Người dân vùng lũ Nghệ An mong cuộc sống sớm trở lại bình yên
'Không còn gì nữa, trôi hết cả rồi. Bây giờ biết bám víu vào đâu nữa đây?' - tiếng khóc bật lên như xé toạc màn mưa trên bãi bùn loang lổ, nơi bà Vi Thị Bảy (44 tuổi, xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đứng lặng giữa cảnh hoang tàn sau cơn lũ dữ. Câu nói ấy không chỉ là nỗi đau của riêng bà mà còn là tiếng lòng của hàng trăm người dân nơi dải đất biên cương vừa trải qua trận thiên tai khốc liệt.

Bà Kha Thị Lý, xã Mỹ Lý, khóc nghẹn khi lũ cuốn trôi tất cả, phải đi mượn áo hàng xóm để mặc
Những mái nhà chìm trong nước lũ
Ở xã Mỹ Lý - vùng đất đẹp như tranh với những ngôi nhà sàn của đồng bào Thái, nay chỉ còn lại bùn lầy, mái tôn vương vãi, nền nhà trống hoác và tiếng khóc than..
Bà Vi Thị Bảy, người phụ nữ vừa mất đi tất cả, gục xuống giữa đống đổ nát. Nhà cửa, vật dụng, kỷ vật - những gì gia đình bà tích cóp suốt mấy chục năm giờ nằm lẫn trong bùn hoặc mắc kẹt đâu đó trên bờ rào. Nhưng điều khiến bà đau hơn cả là những ánh mắt con thơ đau đáu nhìn mẹ.

Bà Vi Thị Bảy ở xã Mỹ Lý
Ở xóm vạn chài thôn Vĩnh Hoàn (xã Con Cuông), mấy ngày sau trận lũ quét, người dân vẫn chưa thể quay về dọn dẹp. Nước sông Lam vẫn cuồn cuộn, rít qua từng khúc quanh, những chiếc thuyền gỗ mong manh là phương tiện duy nhất để họ ngược dòng đi tìm những vật dụng còn sót lại - một cái ghế, một chiếc nồi, hay mảnh chăn ướt sũng mắc trên ngọn cây.
Trong ánh mắt đỏ hoe, người đàn ông trẻ Cao Tiến Lành chỉ tay về khoảng đất trống ven sông, nơi từng là ngôi nhà nhỏ anh và vợ dành dụm xây nên sau bao năm lam lũ: "Mất hết rồi. Căn nhà vợ chồng tích góp xây dựng giờ bị lũ cuốn, không còn thứ gì nữa…".
Anh Lành năm nay 34 tuổi, có 3 đứa con, đứa lớn mới 12 tuổi, đứa bé chưa tròn năm. Ngôi nhà ấy không chỉ là nơi che mưa chắn gió, mà còn là giấc mơ, là chốn an yên của cả gia đình. Vậy mà chỉ trong đêm 22/7, khi nước sông Lam đổ về ào ạt như thác, mọi thứ bị xóa sạch. Lành chỉ kịp đưa vợ con lên thuyền tránh tạm, còn anh quay về với hy vọng vớt vát đồ đạc. Nhưng nước lên quá nhanh, anh đành bất lực nhìn dòng lũ nuốt chửng tất cả.

Anh Cao Tiến Lành (trú cụm 5, thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông, Nghệ An) gọi điện cho người thân kể lại khoảnh khắc lũ dữ ập về: “Nhà trôi hết rồi, mất hết rồi…“
Sáng hôm sau, trèo lên mái nhà hàng xóm nhìn về phía tổ ấm, tim anh thắt lại: nửa căn nhà đã trôi theo dòng nước, phần còn lại chỉ là bức tường nghiêng ngả như chực chờ đổ xuống.
Bà Nguyễn Thị Kiều (68 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông) nói: "Từ thời mẹ sinh ra đến nay, chưa bao giờ tôi thấy nước sông Lam dâng cao thế này. Nước tràn vào tận nhà, gà vịt chết sạch, mọi thứ bị cuốn trôi theo dòng nước".
Không riêng gì gia đình anh Lành, bà Kiều mà cả xóm vạn chài - nơi người dân bao năm sống quen với lũ - cũng chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào dữ dội và tàn khốc đến vậy. Họ quen sống cạnh sông nhưng không quen với sự mất mát đến tận cùng.
Chắt chiu hy vọng từ những gì còn lại
Sáng 25/7, nước đã bắt đầu rút, để lại lớp bùn đặc quánh phủ kín các lối vào bản, trườn lên nền nhà, trùm lên những chiếc xe máy nằm chỏng chơ. Người dân Mỹ Lý, Nhôn Mai, Mường Xén… lầm lũi bên chiếc cuốc, cái xẻng, cố gắng bới tìm bất cứ thứ gì còn nguyên vẹn.
Ở xã Tương Dương, 3 cây cầu treo bị lũ cuốn trôi, khiến hơn 900 người dân ở 6 bản rơi vào cảnh bị cô lập hoàn toàn. Không điện, không nước sạch, không đường tiếp tế - những mái nhà đơn độc như chơ vơ giữa núi rừng.

Một người phụ nữ ở thôn Vĩnh Hoàn mang gà bị nước ngập từ nhà ra quốc lộ tránh lũ.
Bộ Quốc phòng đã phải điều động trực thăng khẩn cấp để tiếp tế nhu yếu phẩm: từng gói mì, chai nước, hộp thuốc được thả xuống, như một sợi dây cứu sinh mong manh níu lại sự sống giữa hoang tàn.
"Chúng tôi đã cử cán bộ về tận các điểm bị chia cắt, dựng trạm tạm, chuyển hàng hóa, thuốc men, hỗ trợ bà con không để ai bị đói, thiếu thốn trong những ngày khó khăn này", ông Nguyễn Viết Hùng - Bí thư xã Mường Xén - cho biết.
Cũng theo ông Hùng, những gia đình bị mất nhà hoàn toàn được bố trí ở tạm nhà người quen; đồng thời xã huy động thanh niên, dân quân, lực lượng xã hội đến hỗ trợ dựng lại mái nhà mới - dù tạm bợ, nhưng là điểm tựa đầu tiên để họ bắt đầu lại từ hoang tàn.

Nhà dân ở thôn Vĩnh Hoàn, xã Con Cuông, bị ngập sâu trong nước lũ.
Trong chuyến thị sát vào ngày 24/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính nhấn mạnh: "Tính mạng con người là trên hết. Mong bà con nỗ lực vượt qua khó khăn, chính quyền sẽ không để ai đơn độc trong thiên tai".
Mất mát là điều không thể tránh khỏi sau thiên tai nhưng điều khiến chúng ta đau nhất không chỉ là mái nhà sập xuống, mà là ánh mắt thất thần của người mẹ, là sự ngác ngơ của những đứa trẻ. Song, giữa cảnh tang thương ấy, vẫn le lói hy vọng từ từng bàn tay nắm lấy nhau, từ từng chuyến hàng cứu trợ băng núi vượt rừng tìm về bản.
Sau cơn lũ, rồi sẽ có những ngôi nhà mới, những mùa gieo trồng mới. Nhưng ký ức về những ngày đau thương lẫn nước mắt trong bùn đất ấy sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí bao người.