Nghịch tử giết mẹ và nỗi đau xé lòng của người cha

Người đàn ông tuổi ngoài 50 ấy đưa hai tay chống vào đầu gối để không bị ngã khuỵu giữa sân tòa, tấm lưng cũng vì thế mà còng xuống như đang cõng tất thảy những đớn đau trong cuộc đời mình trên đó…

Ông Nguyễn Xuân (SN 1969, trú phường Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) có mặt tại phiên tòa với tư cách đại diện cho bị hại- vợ ông. Vốn quanh năm lăn lộn với nghề trông nuôi hồ tôm thuê nên nước da ông Xuân đen đúa, cháy sạm, cùng với thân hình “ốm nhom” đã làm cho sự khắc khổ của ông càng trở nên đậm nét.

Từ khi bước vào phòng xử án cho đến khi HĐXX tuyên bố khai mạc phiên tòa, đôi mắt ông Xuân vẫn rũ xuống. Nếu là ngồi, ông sẽ ngồi bất động, hai tay bám chặt vào mặt ghế. Nếu là đứng dậy để trả lời, ông lại cuộn tròn một bàn tay, bàn tay kia bao lại vắn vít vào nhau, đôi mắt thiếu đi tiêu cự. Ai cũng biết ông đã phải chịu một đã kích quá lớn, để có mặt đứng đây có lẽ ông đã phải cố gắng gồng mình rất nhiều. Cho nên, sự kiệm lời của ông cũng là điều dễ hiểu. Nỗi đau mất vợ chưa kịp lắng xuống, hôm nay một lần nữa lại bị khơi lên bởi lời khai của đứa con trai. Đôi mắt đậm tia máu đỏ, ông nhìn con trai đứng cách mình chưa đầy hai mét mà nỗi đau giằng xé. Hẳn sẽ có đớn đau, hẳn sẽ có tội nghiệp và hẳn nhiên cũng sẽ chứa đựng cả sự giận dữ ở trong đó.

ảnh: Minh họa

ảnh: Minh họa

Con trai ông là Nguyễn Lâm (SN 2003) bị TAND tỉnh Phú Yên đưa ra xét xử về hai tội "Giết người" và "Cướp tài sản". Đứng cùng bục khai báo với con ông còn có đồng phạm Đặng Phúc Công (SN 2007, trú xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên). Cũng tại tòa, chân dung đứa con nghịch tử này dần dần rõ nét. Vợ chồng ông Xuân có ba người con trai. Trong khi hai đứa con lớn chí thú làm ăn thì Nguyễn Lâm lại là đứa con ngỗ ngược. Lâm học hết lớp 6 nghỉ rồi bỏ nhà đi bụi, lang bạt một thời gian thì được đưa đi trại giáo dưỡng. Khi Lâm ra khỏi trại giáo dưỡng về lại cộng đồng, ông Xuân to nhỏ khuyên nhủ cùng ông đi trông nuôi hồ tôm thuê nhưng Lâm không chịu.

Không chịu đi làm cùng cha, Lâm cũng chẳng thèm về lại nhà mà đi thuê phòng trọ riêng ở phường Hòa Hiệp Bắc, thị xã Đông Hòa. Không có nghề nghiệp, đương nhiên tiền bạc đối với Lâm là vấn đề vô cùng nan giải. Tiền thuê chỗ trọ cũ chưa có để trả, tiền để trả chỗ trọ mới cũng chưa biết kiếm đâu ra khiến tâm trí Lâm cứ như rổ rau hẹ bị xới tung lên. Sau một đêm suy nghĩ đến não muốn “nát bươm”, sáng sớm ra Lâm mang theo con dao Thái Lan, rủ Công về nhà mình ở khu phố Phú Hiệp 3 phường Hòa Hiệp Trung để giết mẹ, lấy tài sản.

Tại nhà ông Xuân, tiếng con gọi cửa lúc sáng sớm khiến bà Huệ giật mình tỉnh giấc. Vừa mở cửa, thấy đứa con trai suốt ngày lêu lỏng, bỏ nhà đi biền biệt bà Huệ không nhịn được liền la mắng mấy câu rồi đi ra hè sau đánh răng, rửa mặt. Trước những lời trách cứ của bà, Lâm lặng im không cự cãi như mọi lần. Bà Huệ đâu ngờ, sự yên ả này lại ngầm cuộn một trận bão dữ. Thời điểm bà ngẫng đầu cũng là lúc màn mưa dao từ con trai ập xuống. Sự tàn độc không chỉ dừng lại ở hàng chục nhát dao khắp người mẹ mình mà hắn còn "máu lạnh", cùng Công khiêng mẹ vào nhà bếp, dùng áo, dây thừng siết cổ bà Huệ cho đến chết. Sau khi xác định bà Huệ đã chết, cả hai lục lấy số tiền 3,2 triệu đồng, tháo đôi hoa tai trên người bà và lấy luôn chiếc điện thoại di động. Trước khi rời nhà, Lâm còn khóa trái cửa nhà bếp lại.

