Nghị quyết số 50: Rất cần thiết cho mô hình tăng trưởng mới

Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Cần tập trung thu hút các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn

Cần tập trung thu hút các dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn

Theo GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), đây là nghị quyết rất cần thiết và kịp thời, vấn đề còn lại là cần bắt đầu ngay quá trình triển khai.

Phù hợp với bối cảnh chuyển đổi kinh tế số

Ông nghĩ thế nào khi đến thời điểm này chúng ta có một nghị quyết về đầu tư nước ngoài (ĐTNN) như vậy?

Để đuổi kịp trình độ phát triển của thế giới, nắm bắt các cơ hội mang lại từ CMCN 4.0, qua đó đưa nước ta thành một nước từ thu nhập trung bình thấp sang thu nhập trung bình cao và sang một nước công nghiệp hiện đại trong tương lai vài thập kỷ tới thì rõ ràng doanh nhân, DN ngày càng đóng vai trò rất quan trọng.

2018-2019 là các năm của cộng đồng DN khi Bộ Chính trị đã có liên tiếp 3 nghị quyết: Một là Nghị quyết Kinh tế tư nhân là động lực tăng trưởng quan trọng; hai là Nghị quyết về nâng cao hiệu quả của DNNN, đẩy nhanh cổ phần hóa và nay là Nghị quyết về ĐTNN. Nếu chúng ta có thể thúc đẩy, tạo điều kiện để cả 3 “đội quân” này cùng phát triển thành những động lực quan trọng của tăng trưởng thì lúc đó chúng ta mới có tốc độ tăng trưởng cao, bền vững và theo hướng kinh tế số để tiến kịp với thế giới.

Điểm mới và khác biệt so với những định hướng của thời điểm trước trong thu hút ĐTNN được thể hiện ở nghị quyết này là gì, thưa ông?

Nghị quyết đánh giá những thành quả mà chúng ta đạt được là rất quan trọng, nhưng đồng thời đặt ra những nhược điểm và khiếm khuyết trong thu hút ĐTNN. Lúc nào Đảng và Nhà nước ta cũng coi trọng chất lượng, số lượng trong thu hút ĐTNN nhưng hơn bao giờ hết, bây giờ vấn đề chất lượng trở nên quan trọng nhất. Lâu nay chúng ta đã nói tới việc cần thiết chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới như thực thế việc tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi đều chậm. Gần đây, mô hình tăng trưởng mới được làm rõ hơn, theo đó chúng ta sẽ chuyển đổi mô hình sang nền kinh tế số, coi trọng chất lượng và hiệu quả.

Khi chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng mới thì việc thu hút ĐTNN cũng phải chuyển đổi theo, có tính chọn lựa hơn, coi trọng những dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, những dự án thân thiện với môi trường, những dự án mang lại hiệu quả cao không chỉ về tăng trưởng mà về công nghệ, dịch vụ hiện đại để giúp cho kinh tế nước ta thay đổi nhanh, theo hướng hiện đại hơn, đuổi kịp trình độ phát triển của thế giới. Đó cũng là nội dung chính của Nghị quyết này của Bộ Chính trị.

Phân cấp khó bỏ, nhưng phải gắn với trách nhiệm

Như vậy tính chọn lựa sẽ phải đặt ra sâu sắc và rõ nét hơn? phải không, thưa ông?

Tính chọn lựa thì ngay từ đầu chúng ta đã coi trọng và chúng ta cũng đã thành công nhờ biết chọn lựa những đối tác, những dự án, đặc biệt là chúng ta chọn lựa những nước có tiềm năng lớn về vốn, công nghệ, trình độ quản lý và trên thực tế là dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã làm cho đất nước thay đổi rất nhiều về phương thức sản xuất, phương thức tiêu dùng, phân phối và ngay cả tầm suy nghĩ, tư duy cũng thay đổi.

Tuy vậy, thay đổi trong lựa chọn FDI có những hạn chế, đặc biệt là từ khi chúng ta phân cấp quản lý toàn diện cho các địa phương từ năm 2006 (khi mà Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố, Ban quản lý KCN, KCX trong việc thẩm định và cấp giấy phép, giấy chứng nhận ĐKKD và về việc xúc tiến chọn lựa dự án đầu tư).

Bên cạnh nhiều lợi ích mang lại, như phát huy sáng tạo, chủ động và tính năng động của địa phương thì cũng “đẻ” ra một số tiêu cực. Điều mà người ta thường nói là các địa phương mải miết “trải chiếu hoa” cho các NĐT, trong khi quên mất thực hiện quyền lựa chọn dự án của nước nhận đầu tư.

