Người mua đất sau cùng vướng vào vụ kiện nhì nhằng, vì sao?

Một người ở Đắk Lắk bị kiện vì mua phải thửa đất đã bán một phần từ nhiều năm trước.

TAND tỉnh Đắk Lắk chuẩn bị xử sơ thẩm vụ án dân sự tranh chấp đất đai giữa nguyên đơn là bà Trịnh Thị Hà, bị đơn là ông Trịnh Ngọc Lâm (cùng ngụ TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Vụ án đã được tòa án các cấp xét xử nhiều lần. Gần nhất, TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy các bản án trước đó; giao TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử lại từ đầu.

Bán đất nhưng không tách thửa

Theo hồ sơ, bà Trịnh Thị Oanh có thửa đất nông nghiệp rộng hơn 2.000 m2 tại phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột.

Năm 2013, bà Oanh chuyển nhượng 125 m2 đất nông nghiệp của mình cho bà Trịnh Thị Hà. Hai bên làm hợp đồng bằng giấy viết tay, không công chứng, chứng thực.

 Ông Lâm mua đất nhưng chưa thể dựng nhà vì vướng tranh chấp. Ảnh: T.T

Ông Lâm mua đất nhưng chưa thể dựng nhà vì vướng tranh chấp. Ảnh: T.T

Các bên cũng chưa làm thủ tục sang tên, tách thửa do thời điểm giao dịch, quy định diện tích đất nông nghiệp được tách thửa tối thiểu là 500 m2. Mua đất xong, bà Hà xây nhà, giao cho con trai sử dụng.

Năm 2017, bà Oanh tách thửa đất tại tờ bản đồ số 47 thành ba thửa đất khác nhau. Trong đó, phần đất 125 m2 bà Hà đã mua nằm trong thửa đất số 392 có diện tích gần 900 m2 mà bà Oanh vừa tách thửa.

Cùng năm đó, bà Oanh thỏa thuận, bán toàn bộ diện tích thửa đất số 392 cho ông Trịnh Ngọc Lâm với giá gần 2 tỉ đồng.

Việc bà Oanh sang nhượng thửa đất số 392 cho ông Lâm đã bao trùm lên diện tích 125 m2 mà bà Hà đã mua trước đó.

Tháng 10-2017, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng) cho ông Lâm đối với thửa đất số 392.

Sau khi nhận chuyển nhượng đất, ông Lâm thế chấp sổ hồng vào ngân hàng để vay vốn kinh doanh.

Phát hiện sự việc, bà Hà khởi kiện, yêu cầu tòa tuyên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa bà Oanh và ông Lâm vô hiệu; yêu cầu hủy sổ hồng đã cấp cho ông Lâm; công nhận hợp đồng mua bán đất giữa bà Oanh và bà Hà.

Nhiều cấp xử, kết quả trái ngược trái nhau

Năm 2021, TAND tỉnh Đắk Lắk xử sơ thẩm, chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, công nhận hợp đồng mua bán đất (viết tay) giữa bà Oanh và bà Hà.

Tòa cũng tuyên vô hiệu một phần đối với hợp đồng chuyển nhượng thửa đất số 392 giữa ông Lâm và bà Oanh (đã được công chứng) vào năm 2017; tuyên hủy sổ hồng mà Sở TN&MT cấp cho ông Lâm đối với thửa đất số 392.

Sau đó, ông Lâm, Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk kháng cáo bản án trên.

Xử phúc thẩm năm 2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng chấp nhận kháng cáo của ông Lâm, bác đơn khởi kiện của bà Hà.

Tòa cấp phúc thẩm công nhận hợp đồng mua bán đất giữa ông Lâm và bà Oanh là hợp pháp; tuyên hợp đồng mua bán đất giữa bà Oanh và bà Hà vô hiệu.

Bà Hà đề nghị TAND Tối cao xem xét giám đốc thẩm. Năm 2023, TAND Tối cao có quyết định giám đốc thẩm, tuyên hủy cả hai bản án trước đó. TAND Tối cao giao TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm.

Việc bà Oanh lập hợp đồng, sang nhượng toàn bộ diện tích tại thửa đất số 392 cho ông Lâm bao trùm cả diện tích đất đã bán cho bà Hà từ năm 2013, kéo theo hàng loạt hệ lụy.

 Ông Lâm cho rằng ông không biết căn nhà của bà Hà nằm trong thửa đất mà ông mua. Ảnh: T.T

Ông Lâm cho rằng ông không biết căn nhà của bà Hà nằm trong thửa đất mà ông mua. Ảnh: T.T

Theo ông Lâm, khi mua đất, ông đã thấy căn nhà của gia đình bà Hà. Tuy nhiên, ông không hề biết căn nhà đó nằm trong thửa đất số 392.

Ông Lâm cho rằng ông mua đất ngay tình, đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan và được cấp sổ hồng. Tuy nhiên, vì vướng tranh chấp đất nên ông không thể xây nhà, hiện vẫn phải đi ở trọ và phải liên tục hầu tòa.

"Tôi mua đất đầy đủ giấy tờ, được pháp luật công nhận nhưng bị kiện lên bờ xuống ruộng. Tôi hoàn toàn không biết thửa đất của bà Hà nằm trong thửa đất số 392. Nếu tôi biết trước thì tôi đã không mua hoặc mua với giá khác”- ông Lâm nói.

Lỗi do người bán đất ?

Tại các phiên tòa, đại diện Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết thửa đất của bà Oanh đã được cấp sổ hồng lần đầu năm 2011.

Năm 2017, khi làm thủ tục tách thửa, bà Oanh cung cấp thông tin không đầy đủ, như việc trước đó bà Oanh đã chuyển nhượng một phần đất cho bà Hà; bà Oanh cũng không yêu cầu đo vẽ lại thửa đất.

Vì vậy, cơ quan cấp giấy không biết trên đất cấp sổ hồng cho ông Lâm đã có sẵn căn nhà của bà Hà. Do đó, lỗi dẫn đến tranh chấp chủ yếu do bà Oanh.

Đại diện Sở TN&MT cho rằng việc cấp sổ hồng cho ông Lâm đối với thửa đất 392 được thực hiện đúng quy định.

Tại phiên tòa phúc thẩm năm 2022, TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cũng nhận định lỗi dẫn đến hợp đồng dân sự giữa bà Oanh và bà Hà vô hiệu thuộc về bà Oanh.

Về phần mình, bà Oanh khai trước tòa rằng khi bán đất đã nói rõ với ông Lâm là chỉ bán phần đất trống, giáp ranh với nhà bà Hà. Ngoài ra, trong hợp đồng nhận cọc đã ghi rõ phần đất bà bán cho ông Lâm giáp ranh với nhà bà Hà. Do đó, bà Oanh đề nghị tòa chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hà.

TIẾN THOẠI

Nguồn PLO: https://plo.vn/nguoi-mua-dat-sau-cung-vuong-vao-vu-kien-nhi-nhang-vi-sao-post792188.html