Người nuôi tôm bước vào vụ mới

Khắc phục những thiệt hại nặng nề do mưa lũ cuối năm 2020 gây ra, những ngày này, tranh thủ thời tiết thuận lợi, người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đang khẩn trương khôi phục cơ sở hạ tầng, tập trung cải tạo ao hồ, tu sửa máy móc, trang thiết bị nuôi tôm và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để chuẩn bị xuống giống cho vụ nuôi tôm mới.

 Huy động cơ giới để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao nuôi tôm - Ảnh: T.Q

Huy động cơ giới để đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao nuôi tôm - Ảnh: T.Q

Gắn bó với con tôm hơn 20 năm, ông Trần Văn Thu là một trong những hộ có diện tích nuôi tôm lớn nhất xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh. Để chuẩn bị tốt cho vụ nuôi tôm mới, từ đầu năm 2021, ông Thu đã tập trung gia cố hệ thống đê bao bị hư hỏng; nạo vét, rải vôi diệt khuẩn và phơi khô đáy toàn bộ gần 5 ha ao nuôi của mình. Ông Thu cho biết, đến thời điểm này, việc cải tạo ao nuôi đã cơ bản hoàn thành. Hiện các ao nuôi đang tập trung lấy nước và xử lý các yếu tố môi trường theo đúng yêu cầu kỹ thuật. Dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4/2021 sẽ tiến hành thả giống. “Khâu cải tạo ao nuôi tôm có ý nghĩa quyết định đến năng suất và hạn chế tối đa dịch bệnh có thể phát sinh. Do vậy, hằng năm trước khi thả giống, tôi chuẩn bị rất cẩn thận. Hy vọng vụ tôm này sẽ thu được kết quả như mong muốn”, ông Thu chia sẻ.

Trao đổi với chúng tôi khi đang chỉ đạo nhân công tu sửa hệ thống ao nuôi của mình, ông Trần Hữu Luận ở xã Vĩnh Sơn cho biết, các đợt mưa lũ cuối năm 2020 vừa qua không chỉ cuốn trôi gần 8 tấn tôm nuôi chuẩn bị đến kỳ thu hoạch mà còn làm toàn bộ 4 ao nuôi rộng hơn 1,2 ha của gia đình ông xói lở, bồi lấp nghiêm trọng. Do vậy, bước vào vụ nuôi tôm năm nay, các công đoạn chuẩn bị ao nuôi của ông phải thực hiện kỹ càng hơn. Theo đó, để kịp thả giống theo đúng thời vụ, từ cuối tháng 2/2021 đến nay, ông Luận đã thuê máy tu sửa lại hệ thống đê bao, nạo vét bùn đất bồi lấp trong ao; phơi khô đáy sau đó dùng vôi bột rải đều để tiêu diệt mầm bệnh và trung hòa độ pH. Đồng thời liên hệ với các công ty sản xuất tôm giống có uy tín ở Ninh Thuận, Bình Thuận để đặt hàng trước. “Do đây là vụ nuôi chính trong năm nên hộ nào cũng cải tạo ao nuôi cẩn thận để đảm bảo vụ nuôi thắng lợi. Bên cạnh đó, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh và huyện đã thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thảo… nên đã giúp người nuôi tôm nâng cao nhận thức, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, đặc biệt là các kỹ thuật mới, công nghệ cao, nhờ đó tôm ít dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng. Đặc biệt tôi nhận thấy, lịch thời vụ thả nuôi tôm mà ngành nông nghiệp khuyến cáo đến hộ dân rất phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương”, ông Luận nói.

