Người 'giữ lửa' cho sân khấu rô băm

Biết chị đã nhiều năm nay, cũng không ít lần được thưởng thức các buổi diễn của Đoàn rô băm Bưng Chông mà chị là diễn viên chính với khả năng diễn xuất 'xuất thần' nhưng có dịp trò chuyện thân tình với chị hôm rồi thì mới là lần đầu. Hai chị em ngồi với nhau hơn nửa ngày trời mà xem ra không đủ để chị trải lòng về chuyện nghề. Chị là Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương - Trưởng Đoàn rô băm Bưng Chông tại ấp Bưng Chông, xã Tài Văn (Trần Đề) - người đang ngày đêm gìn giữ để bộ môn này không bị thất truyền.

Hiện nay, loại hình nghệ thuật sân khấu rô băm chỉ còn tập trung ở các tỉnh Kiên Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng, trong đó, Sóc Trăng có Đoàn rô băm Bưng Chông là đoàn gia đình biểu diễn bộ môn nghệ thuật này cuối cùng của cộng đồng Khmer tỉnh Sóc Trăng. Đoàn có tuổi đời trên 100 năm, đã trải qua 6 đời và nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương chính là trưởng đoàn thời điểm hiện tại.

Thế nên, từ nhỏ nghệ nhân Lâm Thị Hương đã được sống trong không gian nghệ thuật sân khấu rô băm của Đoàn rô băm Bưng Chông mà cha chị là trưởng đoàn. Chính trong môi trường đó đã tô đậm thêm tình yêu với nghệ thuật truyền thống của dân tộc và tiếp nhận một cách nhanh chóng những giá trị của bộ môn nghệ thuật này qua các bậc tiền bối, đặc biệt là từ cố nghệ nhân Trần Thị Yên. Đến năm 1969, khi mới vừa 10 tuổi, chị đã đứng trên sân khấu biểu diễn cùng với các diễn viên của đoàn. Kể từ thời điểm đó, chị được phân công và diễn được nhiều loại vai với khả năng biến hóa đa dạng theo các điệu múa sinh động, mềm mại tùy theo tuyến nhân vật và được khán giả ủng hộ nhiệt tình qua các vở diễn nội dung trích từ anh hùng ca Ấn Độ Ramayana, Preah Chinh Na Vông, Ra Ta Na Vông…

Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương (thứ hai từ trái sang).

Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương (thứ hai từ trái sang).

“Tuy là đoàn gia đình, sân khấu rất đơn giản nhưng chúng tôi được khán giả và bà con Khmer ủng hộ đông đảo qua các suất hát vì chúng tôi biểu diễn bằng cả trái tim và niềm đam mê của mình và tôn trọng khán giả. Đã đứng trên sân khấu phải diễn thực sự nhiệt tình, nghiêm túc, phục vụ hết sức, góp phần duy trì bộ môn này cho thế hệ mai sau. Vì nghệ thuật sân khấu rô băm là loại hình nghệ thuật cổ điển của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long, có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, tinh thần; là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những lễ, hội của người Khmer” - nghệ nhân Lâm Thị Hương chia sẻ.

Chính suy nghĩ này đã là hành trang để chị Hương tập luyện, biểu diễn hết mình và bước đầu tạo được dấu ấn riêng. Vào thời hoàng kim của rô băm, chị Hương cùng các diễn viên trong đoàn đi diễn khắp nơi trong và ngoài tỉnh, có khi lưu diễn ở nước ngoài để vừa phục vụ, vừa giới thiệu với bạn bè quốc tế về loại hình nghệ thuật rô băm. Cũng chính từ suy nghĩ ấy góp phần làm nên động lực để chị và mọi người trong đoàn vượt qua nhiều khó khăn để duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer qua các thời kỳ, đặc biệt kể từ khi chị giữ vai trò Trưởng Đoàn rô băm Bưng Chông vào năm 2010 thì ngoài việc tập luyện, biểu diễn, chị còn tham gia truyền nghề cho hàng chục diễn viên Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh.

