Người từ 70 tuổi không có lương hưu được hưởng trợ cấp từ 1/7/2025
Kể từ ngày 1/7/2025, người từ 75 tuổi trở lên không có lương hưu chính thức được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, với mức 500.000 đồng/tháng. Với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, độ tuổi hưởng chỉ cần từ đủ 70...

Ảnh minh họa.
Luật Bảo hiểm xã hội 2024 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc hoàn thiện chính sách an sinh xã hội ở nước ta. Trong đó, Luật đã quy định từ ngày 1/7 hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
CHÍNH THỨC HẠ ĐỘ TUỔI HƯỞNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ
Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thấp hơn 5 tuổi, so với tuổi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi (trước đây là 80 tuổi).
Cụ thể, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi mà không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Trường hợp thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đáp ứng đủ điều kiện thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, chỉ cần đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi.
Mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Người vừa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, vừa thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.
Trong thời gian hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế. Khi chết thì tổ chức, cá nhân lo mai táng được nhận hỗ trợ chi phí mai táng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ.

Chi trả chế độ bảo hiểm xã hội cho người hưởng. Ảnh: TH.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho rằng việc bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội ở Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là một điểm mới mang tính đột phá, hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.
Độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đã giảm xuống 75 tuổi, và đặc biệt, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi cũng được hưởng trợ cấp này.
MỞ RỘNG THÊM NHIỀU QUYỀN LỢI CHO NGƯỜI THAM GIA
Theo Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 còn mở rộng thêm nhiều quyền, lợi ích lớn hơn cho người tham gia, thụ hưởng chính sách.
Điểm đáng chú ý đó là Luật quy định giảm từ 20 năm xuống còn 15 năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng. “Điều này tạo cơ hội cho những người tham gia muộn, hoặc không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ năm đóng để hưởng lương hưu thay vì phải nhận bảo hiểm xã hội một lần”, ông Sơn cho hay.
Đồng thời, Luật còn bổ sung chế độ thai sản cho bảo hiểm xã hội tự nguyện. Đây là chính sách khuyến khích nhằm phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Người mẹ hoặc người cha tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sinh con (nếu đáp ứng đủ điều kiện về thời gian đóng từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh), sẽ được hưởng trợ cấp thai sản với mức 2 triệu đồng cho mỗi con.
Chính sách này cũng áp dụng cho các trường hợp thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ từ 22 tuần tuổi trở lên.
Bên cạnh đó, Luật bổ sung quy định cho phép công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần và không bảo lưu), có thể được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng góp của mình.
Mức trợ cấp thấp nhất bằng mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, và được hưởng bảo hiểm y tế do ngân sách nhà nước đóng. Điều này tạo thêm một lựa chọn quan trọng, giúp người lao động có thêm sự đảm bảo an sinh khi về già.

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ liên quan đến bảo hiểm. Ảnh: TH.
Đáng chú ý, Luật cũng quy định linh hoạt hơn về quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần. Đó là, đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7/2025 hoàn toàn có quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần theo quy định trước đây.
Với những người tham gia từ ngày 1/7/2025 trở đi, quyền nhận bảo hiểm xã hội một lần vẫn được duy trì trong các trường hợp cụ thể. Bao gồm: Đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài định cư; mắc các bệnh hiểm nghèo (ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS); hoặc có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, người khuyết tật đặc biệt nặng.
“Điều này thể hiện sự cân bằng giữa quyền lợi trước mắt và khuyến khích tham gia lâu dài để hưởng lương hưu”, ông Sơn nhấn mạnh.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi cho lao động nước ngoài và lao động Việt Nam ở nước ngoài, Luật mới đã bổ sung quy định trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, có quy định về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động ở Việt Nam và ở nước ngoài, được tính để xét điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Mức hưởng chế độ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam sẽ được tính theo thời gian người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội tại Việt Nam.
Cơ chế xác định căn cứ đóng cũng linh hoạt hơn. Theo đó, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thay thế “mức lương cơ sở” bằng “mức tham chiếu”. Mức tham chiếu sẽ do Chính phủ quyết định và điều chỉnh dựa trên mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, tăng trưởng kinh tế, phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội. Điều này giúp cập nhật hơn với thực tiễn kinh tế.
Đối với chủ hộ kinh doanh và một số chức danh quản lý không hưởng tiền lương, họ được lựa chọn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhưng thấp nhất bằng mức tham chiếu, và cao nhất bằng 20 lần mức tham chiếu tại thời điểm đóng.
Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Lê Hùng Sơn cho biết với công tác chuẩn bị kỹ lưỡng, chủ động và đồng bộ, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã sẵn sàng triển khai thực hiện hiệu quả Luật, đảm bảo quyền lợi cao nhất cho người tham gia và thụ hưởng chính sách. Từ đó, góp phần xây dựng một hệ thống an sinh xã hội bền vững, hiện đại, “lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”.