Người đảng viên tiên phong với mô hình nông nghiệp sạch

Ông Phú giúp người dân xã Ea Bar bón phân hữu cơ cho cây mắc ca. Ảnh: NHẬT HUY

Từ năm 2017 đến nay, ông Trần Ngọc Phú, đảng viên Chi bộ thôn Ea Mkeng (xã Ea Bar, huyện Sông Hinh) áp dụng thành công mô hình nông nghiệp hữu cơ, bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng. Để có được điều này, người đàn ông sinh năm 1973 đã dành nhiều thời gian tìm hiểu, thử nghiệm. Điều đáng quý là ông chia sẻ cách làm hay cho nhiều người dân ở địa phương và các tỉnh lân cận.

Ông Phú sinh ra và lớn lên ở xã Phong Chương (huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế), nhưng tuổi thanh xuân của ông gắn liền với xã Ea Bar - vùng đất đỏ được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu và điều kiện thổ nhưỡng. Cũng vì quá hiểu vùng đất mà mình gắn bó từ năm 1989 đến nay, nên ông luôn tìm cách làm giàu từ nơi mình chọn làm quê hương thứ hai này.

Quyết tâm làm nông nghiệp hữu cơ

Từ Thừa Thiên - Huế vào Ea Bar lập nghiệp, ông Phú làm công nhân phụ trách các thiết bị cơ khí tại Nông trường Cà phê Ea Bá. Khi nông trường giải thể, ông thay đổi suy nghĩ: “Để ổn định cuộc sống, tôi xác định chỉ có cách gắn bó với nông nghiệp. Nhưng cách làm nông nghiệp lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người nông dân lẫn người tiêu dùng, về lâu dài sẽ không hiệu quả”.

Để có kiến thức làm nông nghiệp hữu cơ, không phân bón hóa học, ông Phú đã đi đến các nhà vườn ở Đắk Lắk, Bình Phước… học hỏi; “khăn gói” ra Viện Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội) xin lời khuyên từ các chuyên gia đầu ngành.

Những ngày đầu thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ, nhiều nông dân ở xã Ea Bar không tin ông sẽ thành công với cách làm “khác người” như vậy. Có lần thấy ông Phú để cỏ mọc xung quanh gốc cây trồng (một trong những nguyên tắc cơ bản của nông nghiệp hữu cơ) mà không sử dụng thuốc diệt cỏ, nhiều người cười hỏi sao ông không nuôi thêm bò để tăng hiệu quả?! Ông Phú chỉ cười, nhưng lòng càng quyết tâm thực hiện để nhiều người tin con đường mà ông đã chọn là đúng.

Giống như nhiều người khởi nghiệp, ông Phú bắt đầu bằng ý tưởng, thực hiện bằng đam mê và tất nhiên là không ít lần thất bại. Từ đó, ông luôn tìm lời giải cho việc áp dụng các yếu tố hữu cơ, nhưng đất vẫn không hấp thụ dinh dưỡng, vì sao những loại thuốc diệt côn trùng từ cách làm hữu cơ không cho hiệu quả ngay... Những câu hỏi ấy cùng với bài toán kinh phí để làm nông nghiệp sạch khiến ông Phú luôn trăn trở.

Ông Phú bên vườn sầu riêng chăm sóc theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: NHẬT HUY

Ông Phú bên vườn sầu riêng chăm sóc theo quy trình nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: NHẬT HUY

Hiệu quả và lan tỏa

Khu vườn của ông Phú với các loại cây chủ lực là sầu riêng, chanh dây và sachi. Không giống vườn cây của nhiều nông dân địa phương, ông Phú không sử dụng thuốc diệt cỏ, mà để cỏ mọc tự nhiên, chỉ can thiệp bằng máy cắt, vừa tận dụng được nguồn hữu cơ, đồng thời giữ ẩm cho đất trong mùa hạn. Ông Phú xác định cỏ là nơi trú ẩn cho các vi sinh vật có lợi và côn trùng thiên địch bảo vệ cây trồng.

Trong quá trình chăm sóc, ông Phú tận dụng phân bò, chất thải từ vỏ cà phê và cá tạp ủ hoai để bón cho cây thay cho phân bón hóa học. Bên cạnh đó, ông Phú sử dụng men vi sinh phòng bệnh thay vì phun các thuốc hóa học độc hại. Cách làm này bước đầu hiệu quả. Năm 2019, với chỉ 100 gốc chanh dây, ông Phú có lợi nhuận 20 triệu đồng. Với 5.000m2 cây sachi trồng từ năm 2018, ông có thu nhập 150 triệu đồng/năm. Có 2 điều khiến mô hình nông nghiệp hữu cơ của ông Phú thành công. Thứ nhất là sản phẩm của ông không dùng chất hóa học, người mua chấp nhận giá thành cao hơn so với các sản phẩm khác, nhưng cảm thấy yên tâm khi sử dụng. Thứ hai, ông Phú đã khéo léo xen cây ngắn ngày (sachi, chanh dây) với sầu riêng. Và theo nhẩm tính của ông Phú, khi cây sầu riêng đến thời điểm thu hoạch sẽ mang lợi nhuận cao bởi được áp dụng quy trình chăm sóc nông nghiệp hữu cơ.

Với vai trò đảng viên Chi bộ thôn Ea Mkeng, đại biểu HĐND xã Ea Bar nhiệm kỳ 2016-2021, ông Phú luôn vận động người dân làm nông nghiệp sạch, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức giúp người dân từng bước tiếp cận với loại hình nông nghiệp hữu cơ.

Ông Trần Đình Mậu ở thôn Ea Mkeng cho biết: “Năm 2019, được sự giúp đỡ của ông Phú, tôi bắt đầu thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ trên diện tích cây mắc ca của gia đình. Sau 1 năm, tôi nhận thấy hiệu quả của mô hình. Theo đánh giá của nhiều khách hàng, sản phẩm mắc ca sạch tốt hơn so với sản phẩm cùng loại được trồng theo cách thông thường”.

Không những với người dân trong vùng, thông qua các phương tiện thông tin và trang mạng xã hội, ông Phú còn luôn nhiệt tình chia sẻ cách làm nông nghiệp hữu cơ cho nhiều nông dân các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Phước, Cần Thơ, Quảng Trị...

Ông Nguyễn Văn Khúc, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bar, nhận xét: “Ông Trần Ngọc Phú là nông dân sản xuất tiêu biểu của địa phương. Hiện nay, trên địa bàn có khoảng 20 hộ dân từng bước áp dụng mô hình của ông Phú. Địa phương khuyến khích người dân áp dụng mô hình này để có giá trị kinh tế cao hơn và được người tiêu dùng chấp nhận”.

Ông Trần Ngọc Phú là một trong những nông dân ở Sông Hinh tiên phong sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, không dùng các sản phẩm hóa học. Hiệu quả từ mô hình thực tế của ông Phú là một kênh tuyên truyền về việc sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sạch. Tôi tin rằng, thời gian tới, nhiều người dân sẽ áp dụng trong sản xuất nông nghiệp, và đó là hướng đi bền vững.

Bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và chuyển giao công nghệ Phú Yên

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/242900/nguoi-dang-vien-tien-phong-voi-mo-hinh-nong-nghiep-sach.html