Người không biết nấu ăn vật lộn khi Thượng Hải phong tỏa

Vốn quen đặt giao hàng hoặc ăn ngoài, nhiều người trẻ bối rối khi thành phố thực hiện phong tỏa, làm gián đoạn việc cung cấp thực phẩm.

Hàng triệu cư dân thành phố bắt đầu chuyển sang hình thức gom đơn mua theo nhóm để đảm bảo nhu yếu phẩm sử dụng hàng ngày.

Tuy nhiên dù có được nguyên liệu, nhiều người vẫn gặp khó: họ không biết nấu nướng. Có lẽ là lần đầu tiên trong đời, những người vốn quen sử dụng các dịch vụ giao hàng và mua sắm online tiện lợi phải vật lộn để lo liệu các bữa ăn hàng ngày.

Tờ Sixth Tone trò chuyện với 4 cư dân Thượng Hải đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thực phẩm và cả khủng hoảng cá nhân.

Yi Yu (25 tuổi, biên tập viên truyền thông)

Khu Mẫn Hàng tôi sống bị phong tỏa từ ngày 8/3 sau khi phát hiện một ca mắc bệnh. Tôi không biết nấu ăn, khu nhà bếp chỉ để đựng đồ uống. Tôi nghĩ tôi có thể gọi giao đồ ăn cả đời.

14 ngày đầu phong tỏa, tôi chỉ ăn mì ăn liền. Sau đó, chỉ cần nhìn thấy gói mì cũng khiến tôi buồn nôn. Tôi thậm chí còn trao đổi các loại mì khác nhau với hàng xóm.

 Yi Yu chật vật khi phải nấu nướng trong thời gian phong tỏa.

Yi Yu chật vật khi phải nấu nướng trong thời gian phong tỏa.

Vì chế độ ăn uống này không lành mạnh, cuối cùng, tôi quyết định phải nấu ăn. Ban đầu, tôi thậm chí không thể phân biệt các loại rau hay cách nấu chúng. Tôi học cách nấu trên các nền tảng như Xiaohongshu và Douyin, mẹ cũng gửi cho tôi các hướng dẫn nấu ăn mỗi ngày.

Lần đầu tiên chiên há cảo đông lạnh, tôi đã làm cháy nhưng không muốn lãng phí chúng. Sau đó, tôi thử xào rau nhưng cho quá nhiều muối. Tuy nhiên, tôi có thể đảm bảo chúng đã chín và tôi sẽ không chết đói.

Trong thời gian phong tỏa, mỗi ngày tôi cần dự trữ một số thứ để yên tâm và học cách nấu ăn. Chúng tôi không biết khi nào việc phong tỏa được gỡ bỏ.

Cuối năm nay tôi sẽ rời Thượng Hải. Thành phố này không cho tôi cảm giác an toàn. Tôi không muốn phải chịu những trải nghiệm tương tự nữa.

Sau đợt Covid-19 này, tôi sẽ tiếp tục cải thiện kỹ năng nấu nướng, tích trữ đồ và trồng một số loại rau ở nhà. Ta không bao giờ biết được sẽ lại bị giam ở nhà bao lâu và có thể ngày nào đó phải quay lại với việc trao đổi hàng hóa để dùng.

Sam (30 tuổi, nhân viên chính phủ)

Cuối tháng 3, khu tôi sống đã bị phong tỏa một tuần trước khi toàn thành phố tiến hành việc này. Trong vài ngày đầu, tôi ăn mọi đồ ăn vặt ở nhà còn, chẳng hạn như sữa chua. Sau 3 ngày, chúng tôi được phép đặt giao hàng.

Sau khi thông tin về đợt phong tỏa 2 được công bố, tôi đã không chuẩn bị dụng cụ nấu ăn nào. Tôi không nghĩ tình hình có thể trở nên tồi tệ đến mức tôi cần những thứ đó.

Vì vậy, tôi chỉ mua vài thứ ở cửa hàng tạp hóa địa phương như cà rốt, dưa chuột, bánh mì, sữa chua và đặt hàng trên JD.com 4 ngày trước phong tỏa, nhưng không đơn nào được giao tới.

Trong những ngày đầu, tôi ăn rau sống, sữa chua, trái cây, bánh quy và ngũ cốc. Ba ngày sau khi bắt đầu phong tỏa (ở nửa phía Tây thành phố) từ ngày 1/4, người chủ nhà lấy cho tôi một cái nồi nhỏ và dụng cụ đảo thức ăn nhưng tôi vẫn không có dầu ăn, gia vị hay loại nước sốt nào.

 Siêu thị nhanh chóng hết hàng trước sức mua, dự trữ thực phẩm của người dân. Ảnh: SCMP.

Siêu thị nhanh chóng hết hàng trước sức mua, dự trữ thực phẩm của người dân. Ảnh: SCMP.

Giờ, tôi nấu nướng nhưng rồi món ăn đều bị cháy hoặc không có vị, thật đáng buồn. Thức ăn chẳng ra làm sao. Thứ duy nhất tôi có thể sử dụng để tạo hương vị cho món ăn là bia và rượu vang đỏ.

Tôi biết nấu ăn, nhưng trong suốt 1 năm rưỡi ở Trung Quốc, tôi không nấu nướng và luôn ăn ngoài.

Đối với nhiều người, có lẽ đây là lần đầu tiên trong đời họ phải lo lắng về việc không có đủ thức ăn. Thông thường, mọi người chỉ phân vân chọn ăn gì mà thôi.