Theo kế hoạch, vụ nuôi tôm năm 2021, xã Vĩnh Sơn dự kiến thả nuôi 169 ha, tập trung ở các thôn Tiên An, Phan Hiền, Huỳnh Thượng, Huỳnh Hạ. Khắc phục những thiệt hại do mưa lũ cuối năm 2020, phấn đấu đạt năng suất cao, ngay từ đầu năm 2021, UBND xã đã tập trung vận động người nuôi tôm nạo vét, tu sửa, cải tạo ao nuôi, bảo đảm các yếu tố môi trường phù hợp; chọn mua tôm giống của các cơ sở sản xuất có uy tín, có chứng nhận kiểm dịch; chăm sóc tôm đúng theo hướng dẫn kỹ thuật. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Thân Trọng Dũng thông tin, đến thời điểm này, đa số hộ nuôi trên địa bàn xã đã triển khai cải tạo ao hồ. Hệ thống kênh mương cũng được nạo vét tạo sự thông thoáng, lưu thông nguồn nước nhằm phục vụ sản xuất. Một số hộ nuôi sau khi hoàn thành việc cải tạo ao nuôi đã tiến hành bơm nước và xử lý theo hướng dẫn. Để hỗ trợ người nuôi tôm, UBND xã đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi theo hướng bền vững; quy trình nuôi tôm 2 giai đoạn, 3 giai đoạn; phương pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm. Đồng thời, tổ chức họp các tổ nuôi tôm cộng đồng để thống nhất quy chế của vụ nuôi đúng thời gian, tuân thủ quy chế cộng đồng. Khuyến cáo áp dụng quy trình nuôi tôm ít thay nước, chỉ cấp nước một lần vào đầu vụ nuôi, còn trong quá trình nuôi chỉ cấp thêm nước ngọt từ giếng khoan để hạn chế mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào ao nuôi. “Quan điểm của UBND xã là nuôi một vụ ăn chắc với đối tượng nuôi chủ lực là tôm sú trong vụ nuôi tôm chính. Đối với nuôi vụ 2 chỉ nên thả nuôi đối với những hộ có tiềm lực tài chính, kỹ thuật, ao hồ đảm bảo, đối tượng nuôi trong vụ trái ngoài tôm sú và tôm thẻ chân trắng có thể nuôi xen ghép thêm cua, cá đối… ”, ông Dũng cho biết thêm.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Văn Huân, trên cơ sở tình hình nuôi trồng thủy sản tại các địa phương, nhằm giúp người nuôi tôm chủ động trong sản xuất đảm bảo hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, ngay từ đầu năm 2021, sở đã ban hành khung lịch thời vụ thả giống nuôi tôm và thông báo đến tận người nuôi. Theo đó, tại các vùng nuôi ven sông chỉ nên nuôi 1 vụ trong năm đối với tôm sú; thời gian thả giống từ sau ngày 15/4/2021 đến trước ngày 30/6/2021; mật độ thả nuôi từ 10 - 30 con/m2 tùy theo cơ sở hạ tầng và trình độ của người nuôi; riêng đối với những vùng nuôi thấp triều không cải tạo được đáy ao và vùng nuôi thường xuyên xảy ra dịch bệnh thì chỉ thả nuôi với mật độ từ 1 - 10 con/m2 , kết hợp nuôi xen ghép các đối tượng như cá đối, cá dìa, cua nhằm phát huy hiệu quả trên một đơn vị diện tích mặt nước. Đối với tôm thẻ chân trắng có thể thả nuôi từ 1 - 2 vụ trong năm; thời gian thả giống từ sau ngày 15/3/2021 và kết thúc trước 31/10/2021; mật độ nuôi từ 20 - 100 con/m2 đối với vùng nuôi ven sông và 100 - 300 con/m2 đối với vùng nuôi trên cát. Riêng với các cơ sở nuôi tôm trong hệ thống ao/bể nuôi có mái che; có điều kiện cơ sở hạ tầng đảm bảo ít chịu ảnh hưởng của thời tiết; chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường; chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh có thể thả giống quanh năm với mật độ nuôi từ 200 - 500 con/m2 . Đồng thời, khuyến cáo người nuôi hoặc vùng nuôi cần liên kết với các cơ sở sản xuất giống có uy tín để có con giống chất lượng tốt phục vụ sản xuất; lấy mẫu tôm giống để xét nghiệm, kiểm tra các mầm bệnh nguy hiểm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT trước lúc thả nuôi. Tăng cường thực hiện ương dưỡng 2 - 3 giai đoạn và thả giống cỡ lớn để nuôi thương phẩm; khuyến khích các cơ sở nuôi tôm áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Không sử dụng các loại thuốc, hóa chất, kháng sinh bị cấm theo quy định hoặc không rõ nguồn gốc, chưa có giấy phép lưu hành.

Ông Huân cho biết thêm, ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và thông báo rộng rãi đến người nuôi để chủ động việc chọn thời điểm lấy nước, thả giống phù hợp. Đẩy mạnh công tác quản lý vật tư thủy sản nhằm hạn chế tình trạng thuốc, hóa chất giả, kém chất lượng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tập trung tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật; nhân rộng các mô hình nuôi tôm hiệu quả như mô hình 2 giai đoạn, 3 giai đoạn ứng dụng công nghệ biofloc, ứng dụng chế phẩm sinh học… Tăng cường công tác quản lý vùng nuôi theo quy định của Luật Thủy sản; khuyến cáo hộ nuôi mua giống phải qua kiểm dịch. “Qua kiểm tra tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong có thể thấy đa số hộ nuôi tôm đều tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; việc cải tạo ao hồ được thực hiện chu đáo, cẩn thận để diệt mầm bệnh. Đối với các diện tích ao nuôi bị bồi lấp, người nuôi đã tổ chức nạo vét… Quan tâm đến việc mua tôm giống có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng và được kiểm dịch đầy đủ. Đây là tiền đề để người nuôi tôm trong tỉnh chủ động, tự tin bước vào vụ nuôi tôm mới”, ông Huân đánh giá.

Thục Quyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155985&title=nguoi-nuoi-tom-buoc-vao-vu-moi