Nghị quyết 68 - 'khởi nguồn' cho DNNVV phát triển
Nghị quyết số 68-NQ/TW có thể coi là chính sách đầu tiên mang tính đột phá, 'mở cửa' cho doanh nghiệp tư nhân khởi nghiệp sáng tạo bằng những quy định cụ thể, thiết thực. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đa phần có quy mô vừa và nhỏ, khó khăn về tài chính, nhất là doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo rất cần được hỗ trợ về nguồn lực để có cơ hội được 'vươn mình' lớn mạnh, góp phần vào sự phát triển của đất nước. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Thời báo Ngân hàng có cuộc phỏng vấn ông Huỳnh Thanh Vạn - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn và Hỗ trợ Khởi nghiệp phía Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT CTCP S Furniture.

Nghị quyết số 68-NQ/TW đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Trong đó, chú trọng phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Theo ông, mục tiêu này có thể sớm đạt được như kỳ vọng?
Trước tiên, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân nói chung và các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đang cảm thấy có động lực cùng sự tự tin, “điểm tựa” vững chắc về cơ sở pháp lý để có thể yên tâm hoạch định phát triển tương lai, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Khi Nghị quyết đi vào triển khai một cách hiệu quả, chắc chắn mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế đến 2030 sẽ khả thi, kỳ vọng đem lại những thay đổi, thành tựu to lớn cho đất nước.
Song, thực tế do quy mô vừa và nhỏ, nguồn tài chính hạn chế nên không ít doanh nghiệp khởi nghiệp không thể tiếp tục đổi mới, phát huy khả năng sáng tạo đã buộc phải dừng lại, thậm chí thất bại, dẫn đến lãng phí nguồn lực, công sức. Vì vậy, để mục tiêu này sớm hiện thực hóa, các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về tài chính, đất đai để có thể dành nguồn lực cho đổi mới sáng tạo.
Và lần này, Nghị quyết số 68 đã quy định một loạt chính sách về miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; chính sách về hỗ trợ đất đai; thành lập quỹ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân lực với mục tiêu triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành... Đây là những chính sách rất cụ thể và toàn diện, tiếp thêm sức mạnh to lớn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển.
Trong bối cảnh có nhiều thay đổi về quản lý hành chính địa phương, theo ông việc thực thi chính sách doanh nghiệp có gặp những khó khăn, vướng mắc?
Thực tế, các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp trẻ, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo khi làm chắc chắn sẽ phải có nhiều thử nghiệm, có thể mắc sai lầm, nhưng dám thử, dám sai để đi đến cái đúng, sự thành công với nhiều kết quả tối ưu nhất nên rất cần sự đồng hành và ủng hộ.
Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đã được sáp nhập vào TP. Hồ Chí Minh. Một thành phố mới với không gian kinh tế rộng mở, quy mô siêu đô thị hiện đại, chắc chắn mở ra nhiều không gian phát triển, kết nối với những thành phố lớn trên thế giới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn kinh doanh, cũng như tạo dựng, thiết lập hệ sinh thái, chuỗi cung ứng sâu rộng, có giá trị kinh tế lớn hơn.
Những vấn đề vướng mắc ban đầu về cơ chế, chính sách khi cả nước “vừa chạy vừa xếp hàng” để thực thi, hay những rào cản có thể xảy ra trong giai đoạn đầu về kết nối địa lý, hạ tầng sẽ sớm được khắc phục và dần đi vào quy củ, chuẩn mực để có thể phát huy hơn nữa vai trò “đầu tàu” tại khu vực phát triển công nghiệp, xuất nhập khẩu chế biến chế tạo nhất cả nước. Nhất là làm sao để có thể tạo ra sự thuận lợi cho doanh nghiệp, trong đó có các DNNVV chiếm chủ đạo trong khu vực kinh tế tư nhân.
Hiện đã có 21 NHTM đăng ký tham gia Chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ cho vay các dự án hạ tầng chiến lược như giao thông, điện lực, hạ tầng số… với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 1% trở lên so với lãi suất cho vay trung và dài hạn. Trong đó, 4 NHTM có vốn nhà nước (nhóm “Big 4”) gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank được xác định là chủ lực, mỗi ngân hàng đăng ký tham gia 60.000 tỷ đồng.
NHNN vừa công bố chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và hạ tầng chiến lược. Ông đánh giá thế nào về tác động của Chương trình này đến DNNVV?
Các DNNVV, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ rất cần những gói tín dụng được “thiết kế” dành riêng cho doanh nghiệp đủ điều kiện có cơ hội tiếp cận bởi nhóm doanh nghiệp này thường có đặc thù riêng và thiếu rất nhiều nguồn lực.
Trong bối cảnh hiện nay, nếu các doanh nghiệp không chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, AI… vào hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ không có sức cạnh tranh và theo kịp xu thế thời đại. Song để làm được điều này rất cần có sự hỗ trợ từ những chương trình mang tính quốc gia của Chính phủ trang bị cho doanh nghiệp từ kiến thức nền tảng, cho đến những phần mềm ứng dụng, đào tạo nhân lực con người đầy đủ hành trang kỹ thuật số…
Đặc biệt, yếu tố nguồn vốn đối với các DNNVV không thể thiếu. Hệ thống ngân hàng nên có những gói tín dụng ưu đãi lãi suất phục vụ đổi mới sáng tạo để doanh nghiệp trong lĩnh vực này có thể tiếp cận dễ dàng theo những tiêu chí cụ thể, rõ ràng, thủ tục thuận lợi để sớm triển khai vào thực tiễn.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nghi-quyet-68-khoi-nguon-cho-dnnvv-phat-trien-167296.html