Người tâm huyết gìn giữ nghệ thuật chèo ở huyện Yên Thủy

Sinh ra và trưởng thành ở xóm Liêu, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy - làng quê giàu truyền thống văn hóa, ngay từ khi còn nhỏ ông Quách Công Sơn được đắm chìm trong những làn điệu hát chèo. Chính vì thế, dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả, nhưng ông Sơn nhận thức được cần phải gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của quê hương. Niềm say mê những làn điệu dân gian cứ lớn dần trong tâm hồn ông.

Sinh ra và trưởng thành ở xóm Liêu, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thủy - làng quê giàu truyền thống văn hóa, ngay từ khi còn nhỏ ông Quách Công Sơn được đắm chìm trong những làn điệu hát chèo. Chính vì thế, dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả, nhưng ông Sơn nhận thức được cần phải gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của quê hương. Niềm say mê những làn điệu dân gian cứ lớn dần trong tâm hồn ông.

Ông Quách Công Sơn hướng dẫn thành viên Câu lạc bộ chèo Ngọc Lương (Yên Thủy) tập luyện.

Ông Quách Công Sơn hướng dẫn thành viên Câu lạc bộ chèo Ngọc Lương (Yên Thủy) tập luyện.

Được du nhập vào địa bàn từ thập niên 70 của thế kỷ trước, làn điệu chèo đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của nhân dân huyện Yên Thủy. Để gìn giữ và phát triển nghệ thuật chèo tại địa phương, ông Sơn tìm đến các cao niên trong làng, trong xã để khôi phục lại và thành lập "Câu lạc bộ chèo Ngọc Lương”, thành viên không chỉ là người trong xã, các xã trong huyện mà còn ở ngoài tỉnh. Ông ghi chép từng điệu chèo cổ cho thành viên câu lạc bộ luyện tập. Ngoài ra, ông tích cực sáng tác, cải biên, đạo diễn các vở chèo để tham dự các hội thi, liên hoan cấp huyện, cấp tỉnh.

Ông Quách Công Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ chèo Ngọc Lương chia sẻ: "Tôi thường xuyên được chính quyền mời làm đạo diễn cho các tiết mục chèo để tham gia hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh. Lần nào chúng tôi cũng có giải mang về. Câu lạc bộ chèo Ngọc Lương còn được đi biểu diễn ở Trung ương. Điều này cho thấy chất lượng hoạt động của câu lạc bộ ngày càng được nâng lên, dành được sự yêu mến của khán giả”.

Những ngày đầu thành lập câu lạc bộ với muôn vàn khó khăn. Ông Sơn đã phải đi khắp nơi trong xã, trong huyện, thậm chí ngoài tỉnh để vận động hạt nhân tham gia câu lạc bộ. Người biết hát chèo lúc đó không nhiều, người biết chơi nhạc cụ dân tộc lại càng ít. Sau khi đã tập hợp đủ một đội, có thể tập luyện được vở chèo thì câu lạc bộ lại gặp khó khăn do không có địa điểm tập luyện. Ông Sơn bàn với gia đình xây dựng, cải tạo nhà ở của mình thành một không gian văn hóa, không chỉ là nơi tập luyện của câu lạc bộ mà còn là nơi thường xuyên diễn ra các buổi giao lưu văn nghệ dân gian do câu lạc bộ chèo tổ chức.

Gặp ông Đặng Duy Thiện, xã Yên Trị (Yên Thủy), thành viên câu lạc bộ chèo Ngọc Lương chia sẻ: "Với niềm đam mê chèo cộng với sự nhiệt tình của Chủ nhiệm câu lạc bộ Quách Công Sơn đã thuyết phục, động viên chúng tôi tham gia câu lạc bộ. Chúng tôi đã tham gia câu lạc bộ được gần 5 năm. Mong rằng ông Sơn tiếp tục phát huy lòng yêu mến chèo hơn nữa, phát triển Câu lạc bộ chèo Ngọc Lương ngày càng lớn mạnh”.

Hơn 20 năm làm công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” là khoảng thời gian dài ông Sơn dồn hết tâm huyết cho nghệ thuật chèo. Thế nên tiếng tăm của Câu lạc bộ chèo Ngọc Lương không chỉ giới hạn trong huyện, trong tỉnh, mà đã được đi biểu diễn ở Trung ương. Nhờ duy trì lâu năm cùng sự nhiệt tình của các thành viên câu lạc bộ cũng như cá nhân ông Sơn, tiếng hát của câu lạc bộ chèo ngày càng bay cao, bay xa.

Tất cả những gì ông Quách Công Sơn làm để gìn giữ làn điệu chèo đều là tự nguyện. Ông có quyền tự hào là người đã có công gìn giữ, phát triển nghệ thuật chèo ở huyện Yên Thủy. Hiện nay, mong ước lớn nhất của ông là các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ để tiếp tục duy trì được Câu lạc bộ chèo Ngọc Lương, phát triển được nghệ thuật chèo, để điệu chèo sống mãi trong lòng nhân dân.

Nguyễn Thúy

(Trung tâm VH-TT&TT huyện Yên Thủy)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/184591/nguoi-tam-huyet-gin-giu-nghe-thuat-cheo-o-huyen-yen-thuy.htm