vũ Văn Tinh đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành điển hình làm kinh tế và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội và bảo đảm ANTT ở địa phương.

Người thương binh nặng Vũ Văn Tinh đã vượt qua nghịch cảnh, trở thành điển hình làm kinh tế và tích cực tham gia công tác an sinh xã hội và bảo đảm ANTT ở địa phương.

Ông Tinh rót trà, chỉ vào đĩa ổi Bo vừa trảy ngoài vườn nhìn rất ngon mắt, mời chúng tôi thưởng thức rồi thủng thẳng nói: “Có việc gì anh em công an cần, giúp được thì tôi và gia đình đều nhiệt tình. Rồi công việc của Hội thương binh nặng, của địa phương, tôi luôn cố gắng tham gia, ủng hộ”.

Ông Tinh tuổi Đinh Dậu, năm nay gần 70, dáng cao ráo, nước da trắng hơi xanh. “Nhìn tưởng là khỏe mạnh nhưng mỗi khi trái gió trở trời, chú em lại bị những cơn đau hành hạ do di chứng vết thương ở đầu. Ngày chúng em còn bé, mỗi khi chú từ trại thương binh về nhà, người lớn phân công canh chừng hễ thấy chú mặt mũi nhăn nhó, người quay quay là phải đỡ chú ngồi xuống rồi lấy cái đũa cả kê ngang miệng để chú khỏi cắn vào lưỡi” – chị Mai, người cháu gọi ông Tinh bằng chú ruột kể với chúng tôi.

Tôi bảo: “Vết thương đó như thế nào, chú cho cháu xem?”. Ông Tinh cúi đầu xuống vén phần tóc bên trái phía sau, để lộ ra một vết lõm chỉ có miếng da mỏng; ngay dưới da là màng não. Ông bảo tôi: “Sờ nhẹ thôi nhé!”. Tôi đặt ngón tay trỏ vào miếng da đầu phập phồng đó và cảm thấy gai người trước sự mong manh của lằn ranh sống – chết… Vậy mà gần 50 năm qua ông Tinh đã sống với cái đầu bị khuyết một mảnh xương sọ; chưa kể những di chứng sức khỏe, chỉ một sơ suất rất nhỏ trong lao động, sinh hoạt cũng có thể bị trả giá bằng chính mạng sống.

Ông Tinh là con út trong gia đình có 8 anh chị em. Dù người anh trai cả Vũ Văn Na đã hi sinh tại chiến trường miền Nam năm 1968, nhưng đến đầu 1975, ông Tinh vẫn xung phong nhập ngũ. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông Tinh ra quân trở về quê nhà chưa được bao lâu thì biên giới Tây Nam nóng ran bởi sự khiêu khích, xâm lấn của quân Polpot. Người cựu binh Vũ Văn Tinh tái ngũ vào cuối năm 1977 và nhanh chóng hành quân vào Nam lần thứ hai.

Ông Tinh có một trí nhớ đáng nể. Gần 50 năm đã qua, ông vẫn kể tường tận từng trận đánh, ngày giờ, diễn biến; nhớ tên những đồng đội bị thương, hi sinh khi lâm trận. Sáng 26/4/1978, trong trận đánh tại Bến Cầu (tỉnh Tây Ninh) đẩy đuổi quân Polpot, ông Tinh vác khẩu B40 cơ động bám theo địch. Khi đang vận động qua khe hở giữ 2 ụ mối, ông giẫm phải 1 quả mìn cóc. Sau tiếng nổ đinh tai, ông đổ gục xuống và đến chiều tối mới tỉnh lại. Nằm trên chiếc cáng đặt ven bờ sông Vàm Cỏ ở Bến Sỏi chờ trực thăng đưa về Quân y viện 175, ông loáng thoáng nghe đồng đội nhắc nhau: “Cho nó uống ít nước thôi, kẻo chết đấy”!

Ông Vũ Văn Tinh (bìa trái) và tác giả.

Ông Vũ Văn Tinh (bìa trái) và tác giả.

