Người thương binh sống đẹp

Thương binh 1/4 Nguyễn Văn Minh, sinh năm 1943, ở thôn Xuân Nẻo, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) luôn nỗ lực vượt khó, cố gắng đóng góp công sức cho quê hương.

Gia đình ông Minh tích cực đóng góp công sức cho quê hương

Gia đình ông Minh tích cực đóng góp công sức cho quê hương

Năm 1963, chàng thanh niên Nguyễn Văn Minh tình nguyện viết đơn lên đường nhập ngũ, được huấn luyện tại Trung đoàn 148, Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc, rồi được giữ lại để đào tạo hạ sĩ quan. Năm 1965, đơn vị của ông Minh nhận lệnh chi viện cho chiến trường C (chiến trường Lào). Nhờ rèn luyện, công tác tốt tại đơn vị nên ông Minh được kết nạp Đảng trước ngày ra trận.

Đơn vị của ông Minh chiến đấu ở khu vực Sầm Nưa. Các trận chiến ở đây vô cùng ác liệt, nhiều đồng đội của ông Minh đã ngã xuống, đơn vị phải thường xuyên nhận chi viện người từ tuyến sau. Trong một trận chiến năm 1966, ông Minh bị vỡ hộp sọ, tay chân đều bị thương. Ông được đồng đội cõng về đơn vị cấp cứu, rồi chuyển theo xe quân y. Do vết thương nặng, ông Minh được đưa ra Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục điều trị. "Nằm trên giường bệnh với nhiều vết thương nhưng tôi không thấy đau mà chỉ tiếc mình tham gia đánh giặc ít quá", ông Minh nhớ lại. Suốt 2 năm ròng, ông Minh nằm hết ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 rồi được chuyển về Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Cũng trong thời gian đó, ông tự học thêm nghề y từ chính các thầy thuốc trong viện với suy nghĩ sau về quê có thể tự chăm sóc bản thân.

Dù mới 25 tuổi nhưng với vết thương chằng chịt trên người, ông Minh chọn về an dưỡng tại quê nhà để ở gần bố mẹ. Người gầy nhom, thường xuyên đau ốm nên nhiều cô gái ái ngại hoàn cảnh của chàng thương binh trẻ. Riêng cô gái Nguyễn Thị Viên kém ông 3 tuổi, người cùng làng đã tình nguyện kết duyên. "Bố mẹ tôi không phản đối song bạn bè sợ tôi vất vả nên tìm mọi cách khuyên can. Nhưng tôi rất thương anh nên quyết định gắn bó", bà Viên chia sẻ. Đám cưới của ông bà Minh cũng rất đặc biệt khi được chi bộ thôn đứng ra tổ chức. Nhớ lần đầu tiên chứng kiến chồng lên cơn đau khi trái gió trở trời, người vợ trẻ chỉ biết khóc thương chồng. Suốt 50 năm chung sống, bà Viên không còn nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần phải chứng kiến và đỡ đần chồng oằn mình chống lại những cơn đau.

Mặc dù mang trong mình nhiều vết thương nhưng ông Minh rất tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương và phát triển kinh tế gia đình. Nhà có vài sào ruộng, ông Minh bàn với vợ trồng rau giống để bán. Những năm 70 của thế kỷ trước, UBND xã có chủ trương thành lập tổ tiểu thủ công nghiệp. Ông Minh được giao nhiệm vụ phụ trách khôi phục nghề thêu ren cổ truyền của làng. Khi ấy cả làng chỉ còn 5 nghệ nhân và vài hộ duy trì nghề thêu. Học nghề vất vả nên mọi người cũng không còn mặn mà. Để khôi phục làng nghề, ông Minh thấy cần mời được các nghệ nhân vào HTX để truyền nghề. Thông qua mối quan hệ, ông Minh lên Bộ Ngoại thương để tìm đầu ra cho sản phẩm. Rồi cũng ông đi xin gỗ về đóng khung thêu cho các hộ. Những năm đó, HTX Thêu ren của làng Xuân Nẻo có tới 300 người làm và rất nhiều người được mời đi dạy nghề ở các tỉnh lân cận, cũng là HTX duy nhất trong huyện có tiền gửi tiết kiệm.

Năm 1990, sau khi có chủ trương sáp nhập các HTX, ông Minh đã nghỉ để về chăm lo kinh tế gia đình. Ông tiếp tục trồng rau giống bán. Vốn biết chút ít về nghề y, nên ai cần giúp đỡ gì ông Minh cũng không ngần ngại. Những bệnh nhẹ như cảm cúm, nhức đầu hoặc ai cần tiêm, sơ cấp cứu ban đầu ông Minh đều có thể hỗ trợ. "Mình giúp đỡ được ai điều gì mình cứ giúp, coi như để trả ơn quê hương đã luôn bao bọc", ông Minh xúc động nói.

Ông Minh 2 lần được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen thương binh nặng vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Năm 2019, ông vinh dự được tham dự buổi gặp mặt tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội.

THANH HOA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/nguoi-thuong-binh-song-dep-142444