Do đó, đã xuất hiện nhiều dự án FDI “dởm” mà như trong Nghị quyết lần này có nói là dự án “mỏng” vốn, chuyển giá, đầu tư “chui”… Và nếu không tăng cường quyền lựa chọn của nước nhận đầu tư, thì rõ ràng là chúng ta không thể thực hiện được mục tiêu thu hút vốn ĐTNN để góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới.

Như ông vừa nói, chúng ta đã có hơn 10 năm phân cấp và bên cạnh những mặt được thì cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Vậy hướng để giải quyết vấn đề này thời gian tới nên như thế nào, thưa ông?

Khi tổng kết 30 năm FDI thì vấn đề phân cấp này đã được đặt ra và phải nói có 2 luồng ý kiến. Một luồng ý kiến của một số chuyên gia, một số Bộ cho rằng đã đến lúc phải xem xét lại việc phân cấp để vừa đảm bảo lợi ích quốc gia, đồng thời bảo đảm cho lợi ích địa phương. Nhưng cũng có một luồng ý kiến khác, đặc biệt là từ các địa phương thì cho rằng nên tiếp tục phân cấp, thậm chí có ý kiến từ đại diện một Sở Kế hoạch – Đầu tư nói “tùy các anh, các anh muốn cho thì cho, không cho thì rút”, tức là thể hiện phản ứng rất tiêu cực.

Tôi cho rằng, chúng ta cho phân cấp rồi bây giờ rút lại là rất khó. Để phân cấp hiệu quả phải đảm bảo hai yêu cầu. Một mặt nâng cao tinh thần trách nhiệm của UBND các tỉnh, của Ban quản lý các KCN, KCX, tức là phân cấp không phải chỉ có nghĩa anh nhận được quyền mà anh phải chịu trách nhiệm trước dân tộc về việc thu hút đầu tư. Chúng ta cũng biết, chừng nào kỷ cương được nâng cao, trách nhiệm người đứng đầu của các tổ chức được nâng cao thì lúc đó mới có hiệu quả được.

Mặt khác, hiện nay chúng ta khi phân cấp đang thiếu 2 điều kiện: Một là, các định mức kinh tế kỹ thuật. Ví dụ như để giải quyết vấn đề môi trường không hề đơn giản; và nếu không có định mức kinh tế kỹ thuật cho từng loại dự án thì không thể nào có thể giám sát được. Hiện nay chúng ta đang thiếu rất nhiều định mức quốc gia như vậy và tôi cho rằng ngay sau nghị quyết này, các bộ cần tập trung để xây dựng và hoàn thiện các định mức quốc gia, tránh để xảy ra vi phạm, ô nhiễm hay thảm họa môi trường rồi mới đi khắc phục và xử lý thì rất khó khăn.

Hai là phải có các hướng dẫn thanh, kiểm tra, giám sát. Thanh, kiểm tra, giám sát không chỉ bằng con người mà phải bằng cả công nghệ nữa. Thì đó là những yêu cầu và công việc mà các Bộ và địa phương phải làm để phân cấp thực sự có hiệu quả.

Hay hiện nay có một vấn đề nữa trong chỉ đạo của Bộ Chính trị là hoạt động xúc tiến đầu tư còn trùng lắp, kém hiệu quả rất nhiều. Nếu chúng ta không thay đổi, có chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia trong đó có cấu phần là xúc tiến đầu tư của các địa phương, KCN, KCX thì hiệu quả xúc tiến đầu tư sẽ giảm. Do vậy, sau Nghị quyết này việc xúc tiến phải chuyển động tích cực, chuyển động nhanh.

Chúng ta có câu “thời gian là vàng bạc”. Để nghị quyết được thực hiện và phát huy hiệu quả thì ngay sau đây phải rất nhanh chóng có thay đổi và hoàn thiện thể chế, rất nhanh chóng có thay đổi thực thi thể chế, nhanh chóng thay đổi về các khâu trong quản lý Nhà nước về FDI. Nếu không, thời gian sẽ cứ trôi đi và dù có bao nhiêu nghị quyết thì chuyển động thực tế cũng không đáng bao nhiêu. Nên tôi mong rằng yếu tố thời gian phải trở thành yếu tố quan trọng nhất. Và chúng ta đều biết trong Cách mạng 4.0 thì hơn nhau cũng là thời gian, sớm hơn một ngày sẽ thành công, chậm thêm một ngày thì thất bại.

Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lê lược ghi

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/nghi-quyet-so-50-rat-can-thiet-cho-mo-hinh-tang-truong-moi-91499.html