Người giữ di sản men rượu cần thơm mãi

Ché rượu cần như một phần văn hóa trong đời sống hàng ngày của người Ê Đê. Để có ché rượu ngon, đúng với truyền thống, thì phải dùng men rừng. Ở buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh), Nay Hờ Mới là người có thể làm ra loại men đó.

Sản phẩm men từ lá rừng do Nay Hờ Mới làm để ủ rượu cần. Ảnh: NHẬT HUY

Sản phẩm men từ lá rừng do Nay Hờ Mới làm để ủ rượu cần. Ảnh: NHẬT HUY

Hương thơm từ núi rừng

Những người già ở các buôn làng huyện Sông Hinh kể rằng, ngày trước muốn làm rượu cần thì phải dùng men có hương vị đặc biệt. Loại men ấy được làm từ cành cây, ngọn cỏ trên những dãy núi cao. Người Ê Đê và các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên gọi đó là men rừng. Người đi lấy nguyên liệu và thực hiện các công đoạn làm men rất công phu và kiên nhẫn. Thành phẩm là ché rượu thơm ngon. Giữa nắng gắt, chỉ cần uống một ngụm là người khỏe ra và dù uống nhiều đến mấy cũng không nhức đầu, mệt mỏi như khi uống rượu được làm từ các loại men thông thường.

Những lời giới thiệu ấy khiến chúng tôi băn khoăn là liệu có còn người làm được loại men truyền thống đó hay không. May mắn là chúng tôi gặp được Nay Hờ Mới ở buôn Lê Diêm - người được cho là “giữ hồn” men rừng truyền thống.

Người phụ nữ sinh năm 1989 này nói rằng cô học được bí quyết này từ mẹ. “Theo thời gian, mọi người thường dùng men ngoài chợ để làm rượu cần. Cách làm này nhanh, tiện lợi, nhưng rượu cần không còn giữ được hương vị thơm ngon như trước kia. Tôi muốn lưu giữ công thức làm men truyền thống để các thế hệ con cháu nhớ về những điều tự nhiên nhất, tinh khiết nhất của ché rượu cần. Đó là bản sắc của dân tộc Ê Đê”, Nay Hờ Mới tâm sự.

Nay Hờ Mới (trái) và thiếu nữ Ê Đê bên ché rượu cần. Ảnh: NHẬT HUY

Nay Hờ Mới (trái) và thiếu nữ Ê Đê bên ché rượu cần. Ảnh: NHẬT HUY

Theo Nay Hờ Mới, công thức để làm men rượu cần truyền thống gồm vỏ cây bìn lin, cây mía sẻ (mọc ở suối), lá hla lêjao (loại lá xanh người Ê Đê hay dùng để nấu canh bồi), củ riềng, ớt trái, gạo đã ngâm nước khoảng 1 giờ. Những nguyên liệu này được cho vào chiếc cối gỗ truyền thống, dùng chày lớn giã như giã gạo cho đến khi thành hỗn hợp nhuyễn như bột. Người làm men vo các cục men lớn cỡ nắm tay, rồi lăn qua lớp vỏ trấu mới và đem phơi nắng một ngày. Tiếp đó, những cục men được đưa lên gác bếp để hơi lửa, khói áp vào làm đen lớp vỏ ngoài. Cách làm này giúp men được bảo quản tốt và lâu dài.

Điều đặc biệt là trong quá trình làm men rừng, người phụ nữ phải vui vẻ, không phiền muộn lo âu, bếp và các vật dụng làm men không có hơi thịt nướng và các gia vị nấu nướng. Phải như vậy, men mới ngon và đạt yêu cầu. Không ai giải thích được lý do tại sao, nhưng theo già làng Oi Tiết, có lẽ thần linh muốn men rượu được tinh khiết nhất và người làm men rượu cần phải mang lại niềm vui cho mọi người.

“Trước đây ai cũng làm được loại men này, nhưng giờ không còn nhiều, vì làm được cục men như thế tốn công sức lắm. May mắn cho chúng tôi là Mí Ô (Nay Hờ Mới) có bí quyết và niềm đam mê lưu giữ cách làm men truyền thống của người Ê Đê”, già làng Oi Tiết cho biết.

Du khách tham dự Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê. Ảnh: T.L

Du khách tham dự Lễ cúng sức khỏe của người Ê Đê. Ảnh: T.L

Lưu giữ giá trị truyền thống

Theo anh Ksor Lêng, chuyên viên Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, Nay Hờ Mới còn trẻ nhưng có niềm đam mê làm men rừng. Nếu người trẻ nào cũng được như Nay Hờ Mới, việc lưu giữ và phát huy công thức làm men truyền thống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều.

Tại buôn Lê Diêm, hiện còn 3-4 hộ vẫn giữ được công thức làm men truyền thống. Nhưng hầu như không ai mặn mà vì việc đi lấy nguyên liệu và thực hiện các công đoạn rất mất thời gian, công sức. Vậy nên, việc làm của Nay Hờ Mới xứng đáng được biểu dương.

Ông Nguyễn Như Đông, Trưởng phòng VH-TT huyện Sông Hinh cho biết: “Hàng năm chúng tôi có kế hoạch vận động các gia đình ở buôn Lê Diêm làm khoảng 20 ché rượu từ men rừng truyền thống để phục vụ khách du lịch đến với buôn Lê Diêm, gia đình Nay Hờ Mới là một trong số đó. Thông qua việc này, chúng tôi muốn lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa của người Ê Đê trên địa bàn huyện Sông Hinh”.

Theo kế hoạch, trong năm 2023, Phòng VH-TT huyện Sông Hinh sẽ tham mưu, đề xuất UBND huyện triển khai các phương án vận động, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những gia đình như Nay Hờ Mới tiếp tục làm rượu cần bằng men truyền thống. Khi ấy, giá trị văn hóa truyền thống của người Ê Đê ở huyện Sông Hinh không những không bị mai một, mà du khách đến với Sông Hinh sẽ thưởng thức được hương vị núi rừng đậm đà bản sắc từ rượu cần.

NHẬT HUY

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/292344/nguoi-giu-di-san-men-ruou-can-thom-mai.html