Nghiên cứu thêm quy định về thuê đất, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, hộ gia đình sử dụng đất

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi cơ bản nhất trí và xin tham gia một số ý kiến sau:

Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tôi cơ bản nhất trí và xin tham gia một số ý kiến sau:

- Về quy định cho phép chuyển nhượng, thế chấp "quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm”: Điều 36 của dự thảo Luật đã bổ sung quyền đối với trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm theo hướng người được Nhà nước cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm được quyền thế chấp, bán, cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, theo tôi là đầy đủ, phù hợp. Tuy nhiên, tại Điều 50 của dự thảo lại bổ sung quy định điều kiện thực hiện quyền này khi đảm bảo: (1) đã hoàn thành việc xây dựng theo đúng quy hoạch xây dựng chi tiết và dự án đầu tư đã được phê duyệt, chấp thuận, trừ trường hợp phải thực hiện theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực thi hành hoặc kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thanh tra, kiểm tra; (2) ứng trước tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà chưa khấu trừ hết vào tiền thuê đất phải nộp. Theo tôi, nên bỏ điều này (Điều 50) vì việc bổ sung dẫn đến thiếu công bằng giữa các trường hợp thuê đất trả tiền một lần và thuê đất trả tiền hàng năm, nhà đầu tư có thể lợi dụng để vay vốn ngân hàng nhưng không có khả năng trả nợ.

- Về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai: Điều 225 của dự thảo Luật quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai theo hướng chuyển toàn bộ sang cho Tòa án nhân dân (TAND) giải quyết; UBND các cấp không giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất để làm căn cứ cho Tòa án giải quyết. Nên giữ như quy định hiện hành đối với trường hợp tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy chứng nhận, hoặc không có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được lựa chọn cơ quan giải quyết là TAND hoặc UBND. Theo tôi, ý kiến giữ nguyên như quy định hiện hành là phù hợp với thực tế. Bởi những tranh chấp dù có giá trị thấp, sự việc đơn giản nếu chuyển TAND giải quyết sẽ mất nhiều thời gian và đều phải nộp án phí. Điều đó ảnh hưởng đến những người nghèo, trong khi những vướng mắc đó chính quyền các cấp có thể giải quyết được và sẽ tạo điều kiện cho người dân cả về thời gian, kinh phí.

- Về hộ gia đình sử dụng đất: Dự thảo Luật quy định theo hướng bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất. Tuy nhiên, theo tôi cần tiếp tục duy trì quy định về hộ gia đình trong dự thảo Luật do đây là chủ thể có tính lịch sử, tham gia sâu vào quan hệ đất đai và thực tế hiện nay còn nhiều giấy tờ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ghi tên chủ sử dụng đất là hộ gia đình), nên nếu bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất sẽ phát sinh nhiều việc phải làm, nhất là khi có tranh chấp, giao dịch...

Trần Bảo Toàn

(Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về kinh tế của Ủy ban MTTQ tỉnh)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/274/175866/nghien-cuu-them-quy-dinh-ve-thue-dat,-tham-quyen-giai-quyet-tranh-chap-dat-dai,-ho-gia-dinh-su-dung-dat.htm