Người phụ nữ Cơ tu 3 lần được gặp Bác Hồ

Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, song những lần được gặp Bác Hồ vẫn còn in đậm trong ký ức của bà Coor Lắc, một người Cơ tu ở huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam, tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Sắp đến kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), chúng tôi ngược đường lên thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, tìm về nhà bà Coor Lắc ở thôn Dung. Khi chúng tôi đến, người đàn bà tuổi đã 68 này đang sửa soạn bàn thờ Bác Hồ.

Sau khi thắp hương tưởng niệm Bác, bà mời chúng tôi ngồi uống nước và nói rằng, bà làm bàn thờ Bác Hồ từ lâu lắm rồi. Cứ mỗi dịp lễ, Tết, hay kỷ niệm ngày sinh của Bác bà đều thắp nhang tưởng nhớ Bác. “Tôi rất may mắn vì trong đời mình đã có 3 lần được gặp Bác. Dù đã nhiều năm trôi qua, song những kỷ niệm về Bác luôn ở trong trái tim tôi”, bà Lắc tâm sự.

 Bà Coor Lắc thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ.

Bà Coor Lắc thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ.

Theo lời bà Lắc, trong kháng chiến, bố của bà là cán bộ cách mạng hoạt động tại địa phương; mẹ mất sớm nên năm 1960, bà được chọn để cùng một số học sinh khác ở huyện Nam Giang ra miền Bắc học tập tại Trường Dân tộc Trung ương đóng ở Mễ Trì, Hà Nội.

Đây là ngôi trường dành cho các học sinh người đồng bào thiểu số ở miền Nam trên đất Bắc. Lớp học của bà Lắc lúc bấy giờ có 48 học sinh nữ đều là người đồng bào thiểu số đến từ nhiều tỉnh, thành ở khu vực miền Trung, phía Nam và Tây Nguyên.

Lần đầu tiên bà Lắc được gặp Bác Hồ vào dịp Quốc khánh 2/9/1962. Năm ấy, bà Lắc là một trong số ít học sinh đồng bào thiểu số miền Nam có thành tích học tập xuất sắc nên được nhà trường chọn qua Phủ Chủ tịch ở Ba Đình, Hà Nội để tặng hoa Bác Hồ.

“Sau khi tôi tặng hoa cho Bác, Bác đã ôm hôn tôi rất trìu mến. Bác bảo chúng tôi rằng các cháu là những “hạt giống đỏ” của các dân tộc miền Nam nên phải cố gắng học tập tốt để sau này giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc thì trở về miền Nam cùng chung tay xây dựng lại quê hương. Thái độ ân cần, trìu mến của Bác đã khiến chúng tôi rất xúc động. Ai nấy cũng òa khóc. Tôi nhớ rất rõ khi đó, Bác mặc bộ đồ kaki, áo nâu túi vải, mang dép cao su trông rất giản dị”, bà Lắc xúc động nhớ lại.

Sau đó, vào năm 1963, khi Bác đến thăm Trường Dân tộc Trung ương, bà Lắc lại có cơ hội được gặp Bác lần nữa. Đi kiểm tra trường lớp, nơi ăn ở, sinh hoạt của học sinh, với thái độ ân cần, Bác hỏi thăm các học sinh tại trường.

Và, khi được biết chế độ ăn của học sinh mỗi tháng 13kg gạo, Bác đã yêu cầu lãnh đạo nhà trường nâng suất ăn cho học sinh lên mỗi tháng 18kg gạo để học sinh ăn uống đủ no và đảm bảo sức khỏe hơn. Tiếp đó, năm 1964, Bác đã trở lại thăm Trường Dân tộc Trung ương lần nữa. Đó là lần thứ ba bà Lắc có dịp được gặp Bác Hồ.

“Mỗi lần Bác đến trường, học sinh chúng tôi đều chạy ùa đến bên Bác, nghe rõ từng lời Bác động viên phải luôn học tập tốt, trở thành cháu ngoan, trò giỏi”, bà Lắc nhớ lại.

Để không phụ lòng mong mỏi, động viên của Bác và sự giúp đỡ tận tình của các thầy cô giáo, bà Lắc đã nỗ lực để học tập tốt và trở thành sinh viên của Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên khóa 1972-1976. Sau khi hoàn thành chương trình đại học, bà trở lại Hà Nội để tham gia khóa đào tạo sau đại học tại Trường Đại học Sư phạm 1 đến năm 1979 thì hoàn thành khóa học.

Tháng 8/1979, bà được phân công về giảng dạy môn Hóa học tại Trường Đại học Sư phạm Tây Nguyên, đóng tại TP Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Đến cuối năm 1980, vì nhớ gia đình, nhớ quê hương, bà đã có nguyện vọng xin về lại huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam và đã được lãnh đạo chấp nhận cho chuyển công tác về Trường Phổ thông nội trú huyện Nam Giang, lúc bấy giờ trường dạy cho học sinh từ lớp 1-9. Đến năm 2000, bà Lắc được chuyển về làm Hiệu trưởng Trường cấp 2-3 Thạnh Mỹ.

Năm học 2003-2004, Trường cấp 2-3 Thạnh Mỹ được chia tách thành Trường THPT Nam Giang và Trường THCS Thạnh Mỹ, bà Lắc được phân công làm Hiệu trưởng Trường THPT Nam Giang đến năm 2007 thì nghỉ hưu.

Dù ở bất kỳ đâu, với cương vị công tác nào, bà Lắc vẫn luôn nỗ lực để xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, luôn làm theo những lời căn dặn, dạy bảo của Bác. “Sau khi nghỉ hưu năm 2007, tôi được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Dung, thị trấn Thạnh Mỹ mãi đến năm 2014 thì tôi xin nghỉ vì lý do sức khỏe. Nhưng nghỉ được 2 năm, năm 2016, lãnh đạo huyện lại vận động tôi ra làm Phó Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện và tôi đã đồng ý làm cho đến bây giờ”, bà Lắc nói.

Không chỉ bản thân luôn học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương, đạo đức của Bác, bà Lắc còn dạy bảo con cháu mình phải luôn là “con ngoan, trò giỏi”, xứng đáng cháu ngoan Bác Hồ. Thấu hiểu sự dạy bảo của bà Lắc, 2 người con đầu của bà đến nay đã trưởng thành và cũng theo sự nghiệp “trồng người” của mẹ, trở thành những thầy cô giáo mẫn cán, ngày ngày “gieo chữ” nơi vùng cao Nam Giang.

Ngọc Thi

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/nguoi-phu-nu-co-tu-3-lan-duoc-gap-bac-ho-594772/