Người dân Anh gặp áp lực lớn khi chi phí sinh hoạt tăng mạnh

Trong hơn một thập kỷ, thu nhập thực tế và mức sống của hàng triệu người dân Anh liên tục giảm xuống.

Chi phí sinh hoạt tăng mạnh

Bà Nazmin Begum, một người dân ở Vương quốc Anh đang phải trả phí sinh hoạt nhiều hơn để đảm bảo cuộc sống cho gia đình trong bối cảnh quốc gia này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tồi tệ nhất trong ba thập kỷ qua.

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

Ảnh minh họa. Nguồn: CNN

"Mọi thứ đều tăng giá từ thực phẩm, giày dép đến nhiên liệu ", bà Nazmin chia sẻ.

Các hóa đơn chi trả cho việc sử dụng năng lượng ở căn hộ một phòng ngủ của bà Nazmin Begum lên tới 92 USD trong 3 tháng qua mặc dù mức sử dụng tương tự với trước đây. Làm việc ở chuỗi siêu thị Tesco, bà Nazmin hiểu rằng mọi sản phẩm đều đang tăng giá.

"Trẻ em sẽ cảm thấy lo lắng khi chúng muốn dùng máy sưởi. Bọn trẻ có lẽ cũng đang chịu ảnh hưởng từ áp lực của bố mẹ. Cảm thấy đói nhưng không ăn vạ nữa", bà Nazmin Begum chia sẻ.

Cooking Champions, một tổ chức hỗ trợ các nhóm từ thiện và doanh nghiệp địa phương đã thực hiện chiến dịch hỗ trợ người dân từ tháng 4/2020 khi dịch bệnh xảy ra. Annalisa Moseley là một trong những người đầu tiên nhận những gói quà từ thiện này. Bà mẹ hai con nói rằng nếu không có Cooking Champions thì có lẽ gia đình bà không có thức ăn trong vài tuần hồi tháng 4/2020.

"Mọi thứ đang dồn áp lực lên vai tôi để đảm bảo các con có thể được sưởi ấm và ăn uống đủ bữa. Tình hình khiến tôi cảm thấy tuyệt vọng nhưng thực sự vẫn phải tiếp tục cố gắng", bà Moseley nói thêm.

Bà Moseley đã nhận được hỗ trợ tín dụng phổ thông – một hình thức phúc lợi dành cho những người không có việc làm hoặc thu nhập thấp. Chính phủ Anh đã tăng các khoản thanh toán lên 26 đô la/ tuần trong thời điểm đại dịch nhưng chiến dịch này đã kết thúc vào tháng 10/2021.

Tuy nhiên, điều đó chưa căng thẳng bằng diễn biến lạm phát ở thời điểm hiện tại.

Theo hãng CNN, lạm phát giá tiêu dùng tăng 5,5% vào tháng Giêng ở Vương quốc Anh – mức cao nhất kể từ năm 1992. Tình trạng thiếu nguồn cung và nhu cầu lại tăng đột biến kể từ khi các biện pháp hạn chế nới lỏng đã khiến cho giá cả tăng mạnh. Tiền lương không theo kịp với lạm phát gần đây.

Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, mức lương trung bình của người lao động Anh đã giảm mạnh nhất trong hơn 7 năm qua, tính đến tháng Giêng năm nay. Căng thẳng Ukraine cũng khiến chi phí năng lượng tăng cao, giá xăng và dầu tăng lên mức kỷ lục. Hàng triệu hóa đơn liên quan đến năng lượng của người dân đều tăng giá vào tháng 10 năm ngoái.

Dự kiến trong tháng Tư, giá năng lượng có thể sẽ tăng lên 54% - mức tăng cao nhất từng được ghi nhận và điều này sẽ tạo ra gánh nặng cho 22 triệu người dân khi hóa đơn chi tiêu hàng năm ước tính lên tới 2.618 USD. Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội quốc gia Anh cho rằng chi phí cao sẽ khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn không có khả năng chi trả những nhu cầu thiết yếu cơ bản.

Giá khí đốt toàn cầu tăng mạnh hơn. Các nhà phân tích tại ngân hàng đầu tư Investec nhận định hóa đơn năng lượng hàng năm của người Anh có thể tăng phi mã vào thời gian tới.

"Ngân sách của người dân đang dần hạn hẹp", ông Lucy Bannister, Giám đốc chiến dịch chính sách của Joseph Rowntree Foundation nói.

Chính phủ vào cuộc

Theo CNN, Chính phủ Anh đang tìm cách xoa dịu các áp lực đối với người dân bằng việc cắt giảm thuế và điều chỉnh chi phí các hóa đơn năng lượng trong vài năm tới.

Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết đã hỗ trợ lên tới 16 tỷ đôla trong năm tài chính này và dự kiến tiếp tục hỗ trợ trong năm tới để giúp các hộ gia đình chi trả phí sinh hoạt. Chính phủ Anh cũng sẽ tăng mức lương tối thiểu lên hơn 1000 bảng Anh (1309 đôla))/năm đồng thời tăng khoản trợ cấp vào tháng Tư tới.

Tuy nhiên, lương tăng cũng không bắt kịp sự tăng giá mạnh của tất cả các mặt hàng.

Giám đốc điều hành của Spring Community Hub, một trung tâm cung cấp thực phẩm và quần áo nói rằng: "chúng tôi đang chứng kiến nhiều người lao động và người dân Vương quốc Anh rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều bậc phụ huynh thậm chí lo lắng khi trẻ chuẩn bị đến trường cho năm học mới. Quần áo đồng phục tăng lên tới hàng trăm bảng Anh cho một đứa trẻ.

Theo khảo sát của Hội Nhi đồng Anh, cứ khoảng 10 gia đình ở Anh lại có một gia đình phải vay tiền mua các vật dụng cần thiết như quần áo và giày dép cho trẻ trước khi vào năm học mới. Tình trạng lạm phát khiến giá quần áo và giày dép tăng mạnh.

"Ngày càng trở nên khó khăn hơn"

Ngân hàng trung ương Anh dự kiến lạm phát sẽ hạ nhiệt sau khi chạm đỉnh vào tháng 4. Đối với những người đang gánh vác thêm khoản nợ mới và không thể thanh toán các hóa đơn sẽ phải đối mặt với khó khăn kéo dài trong nhiều năm.

Nghiên cứu của Quỹ Joseph Rowntree Foundation trong năm ngoái cho biết 4,4 triệu người có thu nhập thấp tại Anh đã bắt đầu vay nợ hoặc có thêm các khoản nợ hiện có trong đại dịch.

Ông Joseph De-Ville, một người dân khác sống ở Cornwall nói rằng ông đã từng mắc nợ vài năm trước để vay tiền lo đám tang của mẹ.

"Đây là một phần của cuộc sống mà mọi người chưa từng trải qua. Chúng tôi đang chi trả bằng thẻ tín dụng để đối phó với chi phí tăng hàng ngày. Và sau đó là chuỗi thời gian vật lộn với các khoản nợ vì lãi suất cao", ông Joseph chia sẻ.

Trong hơn một thập kỷ, thu nhập thực tế và mức sống của hàng triệu người dân Anh đang giảm xuống. Đối với trường hợp như ông De-Ville, chi phí sinh hoạt tăng là áp lực của một cuộc khủng hoảng tiếp tục kéo dài phía trước.

"Mọi thứ sẽ còn khó khăn hơn nữa", ông De-Ville chia sẻ./.

Hồng Nhung

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/nguoi-dan-anh-gap-ap-luc-lon-truoc-chi-phi-sinh-hoat-tang-manh-20220316104206264.htm