Lâm cùng Công đem bán đôi hoa tai, sử dụng tiền cướp được trả tiền nhà trọ và tiêu xài cùng một số bạn bè. Khoảng 18h cùng ngày, Lâm và Công bị công an phát hiện ở TP Tuy Hòa, mời về trụ sở làm việc, sau đó bị giữ trong trường hợp khẩn cấp.

Sau lời khai của con trai, ông Xuân đưa tay bịt lấy miệng để tiếng nấc không phát ra. Chiếc áo rộng phủ lên đôi vai gầy run lên từng chặp. Ông kể lại, mười mấy năm qua ông luôn sống ở đìa tôm nhiều hơn ở nhà, cũng chỉ là vì kiếm miếng ăn. Hôm ấy cũng vậy, sau khi ngủ dậy ông thấy bứt rứt khó chịu, ruột gan cứ nóng rần lên. Việc đầu tiên ông làm là điện thoại về cho vợ, nhưng lấy làm lạ mấy chục cuộc vẫn không đươc. Ông chạy về nhà cùng hai con trai lớn và những người thân tỏa đi tìm bà Huệ từ trưa đến chiều mà không thấy. "Cho đến sẩm tối, tôi nói với đứa con lớn phá khóa nhà bếp để lấy lúa thóc cho gà vịt ăn thì mới đau đớn nhìn thấy vợ mình nằm chết bên vũng máu..." - ông Xuân nhớ lại đầy xót xa.

Có câu nói “Hiếu vi bách hạnh chi tiên”, tức hiếu thảo được coi như là đứng đầu trăm hạnh, cho nên bất hiếu với cha mẹ là có tội rất nặng. Con trai Nguyễn Lâm của ông phạm vào tội “trời không dung đất không tha”. Đối diện với đứa con này, ông Xuân thực sự bị giằng xé bởi những cảm xúc đan xen… tội nghiệp, xót xa, giận dữ vì đứa con đó rồi đây chẳng còn có tương lai; đứa con đó vốn mang hình hài con người nhưng tâm tính lại của ác ma, quỷ dữ. Một lần nữa, nỗi đau mất vợ chồng lên nỗi đau bất lực đối với đứa con mà vợ chồng ông đứt ruột sinh ra.

Dù có hận đến đâu thì đến cuối cũng không thể nào làm thay đổi sự thật, Lâm vẫn là con, ông là cha của hung thủ giết chết mẹ mình, giết chết vợ ông. Cho nên, sự giằng xé của hận-thương ông cũng đành nuốt xuống. “Theo luật, kẻ giết người phải bị trừng phạt xứng đáng với tội lỗi gây ra, nhưng gây án là con, nạn nhân là vợ, nên tôi mong tòa xem xét mở cho Lâm con đường sống”. Sự xúc động khiến cổ họng ông nghẹn lại, ngưng một lúc ông Xuân tiếp lời: "Vợ tôi chết rồi, bàn thờ còn đó, giờ Lâm bị tử hình nữa thì nỗi đau của tôi, của gia đình nhân lên bội phần, không thể chịu nổi. Dù cho con có lỗi lầm gì chăng nữa thì không người cha nào muốn giết con mình cả. Tôi bãi nại cho Lâm và mong tòa xem xét". Nói xong câu cuối cùng cũng là lúc ông không thể kìm lòng, ông bất lực để tiếng khóc bật ra.

Hội đồng xét xử nhận định hành vi rủ bạn về nhà giết mẹ, cướp tài sản của Lâm là dã man, tàn nhẫn, không còn tính người, nên tuyên mức án tử hình đối với bị cáo về tội "Giết người", 5 năm tù về tội "Cướp tài sản", tổng hợp hình phạt là tử hình. Còn đối với Công, hành vi phạm tội cũng tàn nhẫn, dã man nhưng do chưa thành niên, nhận thức còn hạn chế, nên tòa tuyên bị cáo này 10 năm tù về tội "Giết người", 2 năm tù về tội "Cướp tài sản", tổng hợp hình phạt là 12 năm tù.

Suốt thời khắc HĐXX tuyên án, mắt ông Xuân nhắm lại. Là ông đang gồng lên để kìm nén cảm xúc và nỗi đau của mình. Ông cứ đứng “chôn chân” kể cả khi phiên tòa được tuyên bố đã kết thúc. Chỉ đến khi tiếng va chạm của chiếc còng tay mới kéo ông Xuân về thực tại. Ông đi theo phía sau lưng lực lượng dẫn giải, cánh tay đen gầy hết lần này đến lần khác đưa ra lại rụt về, miệng mấp máy gọi tên con đầy tuyệt vọng…

(Tên bị hại và người liên quan đã được thay đổi)

Trang Trần

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/ban-an-luong-tam/loi-sam-hoi/nghich-tu-giet-me-va-noi-dau-xe-long-cua-nguoi-cha-114815.html