Nghị trường thực sự 'mang hơi thở cuộc sống'

Đánh giá về thành công chung của Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội Khóa XV, các đại biểu Quốc hội khẳng định, mặc dù khối lượng công việc rất lớn nhưng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội, kết quả biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết đã đạt tỉ lệ tán thành rất cao, cho thấy nghị trường Quốc hội thực sự mang 'hơi thở cuộc sống'.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương):
Lập pháp là dấu ấn nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành công của kỳ họp

Đây là kỳ họp với khối lượng công việc lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay nhưng nhờ có sự chuẩn bị rất tích cực, cầu thị, cẩn trọng và kỹ lưỡng của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành cũng như sự nghiên cứu, chuẩn bị rất kỹ của các đại biểu Quốc hội nên Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ những nội dung chương trình đã đề ra với chất lượng rất cao. Trong đó, kết quả công tác lập pháp là dấu ấn nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành công chung của kỳ họp.

Công tác tổ chức đã để lại dấu ấn với đại biểu Quốc hội, cử tri và người dân cả nước, khi Kỳ họp được chia thành hai đợt thay vì một đợt như trước. Trong một tuần nghỉ giữa hai đợt họp đã tạo điều kiện để cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chức năng tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện kỹ lưỡng các dự án luật trình Quốc hội xem xét thông qua. Nhờ đó, kết quả biểu quyết thông qua các dự án luật, nghị quyết đạt tỉ lệ đồng thuận rất cao; thể hiện sự đồng tình, nhất trí của đại biểu Quốc hội đối với các văn bản đã được tiếp thu.

Công tác điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội hết sức khoa học, tập trung trực diện vào các vấn đề, nhất là những điểm then chốt, cốt lõi, đồng thời cũng hết sức linh hoạt, tạo điều kiện cho nhiều đại biểu Quốc hội được bày tỏ ý kiến tại Hội trường, nhất là đối với các phiên thảo luận về những dự án luật, nghị quyết thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu, cử tri và Nhân dân.

Công tác lập pháp là nhiệm vụ trọng tâm của Quốc hội và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và Nhân dân. Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã xem xét thông qua 8 luật, 17 nghị quyết, cho ý kiến lần thứ hai về Luật Đất đai (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật. Đây là con số kỷ lục trong một kỳ họp Quốc hội, đòi hỏi các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ cũng như bản thân các đại biểu phải làm việc hết công suất.

Nhìn chung, Kỳ họp thứ Năm diễn ra trong không khí sôi nổi, tại các phiên thảo luận cho ý kiến với các dự án luật, nghị quyết, chất vấn và trả lời chất vấn, về kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát tối cao đều có số ý kiến đóng góp rất lớn, thậm chí những con số đăng ký phát biểu cũng là kỷ lục. Đơn cử, trong các phiên chất vấn, số đại biểu đăng ký chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành cũng dao động từ 100-120 lượt. Phiên thảo luận như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có đến hơn 170 đại biểu đăng ký phát biểu, trong khi, đây là một dự án luật chuyên ngành khó, liên quan đến hơn 100 luật, bộ luật khác nhau. Với tinh thần làm việc trách nhiệm, số lượng đại biểu đăng ký phát biểu, tranh luận rất nhiều, thể hiện sự nghiên cứu chuyên sâu của đại biểu Quốc hội.

ĐBQH Trần Đình Gia (Hà Tĩnh):
Kỳ vọng các "lời hứa" sớm được hiện thực hóa

Sau 23 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, Kỳ họp thứ Năm đã thành công tốt đẹp. Để có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc trong quá trình chuẩn bị cho Kỳ họp. Bên cạnh đó, thiết kế chương trình Kỳ họp cũng đã có những cải tiến, đổi mới; đặc biệt là Kỳ họp được chia thành 2 đợt, giữa 2 đợt là 1 tuần nghỉ để các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành có thời gian tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và chuẩn bị các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết một cách hoàn thiện nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

Tinh thần trách nhiệm, tâm huyết của các đại biểu Quốc hội cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của Kỳ họp. Đơn cử, có những phiên họp trên 140 đại biểu đăng ký thảo luận hay tại các phiên chất vấn cũng trên 100 đại biểu đăng ký, đây là những con số kỷ lục so với những Kỳ họp trước đây. Tinh thần tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội của các bộ, ngành chủ trì soạn thảo các dự án Luật cũng rất nghiêm túc, kịp thời.

