Người thợ ảnh 'hồi sinh' gần 500 bức ảnh liệt sĩ
Anh Lê Thế Thắng, người thợ ảnh ở Thanh Hóa, đã dành 3 năm phục dựng miễn phí gần 500 bức ảnh liệt sĩ, thắp lại ký ức cho nhiều gia đình.
Trong một tiệm ảnh nhỏ nép mình bên Quốc lộ 47C, thôn 3, xã Sao Vàng (Thanh Hóa), anh Lê Thế Thắng (SN 1988) – người thợ ảnh giàu tâm huyết – đã dành trọn 3 năm qua để phục dựng miễn phí gần 500 bức ảnh chân dung liệt sĩ.
Trước đây, anh Thắng là thợ chụp ảnh cưới với gần 20 năm kinh nghiệm. Trong một lần nghe bố và các cựu chiến binh kể lại những ngày tháng khốc liệt tại Thành cổ Quảng Trị, anh quyết định bắt tay vào hành trình đặc biệt này.

Anh Thắng trao trả lại ảnh cho thân nhân liệt sĩ sau khi phục dựng.
Những câu chuyện về sự hy sinh anh dũng, những mất mát không gì bù đắp được của các chiến sĩ đã khiến anh Thắng day dứt và thôi thúc phải làm một điều gì đó thật ý nghĩa để tri ân. Anh chọn cách phục dựng ảnh liệt sĩ hoàn toàn miễn phí, như một lời tưởng nhớ lặng thầm gửi tới những người đã ngã xuống.
Với anh, mỗi bức ảnh không chỉ đơn thuần là một sản phẩm nghệ thuật, mà còn là một câu chuyện, một kỷ niệm, một mảnh ghép ký ức được nâng niu phục dựng.
"Khi thấy thân nhân liệt sĩ xúc động đón nhận bức ảnh đã được phục chế, tôi cảm thấy hạnh phúc vô cùng", anh Thắng xúc động chia sẻ.

Anh Lê Thế Thắng dành trọn 3 năm phục dựng miễn phí gần 500 bức ảnh chân dung liệt sĩ.
Theo anh Thắng, phục dựng ảnh cũ đòi hỏi không chỉ kinh nghiệm, kỹ thuật mà còn cả sự tỉ mỉ và tinh tế, đặc biệt với chân dung liệt sĩ. Anh không chỉ đơn thuần khôi phục màu sắc hay từng đường nét trên khuôn mặt, mà còn phải “thổi hồn” vào bức ảnh, để tái hiện được thần thái, cái “chất thép” của người lính năm xưa.
"Người lính lúc nào cũng mang trong mình chất ‘thép’. Bên cạnh việc phục chế màu sắc, khôi phục khuôn mặt sao cho giống nhất, tôi luôn cố gắng tạo nên những bức ảnh có hồn, thể hiện đúng khí chất kiên cường của người lính," anh Thắng chia sẻ.

Ngoài sự tỉ mỉ, anh còn phải thổi hồn vào bức ảnh, để nó toát lên được khí chất của người lính.
Suốt 3 năm qua, anh Thắng đã lưu giữ cho mình vô số kỷ niệm đáng nhớ. Anh nhớ một cụ bà tóc bạc, đôi chân run rẩy đi bộ đến tiệm, mang theo tấm ảnh cũ nát của người con trai liệt sĩ cùng vài dòng mô tả mơ hồ về vóc dáng, khuôn mặt, nhưng không còn ảnh gốc. Từ những dữ liệu ít ỏi ấy, anh kiên nhẫn phục dựng nên bức chân dung gần như trọn vẹn. Khi nhìn thấy gương mặt con hiện lên rõ ràng, cụ bà bật khóc nức nở: “Đúng nó rồi, đúng con trai tôi rồi!”.
Chính những giọt nước mắt, lời thốt từ đáy lòng của người mẹ đã trở thành động lực lớn nhất thôi thúc anh Thắng tiếp tục công việc này. Có ngày, anh nhận cùng lúc gần 20 bức ảnh gửi qua bưu điện và vẫn sẵn sàng thức trắng đêm để kịp trao lại ký ức trọn vẹn cho các gia đình.

Anh Thắng đã phục dựng thành công ảnh ông nội của anh Ninh.
Anh Hoàng Năng Ninh, xã Tân Ninh (Thanh Hóa), xúc động kể về hành trình phục dựng bức ảnh duy nhất của ông nội – liệt sĩ Hoàng Năng Xuân (SN 1926), hy sinh tại Điện Biên Phủ và đến nay vẫn chưa tìm thấy mộ.
"Trước đây, gia đình tôi đã tìm đến nhiều nơi nhờ phục dựng bức ảnh này nhưng đều bị từ chối. Tình cờ xem trên mạng xã hội, thấy anh Thắng chuyên về phục dựng ảnh, tôi đã liên hệ nhờ giúp đỡ. Anh ấy nhận lời ngay và dặn tôi gửi ảnh gốc. Chỉ một tuần sau, chúng tôi nhận được bức ảnh mới. Cả gia đình ai cũng vui mừng, xúc động," anh Ninh chia sẻ.

Danh sách các liệt sĩ được anh Thắng phục dựng ảnh.
Dù bận rộn với công việc kinh doanh và nghề ảnh, anh Thắng luôn dành sự ưu tiên cho hành trình phục dựng ảnh liệt sĩ – một công việc đầy tính tri ân và nhân văn.
Về dự định sắp tới, anh khẳng định sẽ tiếp tục công việc này để phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, anh đã nhận phục dựng 100 bức chân dung liệt sĩ và đang gấp rút hoàn thiện, kịp trao tặng cho thân nhân vào đúng ngày 27/7 – như một nén tâm nhang tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì Tổ quốc.