Sau gần 2 năm nằm viện, ông Tinh vượt qua lưỡi hái tử thần với tỉ lệ thương tật 81% và trở ra Bắc, dưỡng thương tại một Trung tâm chăm sóc thương binh nặng ở Thái Bình. Để giúp ông sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường, Trung tâm cho ông được về nhà ngày cuối tuần. Thứ bảy hằng tuần, người anh trai là Vũ Văn Sơn đạp xe lên trung tâm chăm sóc thương binh đón em, thứ 2 đưa trở lại. Ông Tinh vẫn đi lại được nhưng thi thoảng bị những cơn co giật hành hạ, người lảo đảo, mắt trợn ngược lên, quay cuồng, đầu đau như búa bổ...

Ngoài thời gian điều trị ở trung tâm, ông Tinh về nhà, nghĩ cách mưu sinh giúp gia đình. Việc đầu tiên là phải… lấy vợ. Nhưng lấy ai, ai lấy là cả một bài toán khó. Làng trên xóm dưới đã râm ran chuyện ông Tinh bị thương ở đầu, sống dở chết dở. Thậm chí, có người ác khẩu còn bảo: “Cái thằng tâm thần ấy, lấy nó thì khổ cả đời!”. Bàn đi tính lại, ông Vũ Văn Sơn chốt: “Anh thấy, chỉ có cái Tuyết cùng xóm là hợp với chú!”. Gia đình bà Tuyết nền nếp gia phong, vốn đã quý mến ông Tinh là con nhà gia giáo, nay trân trọng người lính mang thương tật vì đất nước, nên cũng thuận tình sau khi mẹ đẻ ông Tinh nhờ người dạm hỏi. Các thủ tục cần thiết được tiến hành khẩn trương và đám cưới của đôi trẻ được tổ chức vào tháng 12/1979.

Làm giàu và giúp người

Lấy ông Tinh, bà Tuyết được suất trợ cấp dành cho người chăm sóc thương binh nặng, song cuộc sống hai vợ chồng rất khó khăn trong thời bao cấp và đất nước đang có chiến tranh ở cả phía Bắc, phía Nam… Để giúp vợ chồng người em mưu sinh, ông Sơn bàn tính mở một hiệu sửa xe đạp nhỏ bên con đường gần cầu Bo. Tuy bị thương tật nhưng trí thông minh của ông Tinh vẫn thật đáng nể, lại có “hoa tay” nên cửa hàng xe đạp ngày càng đông khách. Thời chiếc xe đạp Phượng Hoàng còn là một tài sản lớn, ông Tinh đã biết cách mua xe cũ, về gò, sơn lại rồi bán kiếm lời… Ngoài việc tạo hình chiếc hộp xích, một chi tiết cực khó là “kẻ chỉ” vành. Xe Phượng Hoàng mới thường có đường chỉ vàng rất sắc nét quanh mặt vành, nhằm trang trí và bắt mắt hơn. Mới đầu, ông Tinh tỉ mẩn kẻ, vẽ nhưng mãi mà đường chỉ vẫn bị nhòe; ông bèn “tầm sư học đạo”, đến một cửa hiệu chuyên sơn xe đạp ở thị xã Thái Bình. Kín đáo dò hỏi, ông chủ hiệu chỉ dè dặt nói là dùng lông gà làm bút vẽ.

Trong xưởng sữa chữa Gara ô tô Sơn Tinh.

Trong xưởng sữa chữa Gara ô tô Sơn Tinh.

Mừng như mở cờ trong bụng, ông Tinh về mày mò lấy lông gà chế thành đầu bút sơn nhưng vẫn thất bại; đường chỉ vẫn nhòe. Không nản chí, ông trở lại cửa hiệu đó nhiều lần và âm thầm chờ đợi. Một hôm, có người bán gà đạp xe từ cửa hiệu ra, ông Tinh bám theo đón đường làm quen; hỏi vào đó bán gà sao lại mang gà ra? Người buôn gà bảo: “Thi thoảng ông ấy có mua gà, nhưng chủ yếu là xin nhúm lông dưới nách con gà”. Thế là bí quyết công nghệ được phát hiện và ông Tinh nhanh chóng trở thành một thợ sơn có tiếng. Với trí tuệ và bàn tay khéo léo, ông đã “mông má”, bán được nhiều chiếc xe đạp Phượng Hoàng từng là niềm khát khao của bao gia đình một thời gian khó.