Tôi rất ấn tượng với các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp. Trước hết, việc lựa chọn vấn đề chất vấn thể hiện được trách nhiệm của Quốc hội cũng như của các đại biểu với những vấn đề nóng, nổi cộm trong xã hội, để nghị trường Quốc hội thực sự mang “hơi thở cuộc sống”. Dưới sự điều hành sâu sắc, khoa học, linh hoạt của chủ tọa, các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn cũng rất thẳng thắn, đi vào trọng tâm để từ đó các Bộ trưởng, trưởng ngành có thể thuận lợi trả lời, làm rõ những vấn đề các đại biểu quan tâm. Tôi kỳ vọng những “lời hứa” và giải pháp của các Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ sớm được hiện thực hóa. Ví dụ như Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đã khẳng định, đến tháng 7 tới sẽ giải quyết xong tình trạng ùn tắc ở các trung tâm đăng kiểm và tất cả các trung tâm này sẽ trở lại hoạt động bình thường. Đây là lời hứa thể hiện sự quyết tâm rất cao của Bộ trưởng.

Tôi cũng mong muốn, thời gian tới các bộ, ngành, Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội nhanh chóng có kế hoạch triển khai những giải pháp đã đưa ra tại Kỳ họp; tuyên truyền đến cử tri và Nhân dân kết quả của Kỳ họp, trong đó chú trọng đến những nội dung như quy định của các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua để sớm đưa các Luật, Nghị quyết này đi vào cuộc sống.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội):
Hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh tế

Tại Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội đã thực hiện khối lượng rất lớn trong công tác lập pháp, với việc thông qua 8 luật và 17 nghị quyết, cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án luật khác.

Trong số các dự án Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này có Luật Đấu thầu (sửa đổi) với nhiều điểm mới quan trọng, nhằm tháo gỡ vướng mắc, rào cản trong hoạt động đầu tư công, giúp khơi thông nguồn lực nhằm hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tôi đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo và cơ quan giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đã tiếp thu phạm vi áp dụng của Luật đối với doanh nghiệp nhà nước và dự án sử dụng vốn nhà nước theo hướng bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và quyền tự chủ của doanh nghiệp, không thu hẹp hoặc mở rộng đối tượng quá mức; một mặt, bảo đảm việc đấu thầu mang lại lợi ích kinh tế cho bên mời thầu, mặt khác, bảo đảm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh, bình đẳng, công khai, minh bạch. Luật cũng chỉnh lý nhiều điểm liên quan đến mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế; trong đó, thống nhất quy định về mua sắm tập trung đối với mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít; Rà soát quy định về lựa chọn nhà thầu cung cấp hóa chất, thiết bị y tế; bổ sung quy định về thanh toán từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế trong trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không chọn áp dụng quy định của Luật Đấu thầu…

Kết quả của kỳ họp sẽ có tác động mạnh đến việc hoàn thiện thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý cho hoạt động kinh tế và sự phát triển của đất nước. Như phát biểu bế mạc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, với kết quả công tác lập pháp tại Kỳ họp này, đến nay, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan đã hoàn thành 112/137 nhiệm vụ nghiên cứu lập pháp của cả nhiệm kỳ, đạt tỷ lệ 81,8%; trong đó, có 32 nhiệm vụ đã được ban hành thành luật, pháp lệnh, nghị quyết quy phạm pháp luật; 29 dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024. Có thể thấy, kết quả kỳ họp thứ Năm tiếp tục đóng góp quan trọng vào những thành quả của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV trong thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Minh Trang - Phương Thủy - Thanh Chi thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/nghi-truong-thuc-su-mang-hoi-tho-cuoc-song-i333851/