Nghị quyết số 220/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết số 220/2025/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh.

NGHỊ QUYẾT

Về chủ trương đầu tư Dự án

đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh

-------------

QUỐC HỘI

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 203/2025/QH15;

Căn cứ Luật Đường bộ số 35/2024/QH15;

Căn cứ Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15;

Căn cứ Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư số 64/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 57/2024/QH15;

Căn cứ Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh;

Sau khi xem xét Tờ trình số 476/TTr-CP ngày 6 tháng 6 năm 2025 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 525/BC-UBKTTC15 ngày 12 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội, Báo cáo số 1354/BC-UBTVQH15 ngày 26 tháng 6 năm 2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, chỉnh lý và giải trình về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, các tài liệu liên quan và ý kiến của đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1

Quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Dự án).

Điều 2

1. Mục tiêu:

Xây dựng trục giao thông chiến lược kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên, thúc đẩy lưu thông hàng hóa từ các khu công nghiệp, khu đô thị đến các cảng biển, cảng hàng không và ngược lại; kết nối các đô thị, khu công nghiệp trong vùng, tạo liên kết vùng, phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; giảm áp lực giao thông cho khu vực trung tâm đô thị; tạo không gian phát triển mới để khai thác tiềm năng nguồn lực đất đai và tận dụng các khu vực có điều kiện thuận lợi cho phát triển đô thị, góp phần điều tiết dân số khu vực nội đô; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh theo Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các nghị quyết của Đảng.

2. Phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư:

Đầu tư khoảng 159,31 km, chia thành 10 dự án thành phần; quy mô, hình thức đầu tư của từng dự án thành phần được xác định tại Phụ lục kèm theo Nghị quyết này.

3. Công nghệ:

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu về an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí điện tử không dừng trong khai thác, vận hành.

4. Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất:

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.421 ha. Trong đó, diện tích thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.416 ha, bao gồm: đất trồng lúa khoảng 456 ha và các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 960 ha.

Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư một lần theo quy mô quy hoạch.

5. Sơ bộ tổng mức đầu tư và nguồn vốn:

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 120.413 tỷ đồng (một trăm hai mươi nghìn, bốn trăm mười ba tỷ đồng), bao gồm:

a) Nguồn vốn ngân sách trung ương khoảng 29.688 tỷ đồng (hai mươi chín nghìn, sáu trăm tám mươi tám tỷ đồng);

b) Nguồn vốn ngân sách địa phương khoảng 40.093 tỷ đồng (bốn mươi nghìn, không trăm chín mươi ba tỷ đồng);

c) Vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 50.632 tỷ đồng (năm mươi nghìn, sáu trăm ba mươi hai tỷ đồng).

(Chi tiết theo Phụ lục kèm theo Nghị quyết này).

6. Tiến độ thực hiện:

Chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2025; hoàn thành công trình đưa vào vận hành, khai thác trong năm 2029.

7. Các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư:

Các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư, loại hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Phương án tài chính: sơ bộ khung giá, phí sử dụng dịch vụ theo phương án tài chính của Dự án; phương án tài chính sẽ được tính toán quyết định cụ thể trong quá trình phê duyệt đầu tư các dự án thành phần theo quy định của pháp luật và kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Điều 3

Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt sau đây:

1. Về khai thác khoáng sản nhóm IV và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc khoáng sản nhóm III theo quy định của Luật Địa chất và khoáng sản (sau đây gọi là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) phục vụ Dự án:

a) Đối với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã được cấp phép, đang hoạt động, còn thời hạn khai thác hoặc đã hết thời hạn khai thác, còn trữ lượng nhưng chưa thực hiện thủ tục đóng cửa mỏ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định:

- Điều chỉnh trữ lượng khai thác, kéo dài thời hạn khai thác mỏ, nâng công suất theo nhu cầu của Dự án mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh; không phải lập dự án đầu tư khai thác khoáng sản điều chỉnh để thực hiện trình tự, thủ tục quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư; không phải thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường và đăng ký môi trường nhưng phải bảo đảm yêu cầu về an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong khai thác;

- Dừng việc nâng công suất khai thác khi đã cung cấp đủ cho Dự án;

b) Đối với các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng chưa cấp Giấy phép khai thác:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh, bổ sung các mỏ khoáng sản này vào phương án quản lý về địa chất, khoáng sản trong quy hoạch tỉnh mà không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch tỉnh; sử dụng nguồn dự phòng của Dự án để tổ chức thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khu vực mỏ sau khi đã được khảo sát, đánh giá về trữ lượng, chất lượng theo yêu cầu của Dự án và các nội dung khác theo quy định của pháp luật về địa chất và khoáng sản để cấp mỏ cho tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án; quản lý, giám sát quá trình thực hiện và quản lý sau khi hoàn thành Dự án;

- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án được cấp giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường mà không phải đấu giá quyền khai thác khoáng sản; đối với các mỏ vật liệu xây dựng thông thường đã được đưa vào kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản được điều chỉnh, đưa ra khỏi kế hoạch đấu giá để cấp giấy phép khai thác; việc cấp phép khai thác được thực hiện tương tự như việc cấp phép khai thác khoáng sản nhóm IV quy định tại điểm a khoản 2 Điều 72 và các điểm c, d khoản 2 Điều 73 của Luật Địa chất và khoáng sản;

- Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án chịu trách nhiệm nộp thuế, phí và nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

- Việc khai thác, sử dụng khoáng sản được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án và phải chịu sự quản lý, giám sát theo quy định của pháp luật;

c) Trường hợp đã khai thác hết trữ lượng khoáng sản tại các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng cho Dự án, chủ đầu tư chủ trì tổ chức khảo sát, đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ sung mới các mỏ khoáng sản vào Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc quản lý, khai thác, sử dụng khoáng sản tại các mỏ khoáng sản bổ sung mới thực hiện như quy định tại điểm b Khoản này;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện thực tế để xem xét, hướng dẫn tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phục vụ Dự án tự lập đánh giá tác động tới lòng, bờ, bãi sông đối với mỏ cát, sỏi lòng sông nằm ở đoạn sông, suối có nguy cơ sạt lở cao bảo đảm tuân thủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng khoáng sản theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các dự án thành phần đầu tư theo hình thức đầu tư công: trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư được thực hiện tương tự như dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được giao làm cơ quan có thẩm quyền tổ chức thẩm định và quyết định đầu tư.

3. Trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

4. Cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với các gói thầu để phục vụ Dự án: tư vấn, phi tư vấn, tư vấn lập điều chỉnh quy hoạch, thi công xây dựng hạ tầng khu tái định cư. Trình tự, thủ tục chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

5. Các công trình cầu từ cấp II trở lên và nút giao thông trong đô thị không phải thi tuyển phương án kiến trúc.

6. Về điều chỉnh hình thức đầu tư trong trường hợp các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư của Dự án không lựa chọn được nhà đầu tư, cho phép:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh sang hình thức đầu tư công trong trường hợp dự án thành phần đó không sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (trong trường hợp giữa hai kỳ họp Quốc hội) xem xét, quyết định điều chỉnh sang hình thức đầu tư công đối với các dự án thành phần sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương.

7. Dự án không phải thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn theo quy định của pháp luật.

Điều 4

Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt quy định tại các khoản 1, khoản 4 và khoản 6 Điều 3 của Nghị quyết này trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Điều 5

1. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc:

a) Triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc, kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền bảo đảm nguồn vốn thực hiện và tiến độ, chất lượng Dự án. Bảo đảm tính chính xác của số liệu liên quan tới Dự án;

b) Lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Nghị quyết này, bảo đảm đúng mục tiêu, công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách, thất thoát, lãng phí; hằng năm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm về tình hình thực hiện Dự án; thông tin đầy đủ để người dân hiểu, đồng thuận về chủ trương đầu tư và hỗ trợ triển khai thực hiện Dự án.

2. Các địa phương chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc: bảo đảm nguồn vốn ngân sách địa phương theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 2 của Nghị quyết này; tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án; tiến độ, chất lượng dự án thành phần được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền.

3. Trường hợp tăng tổng mức đầu tư của dự án thành phần, địa phương được giao làm cơ quan chủ quản hoặc cơ quan có thẩm quyền của dự án thành phần có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó. Trường hợp giảm tổng mức đầu tư của dự án thành phần, ngân sách trung ương dự kiến bố trí cho dự án thành phần đó giảm tương ứng.

Điều 6

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tuyên truyền, vận động Nhân dân đồng thuận chủ trương đầu tư Dự án và giám sát việc thực hiện Dự án theo Nghị quyết này.

2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế và Tài chính, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Dự án theo Nghị quyết này.

3. Kiểm toán nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm toán việc thực hiện Dự án theo Nghị quyết này.

Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 27 tháng 6 năm 2025.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

(Đã ký)

Trần Thanh Mẫn

PHỤ LỤC

Danh mục các dự án thành phần thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh

(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 220/2025/QH15 ngày 27 tháng 6 năm 2025 của Quốc hội)

1. Nhóm dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công

2. Nhóm dự án thành phần thực hiện theo phương thức đối tác công tư

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=95006