Nghĩa tình bên dòng sông Mẹ

Hơn chục năm về trước, buôn làng còn xác xơ, nghèo đói. Ngày ấy, người dân chủ yếu làm nghề trồng lúa nước, nhưng quanh năm đối mặt với hạn hán và lũ lụt, trong khi hệ thống thủy lợi yếu kém...

Vậy mà hôm nay, hầu hết đồng bào các dân tộc ở huyện Krông Ana (Đắc Lắc) đã có cuộc sống no ấm, đủ đầy hơn. Niềm vui ấy có được một phần là nhờ sự chung tay, góp sức của cán bộ, chiến sĩ LLVT huyện Krông Ana... Krông Ana bây giờ không còn cảnh bụi mù trời về mùa nắng, lầy lội về mùa mưa. Hai bên dòng sông Mẹ (còn có tên khác là sông Krông Ana) xanh một màu lúa, ngô.

Trung tá Nguyễn Hữu Phước, Chính trị viên Ban CHQS huyện Krông Ana chia sẻ với chúng tôi: “Trước đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn khá phức tạp. Toàn huyện có 73 thôn, buôn, tổ dân phố, trong đó, 26 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đời sống vật chất, tinh thần của bà con, nhất là đồng bào DTTS (chiếm 24,4% dân số toàn huyện) còn nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đã không ngại gian khổ, thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào, đặc biệt là thường xuyên tổ chức bộ đội về các xã vùng sâu, như: Dray Sáp, Dur Kmăl, Băng Adrênh... làm công tác dân vận. Tại đây, bộ đội đã kiên trì tuyên truyền đến đồng bào những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết dân tộc, vận động bà con không nghe theo lời kẻ xấu, đồng thời hướng dẫn đồng bào kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi...từng bước giúp địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở. Với phương châm “giữ dân, giữ đất, giữ buôn làng”, Ban CHQS huyện phân công cán bộ về từng địa bàn bám dân, phối hợp với đoàn thanh niên, hội phụ nữ sửa chữa hàng chục căn nhà, trao hàng trăm bộ quần áo, chăn màntặngbà con, giúp ban CHQS các xã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, tuần tra kiểm soát địa bàn, kế hoạch trực chiến trong các ngày cao điểm... Nhờ sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể, các chính sách hỗ trợ đối với vùng đồng bào DTTS đã được huyện triển khai kịp thời, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần vào thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

 Cán bộ Ban CHQS huyện Krông Ana và các đại biểu trao bò tặng hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở xã Dur Kmăl,huyện Krông Ana (Đắc Lắc). Ảnh:TRẦN LỆ.

Cán bộ Ban CHQS huyện Krông Ana và các đại biểu trao bò tặng hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở xã Dur Kmăl,huyện Krông Ana (Đắc Lắc). Ảnh:TRẦN LỆ.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Kinh, Bí thư Huyện ủy Krông Ana khẳng định: “Krông Ana có diện tích rộng, đất đai màu mỡ, thuận lợi cho việc trồng lúa nước, ngô và phát triển các loại cây công nghiệp ngắn ngày. Những năm gần đây, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định, tiềm năng của địa phương được khai thác hiệu quả, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân, nhất là đồng bào DTTS không ngừng được nâng cao. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của các LLVT”.

Trung tá Lê Văn Tám, Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Krông Ana cho biết: “Hiểu rõ vai trò to lớn của công tác vận động quần chúng, cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện đã chủ động phối hợp với các lực lượng nắm tình hình tư tưởng trong nhân dân, kết hợp lồng ghép các nội dung tuyên truyền, kiên trì vận động, thuyết phục hàng chục đối tượng không tiếp tay cho kẻ xấu.Ban CHQS huyện phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, trưởng thôn, già làng, tích cực tham gia công tác bảo vệ an ninh trật tự, vận động nhân dân ký cam kết bảo vệ bình yên buôn làng. Hằng năm, cán bộ, chiến sĩ còn trích quỹ tặng quà người có công, trao gạo, quần áo tặng đồng bào nghèo... Điểm nổi bật của Ban CHQS huyện là đã tham mưu, giúp địa phương xây dựng, kiện toàn đội ngũ cán bộ thôn, buôn và hệ thống chính trị cơ sở đi vào hoạt động có hiệu quả".

Đến Krông Ana, chúng tôi được người dân kể lại câu chuyện về lòng dũng cảm cứu đê của cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện... Rạng sáng 13-8-2019, lũ quét đổ về bất ngờ, nước sông Mẹ dâng cao, chảy cuồn cuộn, đê bao Quảng Điền (xã Quảng Điền) bị vỡ. Nhận được tin báo, đơn vị nhanh chóng huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ thường trực và hơn 100 dân quân tự vệ phối hợp cùng các lực lượng gồng mình cứu đê, cứu lúa. Bất chấp mưa gió, đói rét, sau hơn 5 giờ đồng hồ ngâm mình giữa dòng nước bạc, LLVT huyện đã hoàn thành tuyến rào dài hàng chục mét, cứu nguy phần nào cho đoạn đê đang chịu sức nén khủng khiếp từ dòng nước lũ trên sông Mẹ. Từ những việc làm cụ thể như thế, đồng bào các dân tộc ởKrông Ana hôm nay càng thêm tin Đảng, tin chính quyền. Bộ đội nói đồng bào nghe, bộ đội hướng dẫn đồng bào làm theo. Tình cảm quân dân ngày thêm bền chặt. Già làng Y An Ênuôl, 80 tuổi, người dân tộc Ê Đê, ở xã Dur Kmăl nói: “Bộ đội là ân nhân của buôn ta. Bộ đội giúp bà con no cái bụng, sáng cái đầu. Buôn làng giàu lên là có đóng góp của Bộ đội Cụ Hồ đấy. Bao giờ cây trên rừng không còn lá, nước sông Mẹ không còn chảy thì lòng đồng bào mới hết thương Bộ đội Cụ Hồ!”.

PHAN TIẾN DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/nghia-tinh-ben-dong-song-me-654673