Nghị quyết 08 tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao

BHG - Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục, thể thao (TDTT) (Nghị quyết 08), với nhiều chính sách và giải pháp đột phá, phù hợp, TDTT tỉnh nhà có bước phát triển vượt bậc, đạt nhiều thành tựu, góp phần nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống nhân dân.

Người dân tổ 15, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên.

Người dân tổ 15, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, các cấp, ngành tập trung quán triệt, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, các tầng lớp nhân dân về vai trò của tập luyện TDTT và tích cực hưởng ứng phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết quy định chế độ, chính sách thúc đẩy phát triển mạnh mẽ TDTT như: Chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên (VĐV), huấn luyện viên thể thao thành tích cao; chế độ chi tiêu tài chính đối với tổ chức các giải thi đấu TDTT. Cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển TDTT toàn diện; chú trọng đầu tư, kêu gọi xã hội hóa xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu tập luyện của nhân dân.

Chiều nào cùng vậy, ngay khi dịch Covid - 19 được kiểm soát, các hoạt động TDTT trở lại bình thường, sân Nhà văn hóa tổ 9 - 10, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang) lại rộn ràng không khí tập luyện TDTT. Người chơi bóng chuyền, người đánh cầu lông, những đứa trẻ đá bóng, người già tập luyện với các công cụ thể thao được lắp đặt quanh sân. Bà Tạ Thị Nhung, tổ 15, phường Minh Khai chia sẻ: “Chiều nào CLB bóng chuyền hơi của tổ cũng tập luyện, thường xuyên tham gia thi đấu các giải thể thao phong trào do các cấp tổ chức. Thông qua tập luyện TDTT giúp mọi người nâng cao sức khỏe, tinh thần, đoàn kết, sống vui vẻ, vượt qua khó khăn”.

Các hoạt động TDTT trong trường học, lực lượng vũ trang, công chức, viên chức, người lao động, người cao tuổi đều phát triển rộng khắp. Các giải thi đấu thể thao phong trào ngày càng mở rộng quy mô. Một số môn thể thao dân tộc được khôi phục, duy trì và phát triển như: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, leo cột, đi cà kheo; đồng thời phát triển các môn thể thao hiện đại như: Cầu lông, bóng bàn, bóng đá, bóng chuyền, điền kinh. Tỉnh đã tổ chức thành công Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội TDTT các cấp và giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng toàn tỉnh; tham gia các giải thể thao cấp khu vực, T.Ư tổ chức.

Đến nay, 100% trường học thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khóa; trên 22% dân số và 10% gia đình tham gia tập luyện TDTT thường xuyên; toàn tỉnh có 530 câu lạc bộ TDTT (tăng 189% so với năm 2011); 1.580 điểm nhóm và 2.915 đội thể thao cơ sở; 10 sân vận động, 19 sân quần vợt, 19 sân bóng đá cỏ nhân tạo, 1.171 sân luyện tập TDTT, 33 nhà thi đấu TDTT, 47 bể bơi các loại. Thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới, 100% xã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất cho xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao; hàng năm tổ chức 877 giải đấu thể thao phong trào các cấp. Giai đoạn 2011 - 2021, toàn tỉnh đạt 338 huy chương và giải thưởng thể thao phong trào các loại.

Thể thao thành tích cao được quan tâm, phát triển vượt bậc. Toàn tỉnh có 103 VĐV tham gia luyện tập ở 6 môn thể thao gồm: Pencaksilat, Wushu, Muay thái, KicBoxing, Vovinam, Bóng ném. Giai đoạn 2011-2021, thể thao tỉnh nhà đạt 357 huy chương các loại; 113 VĐV được phong cấp I; 38 VĐV đạt kiện tướng quốc gia. Hàng năm có từ 2- 3 VĐV được trưng tập vào đội tuyển quốc gia, tham gia thi đấu các giải quốc tế và châu lục. Các VĐV xuất sắc, đạt huy chương tại các giải thể thao lớn đều được đãi ngộ, động viên kịp thời.

Song song với việc phát triển TDTT, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, huấn luyện viên, giáo viên TDTT các cấp được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Các cấp, ngành tiếp tục tăng cường sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với phong trào TDTT; không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, phát triển các tổ chức xã hội về TDTT và tăng cường hợp tác quốc tế.

Với quan điểm phát triển TDTT góp phần nâng cao sức khỏe, thể lực và chất lượng cuộc sống của nhân dân, chất lượng nguồn nhân lực, giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước; Nghị quyết 08 đã thổi làn gió mới đầy sức sống, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân, VĐV được tập luyện mỗi ngày. Đó cũng là cách để mọi người dân nơi địa đầu Tổ quốc học tập và làm theo tấm gương của Bác: “Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe tức là cả nước mạnh khỏe... Dân cường thì quốc thịnh. Tôi mong đồng bào ai cũng gắng tập thể dục. Tự tôi ngày nào cũng tập” (Trích “Lời kêu gọi tập thể dục” của Bác Hồ ngày 27.3.1946).

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/the-thao-giai-tri/202204/nghi-quyet-08-tao-buoc-phat-trien-manh-me-ve-the-duc-the-thao-ff77379/