Nghị sĩ ôn hòa dự kiến chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Iran

Bộ Nội vụ Iran cho biết, ông Masoud Pezeshkian đang dẫn đầu cuộc bầu cử tổng thống diễn ra ngày 5/7.

Nghị sĩ Masoud Pezeshkian đang dẫn trước trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vòng hai. (Ảnh: Reuters)

Nghị sĩ Masoud Pezeshkian đang dẫn trước trong cuộc bầu cử tổng thống Iran vòng hai. (Ảnh: Reuters)

Thông báo cho biết, với 2,5 triệu trong số 25,4 triệu phiếu bầu được kiểm, ông Pezeshkian giành được hơn 1,26 triệu, còn đối thủ Saeed Jalili nhận được hơn 1,24 triệu phiếu bầu.

Tuy nhiên, Reuters dẫn nguồn tin cho biết ông Pezeshkian "vượt xa” ông Saeed Jalili dựa trên số phiếu được kiểm cho đến nay.

Cuộc bỏ phiếu kết thúc lúc nửa đêm ở Iran. Bộ Nội vụ cho biết, báo cáo ban đầu cho thấy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt khoảng 50%, cao hơn so với vòng đầu tiên.

Cuộc bỏ phiếu vòng một vào ngày 28/6 có tỷ lệ cử tri tham gia thấp lịch sử, khi có đến hơn 60% cử tri Iran từ chối tham gia cuộc bầu cử để tìm người kế nhiệm ông Ebrahim Raisi, người qua đời gần đây trong một vụ tai nạn trực thăng.

Vòng bầu cử thứ hai là cuộc đua sít sao giữa nghị sĩ Pezeshkian, người có chủ trương ôn hòa duy nhất trong bốn ứng cử viên vòng một, và cựu chuyên gia đàm phán hạt nhân Jalili, người chủ trương cứng rắn và muốn làm sâu sắc thêm quan hệ với Nga và Trung Quốc.

Dù cuộc bầu cử dự kiến sẽ có ít tác động đến các chính sách của Cộng hòa Hồi giáo, nhưng tổng thống sẽ tham gia chặt chẽ vào việc lựa chọn người kế nhiệm ông Ayatollah Ali Khamenei - Lãnh đạo tối cao đã 85 tuổi của Iran. Lãnh đạo tối cao là người nắm quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng nhất của nhà nước.

“Tôi nghe nói rằng lòng nhiệt thành và sự quan tâm của người dân cao hơn so với vòng đầu tiên. Xin Chúa thực hiện điều này vì đây là tin đáng mừng”, ông Khamenei nói trên đài truyền hình nhà nước sau khi bỏ phiếu.

Trước đó, ông Khamenei thừa nhận số lượng cử tri tham gia cuộc bầu cử vòng một thấp hơn dự kiến, nhưng bác bỏ ý kiến cho rằng điều này thể hiện sự phản đối của người dân đối với bộ máy lãnh đạo Hồi giáo.

Cuộc bầu cử diễn ra vào thời điểm căng thẳng leo thang ở Trung Đông do cuộc xung đột giữa Israel với các lực lượng đồng minh Iran là Hamas ở Dải Gaza và Hezbollah ở Li-băng. Phương Tây cũng tiếp tục gây áp lực với Tehran về chương trình làm giàu uranium đang phát triển nhanh chóng của nước này.

Tổng thống mới có thể sẽ không tạo ra thay đổi chính sách lớn nào về chương trình hạt nhân hay hậu thuẫn cho các nhóm vũ trang trên khắp Trung Đông, nhưng là người điều hành chính phủ hằng ngày và có thể ảnh hưởng đến cách thể hiện chính sách đối nội và đối ngoại của Iran.

Bình Giang

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nghi-si-on-hoa-du-kien-chien-thang-trong-cuoc-bau-cu-tong-thong-iran-post1652565.tpo