Người anh hùng thầm lặng giải cứu hàng nghìn người tị nạn

Vào thời điểm khởi đầu Thế chiến II, một nhân viên bán hàng người Hà Lan đã cấp thị thực giả cho hàng nghìn người tị nạn Do Thái để trốn khỏi đế chế độc tài đang hoành hành khắp châu Âu. Tuy nhiên, câu chuyện phi thường của ông đã không được kể cho đến bây giờ.

Ông Zwartendijk với hai đứa con lớn của mình, Edith và Jan, ở Kaunas, Lithuania, 1940

Cho đến gần đây, một cuốn sách của ông Jan Brokken, một nhà văn nổi tiếng người Hà Lan, đã hướng sự chú ý của công chúng về ông Jan Zwartendijk và một số quan chức can đảm khác, những người đã bẻ cong luật lệ đương thời để cứu giúp hàng nghìn người Do Thái bị mắc kẹt trong châu Âu trong thời kỳ Đức Quốc xã.

Cuốn The Just (Công lý) kể lại câu chuyện 10.000 đàn ông, phụ nữ và trẻ em chạy trốn nhờ ông Zwartendijk và nhà ngoại giao Nhật Bản Chiune Sugihara, hai người đã tạo một con đường thoát hiểm từ Lithuania đến cảng Tsuruga ở Nhật Bản và hơn thế nữa. Trong vòng 10 ngày mùa hè năm 1940, hai người này đã cấp “thị thực” cho 2.139 người. Nhưng theo ước tính, thực tế khoảng 6.000 đến 10.000 người có thể đã trốn thoát, vì phụ nữ và trẻ em từng thường di chuyển nhờ vào giấy tờ của người thân là nam giới.

Tuy nhiên, trong khi ông Sugihara trở thành một anh hùng dân tộc, được có mặt trong chương trình giảng dạy của Nhật Bản và có ba bảo tàng ca ngợi cuộc đời ông, ông Zwartendijk đã bị lãng quên. Con trai út của ông, thời bấy giờ chỉ là một đứa trẻ, đã không biết gì về công việc của cha mình cho đến khi ông 30 tuổi. “Ông ấy chưa bao giờ nói về giai đoạn này”, người con tên Rob Zwartendijk, giờ 81 tuổi, cho biết. “Và bất cứ khi nào nhắc đến chuyện ấy, ông ấy luôn đáp: “À, nó không quan trọng đâu, mọi người sẽ làm điều y hệt thôi”.

Ông Zwartendijk thực chất là một nhà ngoại giao bất đắc dĩ. Khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939, ông đang là người đứng đầu chi nhánh thương hiệu điện máy Philips ở thủ đô của Lithuania, chuyên bán radio, máy hát và bóng đèn. Ông đã kết hôn, có ba đứa con và có một cuộc sống rất tốt đẹp.

Giữ một chức vụ đáng tin cậy, ông Zwartendijk đã được chính phủ Hà Lan yêu cầu bước vào vị trí lãnh sự không công ở Kaunas, một thành phố ở Lithuania. Tưởng rằng sẽ chỉ hỗ trợ một số công dân Hà Lan, ông lại sớm phải đối mặt với một lựa chọn nguy hiểm. “Ông ấy không phải là một anh hùng bẩm sinh”, ông Brokken viết, “nhưng ông đã ngay lập tức giúp đỡ những người tị nạn Do Thái mà không cần đắn đo: họ đã chạy trốn đến Lithuania sau khi Đức Quốc xã tiến vào nước láng giềng Ba Lan vào tháng 9 năm 1939.

Được một vài người tị nạn tìm đến, ông Zwartendijk đồng ý ghi vào hộ chiếu của họ rằng họ được phép đến đảo Curacao, thuộc vùng Caribe của Hà Lan. Ông đã hy vọng rằng sẽ không có ai kiểm tra các yêu cầu nhập cảnh vào một hòn đảo nhỏ bé ở phía bên kia thế giới. Và sự thật là đã không ai làm vậy. Thị thực giả này đã mở ra cánh cửa để nhiều người rời đi. Được cấp “thị thực” tới Curacao, những người tị nạn Do Thái có thể thoát nạn. Tin đồn về “Ngài Radio Philips” bắt đầu lan rộng.

