Nghĩa tình trong cơn lũ dữ

Lũ chồng lũ. Chưa bao giờ tỉnh Quảng Trị lại bị ngập nặng trên diện rộng và kéo dài vì những trận lũ lụt kế tiếp nhau như những ngày qua. Từ vùng đồng bằng Triệu Phong, Hải Lăng, Gio Linh, Vĩnh Linh cho đến địa bàn vùng gò đồi Cam Lộ, ngược lên hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và cả thành phố Đông Hà, hàng vạn người dân, tài sản, nhà cửa, ruộng nương... ngập trắng giữa dòng nước bạc. Dẫu nhiều vất vả, khó khăn nhưng trong cơn hoạn nạn ấy, tình cảm hàng xóm, láng giềng, nghĩa tình đồng bào càng tỏa sáng, càng trở nên quý giá, bền chặt….

 Các chiến sĩ bộ đội biên phòng khẩn trương đưa chị Lê Thị Kim Liên vượt lũ mổ ruột thừa - Ảnh: L.T

Các chiến sĩ bộ đội biên phòng khẩn trương đưa chị Lê Thị Kim Liên vượt lũ mổ ruột thừa - Ảnh: L.T

Tiếp sức cho dân làng chống lũ

Hình ảnh chiếc dây thừng vắt ngang qua dòng sông Tiên Hiên ở xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông đang cuồn cuộn nước lũ đục ngầu những ngày qua để làm nhịp cầu nối sang thôn Gia Giã - nơi có 50 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số đang bị cô lập vì mưa lũ từ ngày 7/10/2020 do Đảng ủy, chính quyền xã Hướng Hiệp chỉ đạo cán bộ thực hiện để hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân thôn Gia Giã đã trở thành một câu chuyện đẹp, thể hiện sợi dây bền chặt, tình cảm gắn bó keo sơn giữa cấp ủy, chính quyền với Nhân dân ở một địa bàn vùng khó trong mùa mưa lũ này.

Ông Hồ Quang Điền, cán bộ xã Hướng Hiệp nhớ lại: “Một vài ngày sau khi bị cô lập, lương thực, thực phẩm của người dân ở đây đã cạn mà con đường duy nhất đi qua con sông Tiên Hiên vẫn bị nước lũ chia cắt. Trước tình cảnh ấy, ngày 11/10/2020 Đảng ủy, chính quyền xã Hướng Hiệp đã họp bàn và tìm phương án vượt sông đưa hàng hóa, nhu yếu phẩm sang cứu trợ người dân. Dùng dây thừng vượt sông được xem là phương án khả thi nhất. Thực tế thì việc kéo dây từ bên này sông qua bên kia sông để có lối níu tay di chuyển qua dòng nước là cách làm phổ biến ở địa bàn vùng núi nhưng đó là khi thời tiết bình thường, còn thời điểm mưa lũ, nước sông cuồn cuộn chảy xiết như hiện nay thì cách làm này không hề dễ dàng và rất nguy hiểm. Tuy nhiên, tình thế cấp bách, không thể để người dân thiếu đói, xã đã triệu tập lực lượng công an, dân quân và thanh niên trong vùng để tìm ra những người vừa có sức khỏe, biết bơi và mặc áo phao, buộc sợi dây vào người để bơi qua bên kia sông cố định dây. Sau đó, dùng một phao cứu sinh luồn vào dây thừng như bệ đỡ để đưa hàng hóa qua lại”. Nhờ cách làm này mà trong những ngày qua địa phương đã chuyển được một số mặt hàng thiết yếu như mì ăn liền, gạo sang tiếp tế cho người dân thôn Gia Giã, kịp thời cứu đói và đảm bảo an toàn tính mạng, giúp người dân ở đây vượt qua khó khăn trong thời gian phòng tránh mưa lũ.

