Nghiêm túc, thực chất trong kiểm điểm cuối năm

Hiện nay đang là thời điểm cấp ủy các cấp tổ chức kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hằng năm.

Quy trình kiểm điểm đã được chuẩn hóa, hướng dẫn cụ thể để xem xét mức độ cá nhân và tập thể cấp ủy hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Qua đó các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên tự nhìn nhận lại quá trình công tác trong một năm, tự soi, tự sửa lại mình, chỉ ra những ưu điểm để tiếp tục phát huy, nhận thức rõ các nhược điểm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành và thực hiện nhiệm vụ để kịp thời có biện pháp sửa chữa, khắc phục. Kết quả kiểm điểm được sử dụng làm căn cứ quan trọng để quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên.

Trong những năm gần đây, việc này ở tỉnh ta đã được thực hiện khá nền nếp. Việc chuẩn bị cho kiểm điểm cuối năm được chuẩn bị khá kỹ, từ khâu đảng viên tự viết bản kiểm điểm đến việc xác định thời gian họp đánh giá, chuẩn bị các văn bản, giấy tờ và tổ chức thực hiện các quy trình trong cuộc họp. Các nội dung kiểm điểm về tư tưởng chính trị; phẩm chất, đạo đức lối sống; thực hiện chức trách nhiệm vụ; ý thức tổ chức, kỷ luật được chú trọng thực hiện. Qua đó đã phần nào khắc phục được bệnh thành tích, hình thức trong công tác kiểm điểm, đánh giá của những năm trước đây.

Tuy nhiên vẫn còn có nơi đánh giá phân loại tổ chức cơ sở đảng chưa chặt chẽ, chưa bám sát theo hướng dẫn. Việc xếp loại đảng viên có nơi còn có biểu hiện bệnh thành tích, “dễ người dễ ta”, phải làm lại. Lại có nơi chỉ tập trung kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn mà chưa quan tâm đúng mức đến kiểm điểm tư tưởng, phẩm chất đạo đức, lối sống; nghe đảng viên tự đánh giá là chính. Nên việc phát hiện ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa được kịp thời. Trong khi đó Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII yêu cầu việc đánh giá về lập trường, tư tưởng, đạo đức lối sống là hết sức quan trọng. Vẫn còn hiện tượng sao chép bản kiểm điểm, kiểm điểm sơ sài, không có gợi ý đối với những trường hợp chưa thực hiện tốt nhiệm vụ đảng viên…

Nguyên nhân của thực trạng trên là do nhận thức của một số chi bộ, tập thể lãnh đạo, quản lý và một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về mục đích, yêu cầu, nội dung kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân chưa sâu, chưa bám sát vào các quy định, hướng dẫn để đánh giá, phân tích. Một số nơi, ý thức tự phê bình và phê bình của đảng viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa cao, còn hiện tượng nể nang, né tránh, xuôi chiều, ngại va chạm. Một số cấp ủy, một số cán bộ, lãnh đạo, quản lý khi kiểm điểm chưa thật gương mẫu. Cá biệt, còn bí thư chi bộ không chú trọng việc nghiên cứu văn bản nên lúng túng, thực hiện thiếu quy trình. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên tại nhiều chi bộ chưa được thực hiện nghiêm túc. Có nơi chỉ phân công trên giấy tờ, hoặc không phân công rõ nên khi đánh giá chất lượng đảng viên, chi bộ chủ yếu căn cứ vào việc đánh giá chất lượng công tác chuyên môn của chính quyền. Việc chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới có nơi chưa thường xuyên, sâu sát; còn có cấp ủy viên cấp trên được cử về dự chỉ đạo kiểm điểm cấp dưới chưa nắm chắc hướng dẫn.

Chính vì vậy, để việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại đảng viên thật sự nghiêm túc, hiệu quả; cấp ủy các cấp cần quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Quy chế số 14/QC/TU ngày 15/11/2019 của Tỉnh ủy về đánh giá cán bộ lãnh đạo quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và Quy định số 26-QĐ/TU ngày 21/11/2019 của Tỉnh ủy về việc kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng hằng năm đối với tổ chức đảng, đảng viên và tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp. Theo đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có Hướng dẫn số 05 - HD/BTCTU ngày 19 tháng 11 năm 2019 thực hiện Quy chế số 14-QC/TU và Hướng dẫn số 07 - HD/BTCTU ngày 21/11/2019 thực hiện Quy định số 26-QĐ/TU.

Yêu cầu chung là kiểm điểm cần khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; phải nhận diện, xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để sửa chữa, khắc phục; lấy kết quả kiểm điểm tập thể làm cơ sở để kiểm điểm cá nhân, lấy kết quả kiểm điểm cá nhân để bổ sung, hoàn chỉnh kiểm điểm của tập thể. Thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều, theo tiêu chí, bằng sản phẩm cụ thể, có sự so sánh giữa các vị trí tương đương và công khai kết quả.

Các chi bộ cần thực hiện tốt việc gợi ý kiểm điểm đối với những cá nhân chưa thực hiện tốt nhiệm vụ của đảng viên. Chi ủy, bí thư chi bộ phải thực hiện tốt khâu chuẩn bị cho công tác kiểm điểm: nghiên cứu văn bản đến hướng dẫn đảng viên, tổ chức thực hiện việc kiểm điểm, đánh giá theo đúng các quy định của văn bản về trình tự, thủ tục. Bản thân mỗi đảng viên cũng cần nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình. Có như vậy công tác đánh giá, phân xếp loại đảng viên mới nghiêm túc, thực chất, đạt hiệu quả cao.

Thái An

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xa-luan-vdkn/nghiem-tuc-thuc-chat-trong-kiem-diem-cuoi-nam-126675.html