Ngày ấy, xe máy vẫn còn là của hiếm. Việc vận chuyển hàng hóa chủ yếu dùng xe bò, xe cải tiến kéo tay… Ông Tinh lại nghĩ ra cách “tăng vành”, “chống khung” biến xe đạp thành xe thồ, rất tiện lợi cho vận chuyển nông sản. Cửa hiệu xe đạp của ông Tinh ngày càng phát đạt, nhà có bát ăn, bát để. Cả xã khi đó chỉ có anh em ông sắm được xe máy, ông Sơn xe Honda 67, ông Tinh xe Honda 50… khiến xóm làng đều nể trọng người thương binh giàu nghị lực.

Hết thời xe đạp, ông Tinh phát triển hiệu sửa chữa xe máy rồi xưởng sửa chữa ô tô từ năm 1993. Để tri ân người anh ruột đã mất, ông lấy tên là Xưởng sửa chữa ô tô Sơn Tinh và nay là Gara ô tô Sơn Tinh. Chiếc ô tô đầu tiên ông Tinh mua từ Hà Nội là Niva, sản xuất cuối thời Liên Xô. Về xưởng, ông dỡ tung ra, đi lại đường điện, gò, sơn mới và bán lời 11 triệu đồng, tính ra là 3 cây vàng khi đó – một số tiền rất lớn có được chỉ sau hơn 1 tháng.

Tác giả và ông Vũ Văn Tinh bên cây ổi Bo trong vườn nhà.

Tác giả và ông Vũ Văn Tinh bên cây ổi Bo trong vườn nhà.

Từ căn nhà nhỏ khoảng hai chục mét vuông ven đường lúc khởi nghiệp, đến nay cơ ngơi nhà đất, nhà xưởng của ông Tinh đã mở rộng ra hơn 2.300m2 dọc mặt tiền con đường lớn Long Hưng (phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình), cách cầu Bo không xa. Lúc cao điểm, Gara ô tô Sơn Tinh có hơn 30 thợ, lương thấp nhất là người học việc cũng được 6 triệu đồng/tháng… Ông nhiệt tình truyền nghề cho các cháu và nhiều thanh niên địa phương, không ít người đã mở được cửa hiệu, làm ăn khấm khá. Ông Tinh cũng rất tích cực trong các hoạt động của hội thương binh nặng, giúp đỡ thương bệnh binh cũng như chính quyền, đoàn thể và lực lượng Công an cơ sở trong công tác bảo đảm ANTT.

Đưa chúng tôi đi thăm Gara, ông Tinh tận tình tóm tắt quy trình gò, sơn; ông nói vanh vách những lý thuyết về động cơ, điện… được học từ thời phổ thông. Giọng ông thật truyền cảm, lặp đi lặp lại: “Thầy tôi dạy tôi như thế này… và tôi vẫn nhớ để vận dụng vào công việc”. Rồi ông khoe: “Tôi chỉ có một con trai duy nhất. Cháu học trường chuyên của tỉnh, được tuyển thẳng vào mấy trường top đầu, kể cả Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng cháu nghe lời tôi vào Học viện Cảnh sát. Giờ cháu đang là trưởng công an một phường tại Hà Nội”.

Từ xưởng ô tô, ông Tinh đưa chúng tôi đi ngắm cơ ngơi hai vợ chồng ông tạo dựng được sau gần 45 năm chung sống. Với một người bình thường, có được khối tài sản lớn như vậy đã quá khó, huống chi một thương binh nặng như ông. Trước nhà, có khu vườn rộng nhiều rau xanh và cây trái. Đưa chúng tôi đến bên cây ổi Bo cao chừng 5 mét, cành vươn rộng, ông Tinh bật mí: “Cái giống ổi Bo này rất khó trồng. Gieo hạt, chiết cành đều được nhưng cây không khỏe, trái không ngon. Phải chăm sóc kĩ, rồi để ý từ nhánh rễ của cây mẹ mọc lên cây con, thì xắn đất, bứng cả đoạn rễ và cây con đó đem trồng, mới được cây giống tốt nhất!”.

Giọng ông Tinh rủ rỉ, ánh mắt nhìn ra khu vườn rộng mênh mông nắng tỏa trong một ngày đầu xuân.

Duy Hiển – Viết Phùng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/nghi-luc-phi-thuong-cua-nguoi-thuong-binh-que-lua-i691266/