'Ngoại lực bất thường' gây ra hơn 1.000 trận động đất ở chuỗi đảo của Nhật Bản?
Nhật Bản chưa tìm ra nguyên nhân dẫn tới hàng loạt trận động đất tại chuỗi đảo Tokara, song chuyên gia cho là liên quan tới núi lửa hoặc magma.
Người dân sinh sống trên chuỗi đảo Tokara thuộc tỉnh Kagoshima bắt đầu sơ tán hôm 4-7 sau khi khu vực này hứng chịu hàng loạt trận động đất suốt 2 tuần qua. Từ hôm 21-6 tới 11 giờ ngày 4-7 (giờ địa phương), giới chức ghi nhận tới 1.180 trận động đất.
Mặc dù chuỗi đảo Tokara từng trải qua hiện tượng tương tự trong quá khứ, số trận động đất năm nay vẫn nhiều bất thường. Trước đây, số lượng động đất giảm dần sau khoảng 5 ngày nhưng hiện tại con số này lại đi lên.
Chuyên gia Shimakawa Eisuke từ NHK World lý giải khu vực xung quanh chuỗi đảo Tokara là nơi có khả năng xảy ra động đất. Ông cho biết ở phía Đông, một mảng kiến tạo dưới biển đang chìm xuống hướng về phía các đảo, trong khi ở phía Tây là rãnh Okinawa, nơi đang có xu hướng giãn rộng ra.

Trục dọc hiển thị số lượng trận động đất. Trục ngang hiển thị số ngày xảy ra động đất có cường độ 1 hoặc cao hơn. Ảnh: NHK
Trong khi đó, giáo sư Nishimura Takuya thuộc Đại học Kyoto nhận định mức độ hoạt động địa chấn với các rung chấn kéo dài như hiện nay cho thấy đang có một "lực bên ngoài bất thường" tác động.
Ông cũng dự đoán nguyên nhân có thể liên quan tới núi lửa hoặc magma di chuyển. Do đó, các trận động đất sẽ không dừng lại cho tới khi các yếu tố bên ngoài suy giảm.
Tuy nhiên, Cơ quan Khí tượng Nhật Bản chưa tìm ra nguyên nhân chính xác cho hiện tượng này.
Tình hình tại Tokara diễn ra đúng thời điểm trên Internet lan truyền “lời tiên tri” về thảm họa động đất - sóng thần xuất hiện tại Nhật vào ngày 5-7. Nhiều người tin vào tin đồn này khiến cho nhu cầu du lịch tới Nhật giảm xuống.
Ông Shimakawa khẳng định những gì thế giới đang bàn luận chỉ là tin đồn. “Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết có 3 điều kiện giúp dự đoán động đất, gồm thời gian, địa điểm và quy mô. Tuy nhiên, khoa học và công nghệ hiện nay chưa thể tiến bộ tới vậy, nên câu chuyện đang lan truyền là tin đồn sai sự thật” - ông nhấn mạnh.