Người lao động ngoài trời căng mình trước nắng nóng

Thời tiết khu vực tỉnh Hòa Bình thời gian qua diễn biến cực đoan, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống, sức khỏe của người dân, nhất là những người phải làm việc trực tiếp ngoài trời.

Thời tiết khu vực tỉnh Hòa Bình thời gian qua diễn biến cực đoan, nắng nóng kéo dài, độ ẩm thấp, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và đời sống, sức khỏe của người dân, nhất là những người phải làm việc trực tiếp ngoài trời.

Người lao động xây nhà ở phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình dưới thời tiết nắng nóng.

Người lao động xây nhà ở phường Tân Thịnh, thành phố Hòa Bình dưới thời tiết nắng nóng.

Hòa Bình luôn nằm tâm "báo đỏ” trong các bản tin dự báo thời tiết. Nếu như thành phố Hà Nội nhiệt độ khoảng 37 độ C thì thành phố Hòa Bình và một số huyện như Kim Bôi, Tân Lạc… thường cao hơn 0,5 - 1 độ C. Từ cuối tháng 4 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra những đợt nắng nóng gay gắt, có những thời điểm hơn 40 độ C; không khí ngoài trời nóng nực gây tức ngực, khó thở và những ngày gần đây tiết trời oi nóng, khó chịu.

Tuy nhiên, những người lao động như bán hàng, thợ xây, lao công, vận chuyển bưu phẩm, hàng hóa… vẫn phải căng mình chịu đựng vì mưu sinh. Đội thợ xây của anh Bùi Văn Thích có khoảng 6 người, nhà ở xóm Rãnh, Toàn Sơn, huyện Đà Bắc thường xuyên làm việc xây dựng ở thành phố Hòa Bình. Công việc phụ vữa, vác gạch, đảo hồ, xây nhà những ngày oi nóng cao điểm cuối tháng 5 hết sức vất vả; đã có người không chịu nổi thời tiết nóng hầm hập phải nghỉ luân phiên. Anh Thích cho biết: Nhận công trình phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, chủ nhà thường xuyên giục nên chúng tôi phải dậy từ rất sớm ăn nhanh bữa sáng, đi ra thành phố làm việc. Đến 11 giờ, khi mặt trời lên cao là phải nghỉ và tới khoảng 14 giờ 30 phút mới có thể làm tiếp được. Nhiệt độ ngoài trời rất cao, không có gió, chỉ ngồi mồ hôi cũng ướt sũng áo quần, trong khi đó chúng tôi nhiều lúc phải leo cao đặt phào, trát tường, cứ làm được nửa tiếng là phải nghỉ.

Thời tiết nóng bức khiến cuộc sống của người lao động thêm vất vả, nhất là những người làm xây dựng. Dọc các công trường đầy nắng và bụi, nhiều người mồ hôi nhễ nhại vẫn làm việc dưới trời nắng gắt. Cứ khoảng 30 phút, những công nhân lại dừng tay, uống cốc nước mát. Dù rất mệt nhưng họ vẫn phải nỗ lực thi công để kịp hoàn thiện dự án đúng thời hạn và có tiền để lo cho gia đình. Vất vả dầm mình trong nắng nóng, mặt mũi ai cũng đen như thợ than. Bây giờ các chủ nhà thường khoán theo khối lượng, không làm thì không có tiền chi tiêu.

Bà Hiền năm nay đã hơn 60 tuổi, làm nghề bán nước mấy chục năm ở khu vực Cung văn hóa tỉnh than thở: Năm nay thời tiết cực đoan. Chỗ bán nước có bóng cây sấu, tôi luôn phải che ánh nắng gắt của mặt trời chĩa thẳng vào khách. Hơi nóng từ mặt đường bê tông thốc vào mặt nên trong những nắng nóng oi ả khách cũng rất thưa thớt. Mấy hôm nay, trời nắng đến hoa mắt, chóng mặt, nhiều khi chỉ muốn ở nhà nhưng còn bao nhiêu thứ phải lo nên đành cố gắng.

Anh Nguyễn Văn Ngôn, nhân việc đào vỉa hè, lát gạch tại tuyến phố của thành phố Hòa Bình chia sẻ: Nhận được việc làm trong lúc khó khăn đã là rất quý, nghề xây dựng vất vả nhưng cũng phải quen. Mỗi người một nghề, nắng nóng cũng phải chịu, cố gắng giữ sức khỏe để mưu sinh. Nếu thời tiết nắng nóng quá nên điều chỉnh thời gian làm việc như làm sớm hơn trong buổi sáng và nghỉ muộn hơn về chiều.

Ở thành phố Hòa Bình nhiều người đang phải căng mình chịu nắng nóng trực tiếp lao động ở ngoài trời. Họ mong thời tiết sẽ mát dịu hơn để công việc mưu sinh bớt nhọc nhằn.

Theo Đài Khí thượng thủy văn Hòa Bình, những ngày tới tiếp tục xuất hiện nắng nóng, nhiệt độ trung bình khoảng 38 độ C, độ ẩm không khí thấp, mức độ rủi ro thiên tai cấp I; khả năng sẽ có một vài cơn mưa rào nhưng sau đó nắng nóng trở lại. Vì vậy, những người lao động ngoài trời được khuyến cáo trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, mũ, nón, khẩu trang. Không nên làm việc liên tục quá lâu ngoài trời nắng, cung cấp lượng nước cho cơ thể thường xuyên hơn.

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/219/189892/nguoi-lao-dong-ngoai-troi-cang-minh-truoc-nang-nong.htm