Cho dù sống cách nhau chưa đến 300 mét, ông Zwartendijk và ông Sugihara chưa bao giờ gặp nhau. Họ chỉ đôi khi nói chuyện qua điện thoại. Ông Sugihara đã khuyên đồng nghiệp người Hà Lan của mình hãy cấp thị thực chậm lại. Cả hai đều đang gặp rủi ro rất lớn. Trong khi ông Sugihara đã làm trái lệnh ông chủ của mình ở Tokyo, ông Zwartendijk có thể sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng nếu Đức Quốc xã phát hiện ra khi ông trở về quê hương đang bị chiếm đóng của mình. Khi ông Zwartendijk quay trở lại Hà Lan vào tháng 9 năm 1940, lý do phải giữ bí mật rõ mồn một.

Tuy nhiên, rất lâu sau chiến tranh, kể cả khi quy mô của cuộc diệt chủng Do Thái được nhiều người biết đến, công lao của ông Zwartendijk chưa bao giờ được ghi nhận. Năm 1964, ông thậm chí còn bị bộ ngoại giao Hà Lan khiển trách sau khi một tờ báo đưa tin về “Thiên thần xứ Curacao” bí ẩn. Nhà văn Brokken gợi ý rằng nghĩa cử anh hùng của Zwartendijk có thể đã khiến những người cùng thời với ông cảm thấy xấu hổ.

Ông Zwartendijk rất tức giận về sự khiển trách này, nhưng ông cũng bị dằn vặt vì không biết chính xác bao nhiêu người đã trốn thoát nhờ việc làm của mình. Trong những năm sau đó, kể cả khi sức khỏe đã suy yếu, ông vẫn không ngừng hỏi về những người đến gõ cửa văn phòng ông nhiều thập kỷ trước. Con trai của ông nghĩ: “Chắc hẳn bố tôi nghĩ rằng hầu hết những người ấy đã bỏ mạng. Ông lo lắng là ông đã gửi họ đến chỗ chết”.

Năm 1976, các nhà nghiên cứu đánh giá rằng 95% người tị nạn Do Thái có giấy tờ của ông Zwartendijk đã sống sót sau chiến tranh. Tin tức đến nhà Zwartendijk một ngày sau đám tang của ông.

Trong cuốn lịch sử gia đình dài 1.200 trang, cô Arlette Liwer-Stuip, cháu gái của ông Abraham – một trong những người đã thoát nạn, cho biết ông Zwartendijk và ông Sugihara đều đã đóng một vai trò to lớn trong việc giải cứu ông bà và dì của cô. “Tìm thông tin về ông Sugihara rất dễ, nhưng tôi gặp khó khăn khi tìm hiểu thêm về ông Zwartendijk. Sự không công bằng khiến tôi xúc động, khi tôi liên tục tự hỏi bản thân, tại sao một người lại nổi tiếng và người kia lại hầu như không được biết đến như vậy?”.

“Có chỗ cho cả hai anh hùng”, cô nói. “Tôi không tin rằng tôn vinh chỉ một trong hai và bỏ quên người còn lại là lịch sử thật sự”.

Ông Sugihara qua đời vào năm 1986, hai năm sau khi được công nhận là con người “Chính nghĩa Quốc tế” - danh hiệu cao quý nhất dành cho những người không phải là người Do Thái đã mạo hiểm mọi thứ để cứu giúp người Do Thái. Ông Zwartendijk không được trao vinh dự tương tự cho đến năm 1997, một khác biệt khiến gia đình ông đau lòng.

Nhưng rồi cuối cùng, sự ghi nhận cũng đến. Vào năm 2018, sau khi cuốn sách của ông Brokken được xuất bản, chính phủ Hà Lan đã đưa ra lời xin lỗi chính thức tới gia đình Zwartendijk và khẳng định lời khiển trách năm 1964 là “hoàn toàn không phù hợp”.

Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ ngoại giao, ông Stef Blok đã ca ngợi “sự hợp tác phi thường” giữa ông Zwartendijk và ông Sugihara, những người “đã bất chấp nhiều rủi ro cá nhân để cống hiến hết mình cho nhân loại”. Thành phố Kaunas cũng đã vinh danh ông Zwartendijk bằng một đài tưởng niệm trước văn phòng Philips.

Ở phía trước tòa nhà, trên một thân cây là tượng đài với hình ảnh 2.139 cuốn hộ chiếu được xếp thành một vòng tròn, tượng trưng cho những cuộc đời ông đã cứu sống.

Hoài Vy

Theo theguardian.com, ngày 26/9/2021

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/nguoi-anh-hung-tham-lang-giai-cuu-hang-nghin-nguoi-ti-nan-post1381647.tpo