Người đàn ông 50 tuổi suýt hoại tử tay vì viêm tắc mạch máu thừa nhận 1 sai lầm nhiều nam giới Việt mắc phải

Theo các bác sĩ, nguyên nhân phổ biến gây bệnh Buerger (viêm tắc mạch máu) là do hút thuốc lá. Trong khi đó, bệnh nhân đã hút thuốc lá trong nhiều năm qua, trung bình 2 gói một ngày.

Suýt hoại tử chi vì bị viêm tắc mạch máu

Đầu ngón tay loét cả tháng không lành, anh Mẫn (50 tuổi) đau nhức đến mất ngủ nên đến viện ở tỉnh khám. Tại đây, anh được chẩn đoán bệnh lý về móng, cắt lọc, thoa thuốc, thay băng nhưng không đỡ.

Lúc này, bác sĩ nghi ngờ anh bị thiếu máu nuôi chi (bệnh mạch máu ngoại biên), chỉ định siêu âm, chụp CT mạch máu. Kết quả xác định hệ mạch máu nuôi chi đoạn gần lưu thông bình thường, nhưng các mạch máu nhỏ ở xa (động mạch tay phải) bị viêm tắc mạch máu nặng nề. Anh Mẫn được chuyển đến BVĐK Tâm Anh TP.HCM điều trị tiếp.

Ngày 3/7, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực – Mạch máu cho biết, anh Mẫn mắc bệnh Buerger. Đây là bệnh lý viêm mạch không do xơ vữa, thường gặp ở các mạch máu nhỏ và vừa ở bàn tay, bàn chân.

Bệnh Buerger là sự phối hợp của phản ứng viêm và cục máu đông trong lòng mạch máu khiến lưu lượng máu nuôi chi bị suy giảm. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, các ngón tay, ngón chân sẽ chuyển màu tím đen và xuất hiện vết loét, nhiễm trùng. Trong một số trường nặng có thể phải đoạn chi (cắt cụt), thậm chí xảy ra tình trạng nhiễm trùng huyết – biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Người bệnh có tiền sử hút thuốc lá trong nhiều năm

Điều tra bệnh sử, được biết anh Mẫn hút thuốc lánhiều năm qua, trung bình 2 gói một ngày.

Theo các bác sĩ, nguyên nhân phổ biến gây bệnh Buerger là hút thuốc lá. Các hóa chất có trong khói thuốc lá gây kích thích yếu tố miễn dịch tế bào, dẫn đến viêm và tổn thương thành mạch.

Bác sĩ Dũng nhận định, với những trường hợp tắc hẹp hệ mạch máu ngoại vi lớn, bệnh nhân thường có chỉ định can thiệp nong mạch. Nhưng anh Mẫn tắc những mạch máu nhỏ, trực tiếp đưa máu đến nuôi ngón tay nên không thể thực hiện nong mạch hay đặt stent. Thay vào đó, bác sĩ tiến hành phương pháp phẫu thuật cắt hạch giao cảm ngực. Phương pháp này làm giảm kích thích giao cảm vùng chi trên (những kích thích này gây co mạch ngoại vi), qua đó gián tiếp làm giãn các mạch máu ngoại vi, tạo điều kiện cho máu lưu thông dễ dàng.

Trong vòng 15 phút, ê kíp mở hai vết mổ 5 mm ở vùng nách, đưa thiết bị nội soi có gắn camera nhỏ chèn vào lồng ngực rồi dùng dụng cụ cắt bỏ hạch thần kinh giao cảm. Nhờ đó loại bỏ tác động co mạch của hệ thần kinh giao cảm, làm mạch máu giãn ra và tăng lưu lượng máu đến chi. Phương pháp này còn có tác dụng giảm cảm giác đau mạn tính do thiếu máu mô, đồng thời tăng tưới máu giúp cải thiện quá trình lành thương và giảm nguy cơ hoại tử đầu chi.

Sau phẫu thuật, anh Mẫn cải thiện triệu chứng tức thì, tay ấm, hết đau. Anh xuất viện sau hai ngày, được hướng dẫn cách cai thuốc lá để giảm nguy cơ bệnh tái phát.

Dấu hiệu viêm tắc mạch máu

Theo bác sĩ Dũng, các triệu chứng của bệnh Buerger không bộc lộ rõ ngay từ đầu mà thường phát triển chậm theo thời gian. Ở giai đoạn sớm, người bệnh cảm nhận cơn đau tay hoặc chân (cảm giác nóng rát, ngứa ran), sau đó các vết loét ở ngón chân, ngón tay bắt đầu xuất hiện, làm thay đổi màu sắc hoặc kết cấu da.

Khi bệnh bước sang giai đoạn muộn sẽ biểu hiện bằng triệu chứng chuột rút cơ, hình thành cục máu đông trong mạch máu, ngón tay và ngón chân chuyển màu đỏ, xanh hoặc nhợt nhạt. Cuối cùng, khi bàn chân, bàn tay lạnh, cảm giác tê cứng, có màu thâm đen là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm trùng, hoại tử, khả năng phải tháo ngón hoặc đoạn chi.

Để phòng ngừa bệnh Buerger, trước tiên cần tránh xa thuốc lá, kể cả thuốc lá điện tử hoặc hút thuốc lá thụ động. Bên cạnh đó nên giữ ấm cơ thể, đặc biệt trong mùa lạnh, để giảm nguy cơ co thắt mạch máu gây hại. Duy trì lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục thường xuyên, kiểm soát các bệnh lý đi kèm như đái tháo đường, tăng huyết áp.

Tránh ngồi hoặc đứng quá lâu ở một vị trí trong thời gian dài, không nên mặc quần áo quá bó sát khiến quá trình lưu thông máu bị cản trở. Khám sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện bệnh kịp thời và ngăn chặn các biến chứng sớm.

M.H (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-50-tuoi-suyt-hoai-tu-tay-vi-viem-tac-mach-mau-thua-nhan-1-sai-lam-nhieu-nam-gioi-viet-mac-phai-172250704185744069.htm