Người chăn nuôi lợn không đơn độc

'Cơn bão' dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang lan rất nhanh, tính đến ngày 11-6, đã có 43 xã, phường, thị trấn ở 6 huyện, thành phố đã có đàn lợn bị nhiễm dịch với 3.000 con lợn phải tiêu hủy, gây thiệt hại nặng nề cho người chăn nuôi. Nhưng những người chăn nuôi không đơn độc, bởi luôn có sự đồng hành của cộng đồng, sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương.

Lực lượng chức năng giúp gia đình anh Nguyễn Đức Chinh, thôn Nhùng Dàm,
xã Tứ Quận (Yên Sơn) tiêu hủy đàn lợn bị nhiễm bệnh.

Trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn vào bậc nhất huyện Yên Sơn của anh Nguyễn Đức Chinh, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận trị giá hàng tỷ đồng giờ đã thành con số không khi dịch tả lợn châu Phi ập đến. Anh Chinh chia sẻ, ngày 29-5, đàn lợn 327 con đang khỏe mạnh bỗng chốc bỏ ăn, theo dõi thấy lợn sốt cao, anh báo cán bộ thú y kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm.

Trong quá trình chờ kết quả, những con lợn có trọng lượng từ 70 - 140 kg cứ lăn ra chết. Nhận kết quả từ Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương, đàn lợn dương tính với DTLCP, anh Chinh chỉ biết đứng nhìn, hơn tỷ đồng tiền giống, tiền cám và bao mồ hôi, công sức bỗng chốc tan thành mây khói. Anh Chinh nói trong nước mắt, 7 năm chăn nuôi lợn chưa bao giờ đau xót như vậy, nếu như năm 2017, giá lợn rẻ nhưng vẫn có thể bán được.

Để tiêu hủy được đàn lợn 327 con của gia đình anh Chinh, xã Tứ Quận phải huy động 34 dân quân; huyện Yên Sơn cử cán bộ chuyên môn để giúp đỡ gia đình thường trực 3 ngày vận chuyển đàn lợn đi tiêu hủy. Ông Hán Quang Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Tứ Quận cho biết, trong lúc hoạn nạn, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng dân cư càng được thắt chặt. Người dân ở đây đã cùng các hộ chôn lấp lợn bị dịch bệnh, dành phần đất của gia đình mình để tiêu hủy đàn lợn theo đúng quy định.

Dù mất mát rất lớn khi DTLCP ập đến nhưng bà Nguyễn Thị Thái, thôn Vĩnh Bảo, xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cảm thấy ấm lòng khi lực lượng dân quân, cán bộ trạm thú y không quản giờ giấc, ngày đêm túc trực để theo dõi và lấy mẫu bệnh phẩm đàn lợn của gia đình. Bà Thái cho biết, nếu không có cán bộ xã, dân quân thì gia đình bà không biết xoay sở ra sao với dịch bệnh. 166 con lợn bị nhiễm dịch của gia đình bà Thái bao gồm cả lợn nái và lợn thịt trọng lượng từ 40 kg đến gần 200 kg được ngành chuyên môn, chính quyền vận chuyển, tiêu hủy nhanh gọn chỉ trong vòng 6 giờ sau khi có kết quả từ Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương. Ông Vi Văn An, Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) cho biết, xã phân công cán bộ theo dõi, giám sát hướng dẫn hỗ trợ các hộ dân bị thiệt hại xử lý môi trường sau tiêu hủy để tránh ô nhiễm, lây lan mầm bệnh.

Ông Nguyễn Văn Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, chưa bao giờ ngành chăn nuôi thú y phải đối mặt với “cơn bão” dịch bệnh khủng khiếp đến vậy. Việc phòng, chống, ngăn chặn, kiểm soát hiệu quả DTLCP rất cần sự chung tay của cả cộng đồng để người chăn nuôi không bị đơn độc. Hiện tại những hộ gia đình có lợn nhiễm DTLCP đều được hỗ trợ giúp đỡ xử lý hạn chế đến mức thấp nhất dịch bệnh lây lan và tránh ô nhiễm môi trường. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xin ý kiến UBND tỉnh sớm thực hiện cơ chế hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị DTLCP. Ngành cũng khuyến cáo người chăn nuôi, ngay lúc này tập trung phát triển chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, đại gia súc để nhanh chóng ổn định sản xuất, bảo đảm thu nhập và bù đắp lượng thực phẩm sẽ thiếu hụt trong thời gian sắp tới.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/nguoi-chan-nuoi-lon-khong-don-doc-118498.html