Người 'tiếp lửa' giữ rừng lim trăm tuổi

'Cái cây nó cũng như con người. Nếu ai đứt tay, đứt chân, chảy máu thì có đau không?'. Đó là lời nói của già làng Triệu Tài Cao – người nổi tiếng với việc quyết giữ rừng như báu vật hỏi các con mình như lời truyền dạy mai sau phải biết 'sống có đạo' với rừng xanh...

Rừng lim máu thịt của già Cao

Ông Triệu Tài Cao là người tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số thôn Bằng Anh, xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh). Ông chính là tấm gương điển hình về công tác trồng, bảo vệ rừng. Tuy đã về với tổ tiên sau một cơn bạo bệnh hồi tháng 5 năm 2022, nhưng lời dặn dò “Nhất quyết không được bán cây lim nào” của ông vẫn được các con ghi nhớ và làm theo.

Xuất phát từ tình yêu rừng và hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ về Tết trồng cây, ông Cao đã bắt đầu thực hiện trồng những cây gỗ lớn để góp sức bảo vệ rừng cho muôn đời sau. Từ những năm 1960, ông Cao ngày ngày miệt mài lên rừng tìm cây lim con để đem về trồng ở cánh rừng phía sau nhà. Công việc tưởng chừng đơn giản ấy đã biết bao lần khiến ông trăn trở, lo lắng đến quên ăn quên ngủ, bởi thời gian đầu, lim trồng đến đâu chết đến đó, bao nhiêu công sức trôi sông, trôi bể. Nhiều người trong vùng cho là ông gàn dở, vì cả xã trồng keo, đem lại giá trị kinh tế cao, trong khi cây lim vốn là cây gỗ lâu năm, phải trồng vài chục, đến hàng trăm năm.

"Mọi người chặt cứ chặt, còn bố tôi thì cứ lầm lũi đi tìm cây về trồng. Bà con thấy vậy còn rỉ tai nhau rằng ông Cao đầu óc không bình thường" - Anh Triệu Tiến Lộc (con trai út của công Triệu Tài Cao) kể. Dẹp bỏ mọi bàn tán, ông Cao và các con vẫn tiếp tục ngày đêm đợi hạt lim già rơi xuống, sau đó ươm thành cây nhỏ.

Ông Triệu Tài Cao đã dành hơn nửa cuộc đời mình để trồng và chăm sóc cho rừng lim. Ảnh: BN

Ông Triệu Tài Cao đã dành hơn nửa cuộc đời mình để trồng và chăm sóc cho rừng lim. Ảnh: BN

Trải qua hàng chục năm, cây mọc tươi tốt, hạt rơi xuống, cây lại mọc lên. Cứ thế, giờ đây rừng lim nhà ông đã có đến hàng trăm cây, những cây lớn có đường kính khoảng từ 45 đến 50cm. Rừng lim của gia đình ông phủ xanh cả quả đồi rộng, tạo ra dưỡng khí trong lành cho khu vực xung quanh và là nơi cư trú của nhiều loài động vật.

Anh Lộc cho biết, khu rừng 32 ha mà bố để lại cho 5 anh em hiện có khoảng 600 cây lim 40 - 70 năm tuổi, là giống quý nhất. “Rất nhiều thương lái vào mua gỗ lim, nhưng gia đình không bán. Đời bố tôi không bán đến đời chúng tôi cũng không, vì đó là tâm huyết của bố”, anh Lộc nói.

“Rừng của gia đình tôi là rừng đầu nguồn, có những cây lớn giữ được đất, giữ được nước nên không lo việc sạt lở. Khi mình giữ được cánh rừng như thế này, khí hậu xung quanh rất trong lành. Mỗi buổi sáng thức dậy cảm thấy rất khỏe mạnh. Đấy chính là lợi ích khi giữ được cánh rừng”, anh Lộc vui vẻ nói.

Quyết không đổi rừng lấy nhà

Anh Lộc tâm sự: "Nhà mình tuềnh toàng. Mình bán chục cây lim thôi thì dư xây được nhà to, nhưng tâm nguyện của ông rồi, không làm trái được. Rừng già phải giữ, chỉ trồng thêm chứ không được chặt. Ông được mệnh danh là “Người giữ của để dành” là vì thế”.

"Rừng của mình có những cây lim đường kính 80-90cm, phải 2 người ôm. Gần đây vẫn có người hỏi mua cả rừng, nhưng mình lắc đầu. Họ để lại số điện thoại, bảo mình thích bán bất cứ lúc nào gọi họ sẽ đến ngay, nhưng mình không bao giờ bán đâu, vì đó là kỷ vật, là tấm lòng bố để lại cho con cháu. Kinh tế giờ cũng ổn, dưới tán rừng, mình trồng xen nhiều cây dược liệu, bán dược liệu, tre trúc cũng tạm đủ tiền tiêu xài" - Lộc chia sẻ.

Bên trong cánh rừng lâu năm có rất nhiều nguồn lợi để thu hoạch như cây tre, cây thuốc nam. Anh Lộc cũng đang triển khai dự án trồng cây dược liệu dưới tán lim như khôi tía, trà hoa vàng, ba kích, quế... đều là những loại cây ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao, cũng là nguồn thu thường xuyên của gia đình. Ngoài ra, anh còn kết hợp trồng cây gỗ lâu năm như lim, sến, táu vào những khu đất trống.

Rừng lim cổ thụ của già làng Triệu Tài Cao trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: BN

Rừng lim cổ thụ của già làng Triệu Tài Cao trở thành một điểm du lịch hấp dẫn. Ảnh: BN

Nhờ tâm huyết và cách làm của bố con già làng Triệu Tài Cao, hiện nhiều loại cây bản địa quý hiếm của Hoành Bồ đang được gìn giữ để bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, góp phần bảo vệ môi trường.

Với hàng trăm cây gỗ lớn, rừng của già làng Triệu Tài Cao là tài sản giá trị mà ông để dành cho con cháu và thế hệ mai sau. Đồng thời, nơi đây cũng trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái, trải nghiệm hấp dẫn cho du khách khi đến Hoành Bồ. Hằng năm, điểm du lịch rừng lim của già làng Cao đón hàng trăm lượt khách đến tham quan, trải nghiệm.

Cao Linh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/doi-song/nguoi-tiep-lua-giu-rung-lim-tram-tuoi-i353531/