Ngôi nhà an toàn cho các cá thể gấu

Sau những ngày tháng bị nuôi nhốt lấy mật trái phép, giờ đây, những chú gấu đã được cứu hộ tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình (xã Kỳ Phú, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình).

Gấu là một trong những nhóm động vật đang bị đe dọa cao nhất ở Việt Nam, với số lượng giảm sút nghiêm trọng do nạn săn bắt, buôn bán động vật hoang dã trái phép, chủ yếu phục vụ việc lấy mật.

Hiện có hàng trăm cá thể gấu đang bị nuôi nhốt để lấy mật tại các trang trại tư nhân. Những chú gấu bị giam cầm trong những chiếc lồng sắt han gỉ, chật hẹp khiến sức khỏe suy yếu, tâm lý hoảng loạn và hoàn toàn mất đi tập tính tự nhiên.

 Gấu sau khi được cứu hộ ở Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình. Ảnh: FOUR PAWS Viet

Gấu sau khi được cứu hộ ở Cơ sở Bảo tồn gấu Ninh Bình. Ảnh: FOUR PAWS Viet

Trước tình trạng đáng báo động đó, Tổ chức Phúc lợi động vật toàn cầu (FOUR PAWS) cùng cơ quan chức năng đã chung tay giải cứu gấu và chuyển chúng đến Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình để được đội ngũ chuyên gia thú y và người dân địa phương chăm sóc. Hiện nay, cơ sở đang chăm sóc 46 cá thể gấu, chủ yếu là gấu chó và gấu ngựa. Cơ sở được xây dựng trên tổng diện tích 10ha, bao gồm 8 khu tự nhiên bán hoang dã, khu cách ly, nhà thú y, khu chế biến thức ăn cho gấu.

Quá trình phục hồi bắt đầu từ việc kiểm tra sức khỏe toàn diện, điều trị tích cực và kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại khu cách ly trong 21 ngày. Gấu sẽ được làm quen dần với các loại thực phẩm khác nhau, phù hợp với đặc tính loài, được thay đổi sang chế độ ăn uống cân bằng hơn. Sau đó, gấu sẽ được chuyển đến nhà gấu trong vòng 1-2 tuần để làm quen với nền cứng và không gian rộng trước khi được cho ra khu tự nhiên bán hoang dã. Tại đây, gấu được khuyến khích tự do khám phá, leo trèo, đào bới và tìm kiếm thức ăn, giúp chúng phục hồi thể chất và cân bằng tâm lý.

Chị Nguyễn Minh Phương, Quản lý nhóm giáo dục tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình cho biết: “Chúng tôi cố gắng khơi dậy tập tính từng bị lãng quên của gấu do bị con người nuôi nhốt bằng cách giấu thức ăn trong các ống tre, hốc cây hay treo lên cao. Việc này sẽ khuyến khích gấu tích cực sử dụng khứu giác, thị giác để tìm kiếm thức ăn”.

Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình là điểm sáng trong nỗ lực chấm dứt nạn nuôi gấu lấy mật ở Việt Nam. Đây chính là ngôi nhà an toàn mang lại hy vọng mới, giúp các cá thể gấu được sống cuộc sống phù hợp với loài, chữa lành bệnh tật và phục hồi những tập tính tự nhiên của loài. Việc kiểm soát số lượng gấu tại Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe và chất lượng sống của các chú gấu. Cơ sở sẽ báo cáo trực tiếp Chi cục Kiểm lâm tỉnh Ninh Bình mỗi khi có đợt cứu hộ mới hoặc khi có gấu qua đời. Ngoài ra, kiểm lâm sở tại cũng kiểm tra định kỳ về hoạt động của cơ sở, bảo đảm mọi quy trình đều tuân thủ đúng pháp luật và tiêu chuẩn chăm sóc động vật.

Không chỉ dừng lại ở việc chăm sóc, Cơ sở bảo tồn gấu Ninh Bình còn đóng vai trò quan trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ động vật hoang dã. Du khách khi đến cơ sở có thể quan sát gấu trong môi trường bán hoang dã và trải nghiệm triển lãm về gấu đầu tiên tại Việt Nam. Đây là một ví dụ của mô hình bảo tồn động vật hoang dã kết hợp du lịch bền vững, giúp nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ động vật hoang dã.

MINH HUYỀN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ngoi-nha-an-toan-cho-cac-ca-the-gau-783215