Người thầy đặc biệt của những đứa trẻ đặc biệt
Có nhiều giáo viên đã từng tâm sự với chúng tôi rằng: 'Nghề giáo là một một nghề đặc biệt, bởi nó không còn là nghề mà thật sự là trách nhiệm, là sứ mệnh'. Sứ mệnh ở đây không chỉ vun trồng, chăm sóc cho những chồi xanh, giáo dục những đứa trẻ nên người mà đôi khi gặp phải những chồi xanh khiếm khuyết, bằng tình yêu thương, các thầy, cô giáo càng tâm huyết giúp đỡ các em nên người.

Các giáo viên đều được tập huấn tốt kỹ năng nuôi dạy trẻ tự kỷ
Những chồi xanh khiếm khuyết ở đây chỉ những đứa trẻ không may mắc phải các chứng rối loạn ngôn ngữ, biểu hiện của trẻ tự kỷ, phổ tự kỷ. Theo cô Nguyễn Thị Ngọc Diễm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Tâm (Phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên, An Giang), những trẻ mắc phải chứng tự kỷ thường không biết nói chuyện, không biết cách bộc lộ cảm xúc đúng cách, thích làm theo ý muốn riêng, như: không ăn, không ngủ, không ngồi yên học cùng bạn bè mà chỉ thích chạy, nhảy, leo trèo, khám phá đồ vật liên tục, thích chọc phá bạn… Do vậy, nếu giáo viên không biết tình trạng bé và có cách cư xử phù hợp thì sẽ gặp khó trong việc nuôi, dạy trẻ so các trẻ bình thường.
Là giáo viên có kinh nghiệm hơn 5 năm nuôi dạy trẻ tự kỷ, cô Diễm cho rằng mình có cái duyên với các em. Khi phụ huynh đưa đến trường và cho hay tình trạng bé, cô không nỡ chối từ mà càng thương các em. Dẫu biết rằng giữ một đứa trẻ khiếm khuyết sẽ vất vả hơn trẻ bình thường rất nhiều lần, nhưng cô Diễm vẫn luôn tâm huyết và tự đặt ra câu hỏi: “Nếu mình không nhận các bé thì tương lai các bé sẽ đi về đâu, làm cách nào để các bé hòa nhập vào môi trường giáo dục bình thường?”.
Thế là cô bắt đầu tìm hiểu và làm bạn cùng các bé. Cô luôn tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến trẻ như: rối loạn ngôn ngữ là do bẩm sinh, do tổn thương tâm lý khi sống trong gia đình không hạnh phúc, thiếu sự yêu thương của cha mẹ hay đến từ những phương tiện truyền thông khi trẻ tiếp xúc quá sớm. Cô luôn chìu theo ý thích của các bé, rồi từ từ tác động hàng trăm lần, dạy cho trẻ phát âm, nói thành câu, tập nghe, tập cho trẻ các thói quen chào hỏi, biểu lộ mong muốn cá nhân…
“Thông thường ở nhà, phụ huynh sẽ không biết cách chơi với con, trò chuyện với con, thấy con không phản ứng, không cải thiện liền nản chí, chấp nhận số phận. Thế nhưng thực tế không phải vậy, bởi trẻ hoàn toàn có thể phục hồi khả năng ngôn ngữ, giai đoạn tốt nhất là trước 6 tuổi. Sau đó, trẻ có thể hòa nhập tốt vào môi trường giáo dục như bạn bè bình thường. Điều quan trọng là phụ huynh không được bỏ cuộc, phải phối hợp tốt hơn với giáo viên để cùng tác động”- cô Diễm phân tích.
Trực tiếp đứng lớp, mới đầu cô Phạm Thiên Nhi (dạy lớp lá 1, Trường Mầm non Thanh Tâm) tỏ ra ái ngại, chán nản khi gặp phải trẻ tự kỷ vì chăm bé này cực gấp 10 lần trẻ bình thường. Nhưng dần dần cô Nhi nhận ra các trẻ rất đáng thương, hãy cư xử với các em bằng cả tấm lòng, cử chỉ yêu thương, lời nói nhẹ nhàng các em sẽ ngoan ngoãn và hợp tác tốt với cô giáo. Có trường hợp, học trò của cô Nhi sau nhiều năm được tác động, được hòa nhập ngay trên lớp học đã có được khả năng ngôn ngữ như bình thường, được cha mẹ cho vào lớp 1 như bạn bè cùng trang lứa. Đó là niềm hạnh phúc vô bờ, “một thành công rực rỡ” cho “sự nghiệp chăm cây” của cô giáo trẻ.
Điều cô Diễm băn khoăn hiện nay là số lượng các trẻ biểu hiện phổ tự kỷ, tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ ngày càng gia tăng do nhiều yếu tố, trong đó yếu tố cha mẹ, ông bà cho con xem điện thoại nhiều quá mức trong độ tuổi quá nhỏ sẽ dễ gây rối loạn ngôn ngữ, trẻ không có môi trường giao tiếp cũng sẽ dẫn đến tự kỷ. Do vậy, phụ huynh cần quan tâm đến con nhiều hơn.
Cùng với đó, cô luôn mong muốn các cơ sở, giáo viên, phụ huynh không nên có thành kiến với trẻ tự kỷ, hãy mở lòng hơn để đón nhận trẻ, yêu thương và tác động kiên trì. Các giáo viên cần trau dồi, học tập những kỹ năng sư phạm để giúp đỡ trẻ đặc biệt được tốt hơn, có như vậy thì sự nghiệp giáo dục mới càng trở nên tròn đầy, xứng đáng với sự yêu thương, trân quý đặc biệt của xã hội đã dành tặng cho nghề giáo”.