Người trồng mì lao đao vì bệnh khảm lá

Huyện Hàm Tân có diện tích mì khá lớn với 9.000 ha; người trồng mì ở huyện đang điêu đứng vì bệnh khảm lá mì hoành hành trên diện rộng mà không có thuốc chữa trị. Một vụ mì thất bát, lỗ vốn đang hiện diện trước mắt người nông dân.

Người trồng mì lao đao vì bệnh k

 Gần tới ngày thu hoạch nhưng bệnh khảm lá khiến cây mì không có củ.

Gần tới ngày thu hoạch nhưng bệnh khảm lá khiến cây mì không có củ.

Vụ đông xuân 2019 – 2020, bà Bùi Thị Lệ Hoa ở thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân xuống giống mì trên diện tích 8ha, còn khoảng hơn 1 tháng nữa là cho thu hoạch. Tuy nhiên, từ giữa tháng 6, cây mì có triệu chứng loang lổ trên lá, làm cho lá biến dạng, cong queo, nhăn nhúm.

Ban đầu chỉ biểu hiện bệnh trên vài cây, sau đó lây lan rất nhanh và hiện nay tỉ lệ nhiễm trên 80%. Bà Hoa thất vọng cho biết: “Chi phí đầu tư sản xuất cho mỗi ha mì dao động từ 15-16 triệu đồng; mọi năm năng suất đạt bình quân trên 35 tấn/ha. Tuy nhiên, năm nay bệnh khảm lá mì hoành hành, tôi đã mua thuốc BVTV về phun nhưng vẫn không ngăn chặn được dịch bệnh lây lan. Điều này đã làm tăng chi phí sản xuất, nhưng năng suất lại giảm, vụ mì này nếu thu hoạch cũng không đủ chi trả”.

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình bà Hoa, hộ ông Lê Văn Hải, thị trấn Tân Minh cũng đang điêu đứng, bởi đây là năm đầu tiên ông xuống giống mì để thay thế cho cây keo lá tràm. Nhưng đến thời điểm hiện tại, toàn bộ diện tích mì của ông cũng như các hộ lân cận đều bị nhiễm bệnh khảm lá.

Những dấu hiệu của bệnh khảm lá mì.

Những dấu hiệu của bệnh khảm lá mì.

“Gia đình tôi cứ nghĩ đây là loại cây trồng ít bệnh, dễ chăm sóc nên đã xuống 2,2 ha mì. Thế nhưng cách đây hơn 1 tháng mì có hiện tượng xoăn lá, thân kém phát triển. Từ chỗ lẻ tẻ, bệnh lây lan sang các cây khác, đến gần ngày thu hoạch rồi nhưng sản lượng không có. Tiền đầu tư của gia đình tôi coi như bị lỗ nặng”.

Trước tình hình trên, Trung tâm Kỹ thuật và Dịch vụ nông nghiệp huyện đã kiểm tra và báo cáo phát hiện bệnh khảm lá gây hại nghiêm trọng trên cây mì với tỉ lệ bệnh trung bình từ 10 -20%, có nơi cao 40 -70%, diện tích nhiễm trên 700 ha; tập trung tại xã Tân Đức, thị trấn Tân Minh và Tân Phúc.

“Ở thị trấn Tân Minh đất phù hợp trồng cây mì, từ những năm trước đã có nhiều hộ gia đình nhờ cây mì mà thoát nghèo. Năm 2019, cây mì cũng bị bệnh khảm lá, nhiều nông dân cũng đã phá giống, đốt hết cây nhưng cũng không hiểu vì sao năm nay mì cũng bị bệnh trở lại. Bệnh khảm lá mì đang gây ra cho nông dân nhiều thiệt hại nặng nề”, ông Đặng Xuân Hiền, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân cho biết.

Kỹ sư Nguyễn Thanh Ca, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật – Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Tân cho biết: Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị, nông dân cần áp dụng các giải pháp như, không sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh để trồng cho vụ sau; luân canh chuyển sang trồng các loại cây trồng khác trên vùng đất đã bị nhiễm bệnh ít nhất 1 vụ. Chọn giống kháng bệnh, không trồng các giống nhiễm bệnh như HLS11, KM 419, KM140. Ngoài ra, phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng nếu phát hiện bọ phấn trắng thì sử dụng bẫy dính vàng treo trên đồng ruộng để diệt bọ phấn trắng hoặc sử dụng thuốc BVTV để phun.

Bệnh khảm lá mì xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2017 tại tỉnh Tây Ninh, sau đó lan sang các tỉnh lân cận. Hiện tại, bệnh này vẫn chưa có thuốc phòng trừ đặc hiệu. Do đó, người nông dân nên tuân thủ những khuyến cáo của ngành nông nghiệp trong việc xử lý dịch bệnh nhằm tránh thiệt hại ở những vụ tiếp theo.

Theo các nhà chuyên môn, bệnh khảm lá mì lan truyền qua môi giới truyền bệnh là bọ phấn trắng và qua hom giống.

Ngọc Diệp

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/kinh-te/nguoi-trong-mi-lao-dao-vi-benh-kham-la-130593.html