Người thầy đích thực phải biết khuyến khích học sinh tự học

Dạy học, hiểu theo nghĩa cơ bản nhất, là tổ hợp của các hoạt động hai chiều, bao gồm hoạt động 'dạy' của thầy và hoạt động 'học' của học sinh.

Theo quan điểm Nho giáo thì việc dạy của thầy quyết định việc học của trò. Người thầy được coi là linh hồn của việc dạy và học. Những gì thầy truyền đạt, dạy bảo đối với học sinh là "khuôn vàng thước ngọc"; do đó, học sinh chỉ biết tuân thủ một cách thụ động.

Quan niệm "không thầy đố mày làm nên", "một chữ cũng do thầy" từ đó đã ăn sâu vào trong tâm thức người Việt từ bao đời nay.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đổi mới giáo dục và đào tạo như hiện nay, những quan điểm này xem ra ngày càng lỗi thời.

Nghị quyết 29 của Trung ương xác định một trong những mục tiêu quan trọng của đổi mới giáo dục là học sinh phải biết "phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời".

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực người học, đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục, nhà trường và đặc biệt giáo viên phải đổi mới phương pháp dạy học, lấy học sinh làm trung tâm, phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh.

Vai trò tự học của học sinh có vai trò quan trọng trong thành công của các em.

Vai trò tự học của học sinh có vai trò quan trọng trong thành công của các em.

Tự học được thừa nhận từ lâu ở Việt Nam

Vai trò của việc tự học đã được thừa nhận ở Việt Nam từ ngàn năm trước. Vua Trần Nhân Tông đã nêu cao tinh thần tự học trong câu nói nổi tiếng "Vô sư trí vi tôn" (được hiểu là có kiến thức mà không có thầy mới là điều đáng tôn kính).

Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng, để tự học được hiệu quả, ai cũng cần phải có một người thầy.

Người thầy, theo cách hiểu chính thống, là những người được đào tạo bài bản về giáo dục, được giao thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục tại một cơ sở giáo dục do cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

Người thầy, cũng có thể được hiểu là ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, những người đi trước có nhiều kinh nghiệm cuộc sống, chỉ dẫn cho ta một điều có ích trong cuộc sống.

Người thầy, cũng có thể là bạn bè cùng trang lứa, giúp đỡ nhau trong học tập thông qua các hoạt động trao đổi, giao lưu, câu lạc bộ; qua đề án, dự án… để các cá nhân hợp tác xây dựng và học hỏi lẫn nhau. Vì thế nên người Việt Nam có câu "học thầy không tày học bạn".

Người thầy, cũng có thể là chính bản thân mình. Chúng ta có thể học được nhiều điều bổ ích từ chính những lỗi lầm của bản thân. Dân gian có câu "ai nên khôn mà chẳng dại một đôi lần" là như vậy.

Bên cạnh những người thầy hữu hình, ta có thể gặp những người thầy vô hình. Đó là những bài học, những kiến thức, kinh nghiệm, những định lý, định luật…. đã được đúc kết từ trong cuộc sống, từ nghiên cứu khoa học của những thế hệ đi trước.

Chúng ta học được những điều bổ ích từ mọi lúc, mọi nơi. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết một câu rất sâu sắc về việc học rằng "Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân".

Như vậy, học được hiểu là công việc "suốt đời". Học sinh cần chủ động học hỏi từ nhiều nguồn khác như học từ sách vở, học từ bạn bè, từ bố mẹ, từ cuộc sống, từ chính trong những điều các em quan sát được hàng ngày…

Những tấm gương tự học thành tài

Trên thế giới, có nhiều tấm gương thành công nhờ quá trình tự học của bản thân.

Michael Faraday được xem là một trong những nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại. Ông phát minh ra máy phát điện xoay chiều, mở ra kỉ nguyên văn minh mới cho xã hội loài người. Tuy nhiên, hầu hết những kiến thức và phát minh của ông đều là từ tự học.

Thomas Edison được coi là một trong những nhà phát minh, nhà khoa học vĩ đại và giàu ý tưởng nhất trong lịch sử loài người, ông sở hữu đến 1500 bằng phát minh khoa học. Tuy nhiên, hồi nhỏ Edison quá nghịch ngợm nên sớm bị đuổi học. Mẹ ông đã giữ ông ở nhà và khuyến khích con làm các thực nghiệm khám phá theo sở thích, đam mê của ông.

Tỷ phú Bill Gates, chủ tịch của Tập đoàn Microsoft, là người học hành không đầy đủ. Ông bỏ dở đại học để kinh doanh và trở thành tỷ phú ở tuổi 31.

Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự rèn luyện để hoàn thiện nhân cách. Người đã bôn ba khắp thế giới, làm đủ các nghề để kiếm sống và tự học tập, nghiên cứu, tìm đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một người không được đào tạo bài bản theo con đường binh nghiệp, nhưng đã tự học và trở thành đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ở tuổi 36. Ông đã chỉ huy quân đội nước ta đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam.

Muốn Việt Nam phát triển hùng cường, chúng ta phải bắt đầu từ giáo dục và đào tạo. Chúng ta cần thay đổi nhận thức về vai trò của người thầy của học sinh trong xu thế đổi mới hiện nay. Chúng ta phải đặt học sinh vào vị trí trung tâm của sự nghiệp dạy học đúng như Hồ Chí Minh hằng mong ước: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Bảo Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/nguoi-thay-dich-thuc-phai-biet-khuyen-khich-hoc-sinh-tu-hoc-20201120083646067.htm