Người dân thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ nằm ven sông Hiếu cũng vừa trải qua trận lũ nước dâng cao chưa từng thấy, trong đó xóm Cồn Nậy là nơi bị cô lập sớm nhất và cũng là nơi bị ngập lụt sâu nhất của thôn. Nghe dự báo thời tiết, người dân ở đây vẫn biết đợt này sẽ có lũ nhưng không ai nghĩ nước lũ sẽ lên nhanh và ngập sâu đến thế. Theo lời kể của những người dân làng An Mỹ, ngày 8/10/2020 nước sông Hiếu tràn vào thôn lúc trời chưa sáng. Thế mà đến gần trưa, nước đã bao vây cô lập hoàn toàn xóm Cồn Nậy. Đặc biệt có 6 hộ dân ở tình thế vô cùng nguy hiểm vì nước dâng nhanh không kịp di chuyển đến nơi an toàn. Ca nô cứu hộ chuyên dụng của huyện chưa đến kịp vì nhiều nơi trên địa bàn huyện cũng đang bị ngập lụt nặng, thế là anh Nguyễn Thành Trung và một số thanh niên làng An Mỹ đã mặc áo phao kéo bè phao cứu hộ lao xuống nước đi sơ tán người. Nhiệm vụ của nhóm này là bơi vào tiếp cận những nhà dân có người mắc kẹt trong nhà rồi đưa xuống bè phao cho người dân ngồi trong và kéo bè vượt qua dòng nước lũ đến nơi an toàn. Quần quật giữa nước lũ hơn 3 tiếng đồng hồ, nhóm này cũng hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trên đường bơi vào sơ tán dân anh em đã phát hiện một số hộ dân do bị động nên khi lũ ập về leo lên gác lửng gia đình tránh lũ nhưng lại không nấu ăn được do nước vây tứ bề nên nhóm lại tiếp tục bơi vào chuyển những gói mì ăn liền cho người dân chống đói. Anh Nguyễn Thành Trung cho biết: “Trước cơn lũ, không ai nghĩ lũ dâng cao đến thế nên không ai kịp chuẩn bị thuyền bè cứu hộ. Tuy nhiên, anh em trong nhóm thì nhà ai cũng ở gần sông nên mọi người đều biết bơi. Thấy nước càng lúc càng lên cao, tình thế gấp quá, nếu chần chừ thì đến khi nước dâng cao hơn nữa mọi người sẽ thiếu đồ ăn và nước uống để cầm cự trong lũ nên chúng tôi bơi đi thôi. Vẫn biết bơi giữa nước lũ rất gặp nguy hiểm nhưng tình làng, nghĩa xóm những lúc cấp bách như thế này mình trai tráng, khỏe mạnh thì không thể làm lơ được”.

Nhiều cách cứu người giữa tâm lũ

Bây giờ nhớ lại thời điểm khoảng 7 giờ sáng ngày 12/10/2020 với những cơn đau dữ dội ở phần bụng dưới, chị Lê Thị Kim Liên, thôn Hội Điền, xã Hải Phong (huyện Hải Lăng) vẫn còn hoảng sợ bởi cơn đau ập đến đúng lúc gia đình chị đang bị cô lập giữa nước lũ. Theo chị Liên, nếu không có ca nô của bộ đội đến đưa đi cấp cứu thì tính mạng chị khó có thể giữ được bởi cơn đau bụng hành hạ kéo dài suốt hơn 5 tiếng đồng hồ đã khiến chị không còn đứng vững.

