Người dân hưởng lợi từ liên kết bảo hiểm

Việc liên kết bảo hiểm y tế (BHYT) xã hội và BHYT thương mại không chỉ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, mà còn giảm tối đa thời gian khám, chữa bệnh (KCB) cho người dân.

Nhiều năm qua, KCB bằng thẻ BHYT góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho nhân dân. Dự thảo Đề án “Liên kết BHYT xã hội với BHYT thương mại trong KCB” do Bộ Y tế đang xây dựng để trình Chính phủ nhằm kết hợp nguồn tài chính từ quỹ BHYT xã hội với nguồn tài chính từ các doanh nghiệp BHYT thương mại, thông qua liên kết giữa hai loại hình bảo hiểm. Hiện nay, nhiều người có điều kiện về kinh tế, đời sống. Họ có nhu cầu tham gia bảo hiểm ở mức độ cao hơn, cả về phạm vi dịch vụ y tế và mức thụ hưởng tài chính. Từ đó, không ít người từ chối BHYT xã hội để sử dụng các loại hình bảo hiểm khác. Từ lý do trên, Bộ Y tế đang hoàn thành đề án thực hiện liên kết BHYT xã hội và BHYT thương mại trong KCB. Khi đề án này được đưa vào thực hiện, người dân sẽ được hưởng khá nhiều lợi ích mà từ trước đến nay, BHYT xã hội chưa đáp ứng được.

 Người dân lĩnh thuốc bảo hiểm y tế tại Trạm y tế xã Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang). Ảnh: QUANG MINH

Người dân lĩnh thuốc bảo hiểm y tế tại Trạm y tế xã Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang). Ảnh: QUANG MINH

Theo ông Lê Văn Khảm, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế): Hiện gói dịch vụ y tế cơ bản của BHYT chưa có quy định chi trả các dịch vụ như: Khám sàng lọc, phát hiện bệnh sớm; khám sức khỏe định kỳ; thuốc, vật tư y tế ngoài danh mục; chi phí KCB trái tuyến (ngoại trừ cấp huyện)... Do đó, sự kết hợp giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại thông qua áp dụng gói BHYT bổ sung do các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện là rất cần thiết. Hiện nay, đối tượng tham gia bảo hiểm thương mại chủ yếu gồm: Người nước ngoài và người Việt Nam làm việc tại một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; người lao động tại một số doanh nghiệp trong nước nhận được chính sách đãi ngộ đặc thù; người thuộc hộ gia đình có điều kiện kinh tế khá giả; một bộ phận công chức, viên chức và học sinh, sinh viên. Các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm có thể chi trả cho người tham gia một khoản tiền nhất định khi bị bệnh/tai nạn hoặc chi trả theo hóa đơn viện phí khi người tham gia bảo hiểm bị bệnh (có giới hạn), thanh toán cho cả trường hợp đi nước ngoài KCB, trả theo nhiều gói quyền lợi gồm cả việc chi trả chi phí khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm bệnh tật...

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Dược và Vật tư y tế (BHXH Việt Nam) cho hay: Trước đây, khi chưa có quy định thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại, người dân trong quá trình KCB còn nảy sinh nhiều vướng mắc, bởi BHYT xã hội khác với BHYT thương mại. Đối với BHYT xã hội, đóng theo tỷ lệ và mức hưởng theo mức độ bệnh tật... Còn BHYT thương mại, mức đóng đi đôi với mức hưởng; đóng cao thì hưởng cao, đóng thấp thì hưởng thấp. Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT xã hội cho nhóm người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, hộ cận nghèo, thương binh, bệnh binh… Hình thức tham gia BHYT xã hội hiện nay là tham gia bắt buộc, còn BHYT thương mại tham gia tự nguyện. Mặc dù quy định BHYT xã hội bắt buộc phải tham gia nhưng lại chưa có chế tài để xử phạt khi không tham gia. Ông Lý Văn Phúc lý giải, khi BHYT xã hội liên kết với BHYT thương mại, người dân sẽ được hưởng phần đồng chi trả tới 20%; được chi trả đối với các dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế theo điều kiện; được lựa chọn tuyến điều trị, thầy thuốc, giường bệnh... cũng như phương pháp điều trị theo nhu cầu. Do đó, sự kết hợp giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại thông qua áp dụng gói BHYT bổ sung cho các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện là cần thiết, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nhận định về việc liên kết này, theo ông Phùng Ngọc Khánh, Cục trưởng Cục quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính): Việc liên kết BHYT xã hội và BHYT thương mại sẽ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân trong nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; đồng thời, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Người dân không chỉ được phòng bệnh, chữa bệnh mà còn giảm thời gian khám, điều trị, cũng như đau đớn về thể xác, tinh thần trong quá trình KCB. Không chỉ vậy, khi việc liên kết giữa BHYT xã hội và BHYT thương mại được thực hiện, các bệnh viện sẽ có thêm nguồn đầu tư, giảm bớt gánh nặng ngân sách; chất lượng dịch vụ KCB được bảo đảm. Đối với xã hội, khi thực hiện việc liên kết này, chi phí dành cho KCB giảm; ngăn chặn gian lận BHYT và hiệu quả hoạt động của hai hệ thống BHYT xã hội và BHYT thương mại được tối ưu hóa; doanh nghiệp mở rộng dịch vụ, từ đó tiến tới xây dựng hệ thống dữ liệu y tế toàn dân góp phần chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

DIỆP CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/nguoi-dan-huong-loi-tu-lien-ket-bao-hiem-611433