Nhưng đột nhiên, mọi thứ hoàn toàn khác, giống như là tôi luôn phải tìm cách để có được nhiều thức ăn hơn vì nó có thể hết. Mọi người không quen với kiểu căng thẳng này.

Bị phong tỏa đã căng thẳng rồi, nhưng căng thẳng về thức ăn còn tệ hơn. Tôi đã xin nghỉ làm. Tôi đang cố gắng tìm cách tốt hơn để giải quyết tình huống này cũng như không để bị căng thẳng vì công việc.

Tôi vẫn còn vài hộp ngũ cốc, hai gói mì ăn liền, một cây bắp cải, nửa củ cà rốt, một quả dưa chuột và một số loại rau, có thể đủ cho 2 ngày nữa.

Tôi đang cố gắng mua chung theo nhóm song rất khó vì tòa nhà chúng tôi chỉ có 15 người. Nếu không được, mong là ủy ban khu phố sẽ hỗ trợ chút gì đó.

Zhang Zhongyun (24 tuổi, giao dịch viên ngân hàng)

Tôi thuê một căn hộ thương mại và sống một mình. Tôi bắt đầu làm việc tại nhà vào ngày 1/4.

Chỗ tôi ở không có bếp, nên tôi nấu ăn bằng nồi điện. Tôi đã mua nó và một nồi cơm điện khi chuyển đến đây hồi đầu năm nhưng đến nay mới sử dụng. Trước đó, tôi thường gọi giao hàng hoặc ăn ở công ty.

Các món tôi nấu có hương vị trung bình và tôi cũng không có nhiều nguyên liệu. Tôi thường ăn một loại thực phẩm, ví dụ như bò viên, trong vài ngày liên tiếp. Mỗi sáng, tôi chẳng muốn rời giường vì sẽ phải nghĩ nên ăn gì.

 Phong tỏa khiến việc mua sắm thực phẩm của người dân ở Thượng Hải gặp khó. Ảnh: EPA-EFE.

Phong tỏa khiến việc mua sắm thực phẩm của người dân ở Thượng Hải gặp khó. Ảnh: EPA-EFE.

Trong thời gian phong tỏa, mọi người luôn hoảng loạn dù đã tích trữ đủ đồ ăn hay chưa. Ngay cả khi có đủ, mọi người vẫn lo lắng về thời hạn sử dụng. Khi gần hết đồ, họ lại hoang mang không biết ăn gì và làm thế nào để đảm bảo lượng thức ăn dự trữ.

Tôi có đủ thức ăn cho một tuần: vài gói sủi cảo, mì gói, bò viên và một ít rau. Tôi mua chúng nhờ đặt hàng theo nhóm. Chúng tôi chưa từng nhận được sự hỗ trợ thực phẩm từ ủy ban khu phố. Họ cho biết căn hộ thương mại không có khu vực bếp và sẽ chỉ ưu tiên những người là chủ sở hữu căn hộ.

Khi sống với hai người bạn vào năm 2020, chúng tôi thường trò chuyện vui vẻ khi cùng nấu nướng. Giờ, đây là điều bắt buộc, tôi phải nấu nếu không muốn chết đói. Tôi sẽ tiếp tục nấu ăn khi dịch bệnh được kiểm soát.

Wang Nan (30 tuổi, nhà phát triển phần mềm)

Kể từ khi phong tỏa vào ngày 1/4, trong tuần đầu tiên, tôi chỉ ăn mì gói. Tôi sắp hết 10 gói mì dự trữ nên bắt đầu phải dùng đến những nguyên liệu còn lại mà tôi có: xúc xích, gạo và một số loại rau do khu phố phân phát, có thể đủ cho một tuần.

Tôi thấy mì ăn liền ngon, tôi cũng uống một viên vitamin tổng hợp mỗi ngày để bổ sung chất.

Tôi nghĩ rằng lệnh phong tỏa sẽ được dỡ bỏ như thông báo (ngày 5/4) nên không chuẩn bị nhiều đồ. Lúc đó, tôi không quan tâm đến việc ăn gì, ít nhất là tôi không nghĩ mình sẽ chết đói.

 Wang uống thêm vitamin để bổ sung dưỡng chất khi liên tục ăn mì gói trong phong tỏa.

Wang uống thêm vitamin để bổ sung dưỡng chất khi liên tục ăn mì gói trong phong tỏa.

Bây giờ tôi bắt đầu lo lắng. Tôi tìm mọi cách để mua bất cứ thứ gì có sẵn, đề phòng việc phong tỏa kéo dài.

Lần cuối cùng tôi nấu ăn là vào năm 2015, khi làm việc ở Thâm Quyến và có một nhà bếp lớn hơn. Sau đó tôi thường nấu một hoặc hai lần/tuần.

Tuy nhiên, nấu ăn là việc rắc rối. Tôi thường phụ thuộc vào gọi giao hàng và chỉ nấu nướng khi bắt buộc.

Đối với tôi thời gian rất quý giá. Tôi thường làm việc từ 10h đến 19h, làm thêm đến khoảng 21h một hoặc 2 lần/tuần. Tôi thà dành thời gian giải quyết các vấn đề trong công việc hơn là nấu ăn.

Việc phong tỏa đã nhắc nhở tôi về tầm quan trọng của việc dự trữ thêm vài thùng mì ăn liền cho những trường hợp khẩn cấp. Còn bây giờ, tôi chỉ cần sống sót trước đã.

Mai An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nguoi-khong-biet-nau-an-vat-lon-khi-thuong-hai-phong-toa-post1309608.html