Những năm sau này, khi sân khấu rô băm bắt đầu khó khăn, đặc biệt vào thời điểm hiện tại khi khán giả thưởng thức rô băm ngày càng ít đi thì việc duy trì hoạt động của đoàn ngày càng khó khăn hơn nhưng chị Hương và gia đình vẫn quyết tâm duy trì đoàn, có khi tự bỏ tiền túi hỗ trợ anh em trong đoàn, có khi nhớ nghề, mọi người tự diễn cho nhau xem để vừa rèn nghề vừa duy trì nghề.

Nghệ nhân Lâm Thị Hương tâm tình: “Gọi là “đoàn” nhưng diễn viên thường làm thuê khắp nơi, chỉ khi nào có hợp đồng biểu diễn vào các dịp lễ hội cổ truyền mới tập trung lại. Do còn hạn chế về số lượng diễn viên nên các thành viên trong gia đình chủ yếu biểu diễn các trích đoạn, phân cảnh tiêu biểu. Thời hoàng kim của rô băm đã qua, bây giờ diễn rô băm không đủ sống, ít nơi mời diễn, gia đình thường tự biểu diễn cho nhau xem. Nhờ vậy mà rô băm đã không thất truyền, lại còn đào tạo được thế hệ kế cận và các diễn viên của đoàn luôn nỗ lực gìn giữ và phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống này qua các vở diễn”.

Đến năm 2007, nghệ nhân Lâm Thị Hương cùng các diễn viên Đoàn rô băm Bưng Chông được Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chọn mời tham gia trình diễn tại lễ hội đời sống dân gian tại Hoa Kỳ. Từ giữa năm 2016, vợ chồng chị và 3 người nữa là con, cháu trong gia đình đã được Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) mời ra phục dựng lại sân khấu cổ rô băm. Đặc biệt một sự kiện trọng đại diễn ra vào tháng 5-2019 đã tạo nên động lực to lớn cho các nghệ nhân của đoàn khi “Nghệ thuật sân khấu rô băm” của người Khmer huyện Trần Đề được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chị Lâm Thị Hương bộc bạch: “Thực sự rất vui mừng và phấn khởi khi nghệ thuật rô băm của cha ông mình truyền lại được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, chúng tôi càng thêm yêu và tập luyện, biểu diễn hết mình để giữ rô băm cho thế hệ mai sau. Mong rằng sân khấu rô băm sẽ luôn được bảo tồn và phát triển”.

Trưởng Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng Thạch Chăm Rơn cho biết: “Nghệ nhân ưu tú Lâm Thị Hương sinh ra từ cái nôi nghệ thuật sân khấu rô băm của gia đình và bản thân có năng khiếu, đam mê và nhiệt huyết nên nhanh chóng lĩnh hội được các giá trị tinh túy của bộ môn nghệ thuật rô băm. Bên cạnh việc tổ chức biểu diễn để giữ cho bộ môn không mai một, còn tổ chức truyền nghề cho các thế hệ sau để tiếp nối, trong đó, có tham gia truyền nghề cho các diễn viên của Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng. Ngoài ra, các con cháu của chị hiện nay đều biết và có thể biểu diễn rô băm. Mặc dù nghệ thuật sân khấu rô băm hiện nay gặp rất nhiều khó khăn nhưng bản thân chị luôn cố gắng cùng các thành viên của Đoàn rô băm Bưng Chông duy trì và giữ gìn loại hình nghệ thuật sân khấu rô băm - loại hình nghệ thuật cổ điển của người Khmer đồng bằng sông Cửu Long”.

Tính đến nay, nghệ nhân Lâm Thị Hương đã tham gia và đạt nhiều huy chương và giải cá nhân xuất sắc tại các liên hoan truyền thống dân tộc Khmer Nam bộ, được tặng nhiều bằng khen của ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bằng khen của UBND tỉnh về việc truyền dạy nghệ thuật sân khấu rô băm Nam bộ. Đặc biệt, chị đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

DNT

Nguồn Sóc Trăng: http://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/nguoi-giu-lua-cho-san-khau-ro-bam-30012.html