Thiếu tá Hoàng Ngọc Lương, cán bộ Phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, người trực tiếp điều khiển chiếc ca nô chở chị Liên đi cấp cứu chia sẻ: “Trưa hôm đó, tổ công tác Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với UBND huyện Hải Lăng và một số nhà hảo tâm thực hiện chuyến trao quà cứu trợ cho người dân đang bị lũ cô lập ở xã Hải Chánh. Khi chúng tôi đang bốc dỡ hàng cứu trợ cho người dân tại UBND xã Hải Chánh thì nhận được thông tin có một phụ nữ ở xã Hải Phong đau bụng trong tình trạng nguy kịch nhưng bị cô lập bởi nước lũ nên không thể đến bệnh viện. Thế là anh em trong đội ứng cứu hội ý, tạm dừng việc cứu trợ hàng hóa và lập tức điều khiển ca nô ngược về hướng xã Hải Phong để cứu người. Trên đường đi trời mưa rất to, nước lũ thời điểm này đang ở đỉnh cao nhất trong đợt mưa lũ vừa rồi nên việc định hướng đường đi gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ địa phương dẫn đường là người xã Hải Chánh nên không thông thuộc địa bàn xã Hải Phong, ca nô phải vòng lui vòng tới rất nhiều lần. “Cứu người như cứu hỏa” lúc đó chúng tôi lòng nóng như lửa đốt. Đến nơi, nhìn bệnh nhân tái xanh mặt mày, vã mồ hôi không thể đứng dậy được, tôi biết rằng nếu cấp cứu không kịp sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Tôi cố gắng bình tĩnh, cố tăng tốc độ thật nhanh giữa dòng nước lũ, đồng thời nói anh em trong đội liên lạc ngay với UBND huyện Hải Lăng thống nhất địa điểm và bố trí xe cứu thương về chuyển bệnh nhân đến bệnh viện nhanh nhất có thể”.

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của bộ đội biên phòng mà chị Liên nhanh chóng được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng. Tại đây, chị Liên được chẩn đoán viêm ruột thừa sắp vỡ, vượt ngoài khả năng chữa trị của Trung tâm Y tế huyện vì bác sĩ mổ cấp cứu bị kẹt lũ lụt không đi làm được. Đơn vị này đã nhanh chóng chuyển bệnh nhân ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhờ vậy chị Liên đã được mổ cấp cứu, bảo toàn tính mạng.

Với gia đình chị Hồ Thị Mút, thôn La Hót, xã A Bung (huyện Đakrông) những chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay là ân nhân đặc biệt bởi đã giúp chị “mẹ tròn, con vuông” giữa cơn đại hồng thủy. Chị Mút chuyển dạ đúng thời điểm nước lũ dâng cao, cô lập thôn La Hót cả tuần này. Cầu tràn ngã ba La Lay qua sông Đakrông nước dâng cao, chảy xiết chia cắt hoàn toàn thôn La Hót với bên ngoài. Để đảm bảo an toàn cho Nhân dân, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay có bố trí hai đội trực không cho người dân qua lại tràn. Khi nhận được thông tin trong bản có người chuyển dạ nhưng không có đường lên bệnh viện, chốt trực của bộ đội biên phòng ở bên này bản đã nghĩ ra cách huy động thêm lực lượng thanh niên trong bản cùng dàn thành hàng đứng dưới nguồn nước chắn ngang qua cầu tràn để chị Mút đứng phía trên nguồn nước và lần lượt từng người đỡ chị Mút đi qua cầu tràn giữa dòng nước chảy xiết. Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng nhờ kinh nghiệm và tinh thần đồng đội, những chiến sĩ bộ đội biên phòng ở đây đã đỡ và dìu sản phụ vượt qua dòng nước lũ ngập quá bụng, qua bên kia sông một cách an toàn để đến bệnh viện sinh nở. Nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình của những người lính biên phòng mà chị Mút sau khi được chuyển đến Trung tâm Y tế huyện Đakrông cơ sở 2 đóng ở xã Tà Rụt nhưng được chẩn đoán sinh khó đã tiếp tục được chuyển xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị để mổ cấp cứu. Vợ chồng chị Mút đã đón con thơ chào đời an toàn giữa mùa mưa lũ.

Những hình ảnh, câu chuyện thấm đẫm tình người trên chỉ là một trong hàng ngàn nghĩa cử cao đẹp mà các lực lượng ứng cứu và người dân Quảng Trị kề vai, sát cánh cùng nhau vượt qua những hiểm nguy giữa tâm lũ. Trong khó khăn hoạn nạn, vẫn có những mầm sống được mọi người chung tay bảo vệ an toàn như đứa con thơ của chị Mút. Sau này những đứa trẻ sinh ra trên đỉnh lũ như em bé ấy sẽ biết rằng thời khắc sắp sửa ra đời, gian nan, khốn khó nhưng em cũng kịp nhận nhiều tình cảm ấm áp, trân quý của cuộc sống hôm nay.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=152427