Người ươm những 'hạt mầm độc bản' của văn chương

Giữa mùa thi cử căng thẳng và đề thi Văn vừa qua được đánh giá là 'khó nhằn' bậc nhất trong nhiều năm, Trần Minh Hà - học sinh lớp 12A5 Trường THPT May (18 Định Công, Hà Nội) đã đạt điểm 9,75 môn Ngữ văn. Đằng sau thành tích ấy không chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn là cả một hành trình gieo trồng cảm xúc, hun đúc đam mê từ người cô giáo Nguyễn Thị Xuyến - người đã xem mỗi bài giảng là một cuộc đối thoại của tâm hồn và mỗi học sinh là một hạt mầm độc bản của văn chương.

Khi tiết học không còn là những giờ Văn thông thường

Khi nhắc đến nhà giáo, Ths. Nguyễn Thị Xuyến - giáo viên Ngữ văn trường THPT May, ánh mắt của cô trò nhỏ Minh Hà sáng lên như thể chỉ cần nhắc đến hai chữ "cô Xuyến", cảm hứng viết đã tự nhiên ùa về.

Minh Hà kể lại rằng, những tiết học Văn của cô giống như đang xem một bộ phim. Ở đó, nhân vật không còn là những cái tên xa lạ trong sách giáo khoa, mà là những con người sống động, có tiếng cười, có nước mắt, có số phận như bất kỳ ai đang bước đi trong đời thực.

Cô Xuyến thường nói: "Văn học là cuộc sống nên đừng viết như cái máy!", và chính lời nhắc ấy khiến Minh Hà hiểu rằng viết văn không phải là việc sắp xếp câu chữ cho đúng mẫu, mà là đặt trái tim mình vào trong từng đoạn văn, từng dòng chữ.

Trần Minh Hà - học sinh lớp 12A5 Trường THPT May (18 Định Công, Hà Nội)

Trần Minh Hà - học sinh lớp 12A5 Trường THPT May (18 Định Công, Hà Nội)

Gần 15 năm gắn bó với bục giảng, cô Xuyến không giấu được niềm xúc động khi nhắc đến điểm 9,75 của cô học trò nhỏ trong kỳ thi THPT 2025 vừa qua. "Cái cảm giác mà trong mơ tôi cũng không dám nghĩ tới, nay thành sự thật. Tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc, vì đó là thành quả của một hành trình dài đầy yêu thương", cô nói. Với cô, đó không phải là chiến thắng của kiến thức, mà là minh chứng cho việc khi giáo viên đủ tận tâm, học sinh sẽ đủ cảm hứng để bay xa.

Ths. Nguyễn Thị Xuyến - giáo viên Ngữ văn trường THPT May

Ths. Nguyễn Thị Xuyến - giáo viên Ngữ văn trường THPT May

Minh Hà chia sẻ, trước kỳ thi em từng chán nản đến mức muốn bỏ cuộc. Nhưng bằng cách học "đọc văn bằng tâm hồn", em dần tìm lại được cảm xúc, thậm chí còn “làm màu một chút” khi nghe nhạc nhẹ và tưởng tượng đang ngồi trò chuyện cùng nhân vật. Có lẽ chính sự “làm màu” ấy đã giúp em giữ được sợi dây liên kết ngọt ngào với văn chương - thứ không bao giờ nên bị giới hạn bởi cấu trúc 3 phần mở đầu, thần bài và kết thúc.

Không chỉ biến giờ học thành những thước phim sống động, cô Xuyến còn là người truyền vào đó một thứ cảm xúc rất thật - sự tận tâm không giảng đường nào dạy được. Cô không ngại dành thời gian trò chuyện riêng với học sinh, lắng nghe cả những băn khoăn rất nhỏ: hôm nay em không hiểu đoạn này, em viết câu này thấy… dở quá, hay thậm chí chỉ đơn giản là “em buồn”.

Với Minh Hà, chính sự lắng nghe ấy đã giúp em thêm tự tin khi viết, vì biết rằng đằng sau từng bài kiểm tra, từng lần nộp bài chưa tròn trịa, luôn có một người cô sẵn lòng đọc, góp ý và đồng hành như một người bạn lớn. Những lời động viên giản dị như: “Cô tin em có thể viết hay hơn nữa” hay “Lần này chưa rõ ý lắm, nhưng em đang đi đúng hướng rồi” trở thành ánh sáng nhỏ trong hành trình học Văn - hành trình mà đôi khi không cần hoa mỹ, chỉ cần chân thành là đủ để thắp lên đam mê bền bỉ.

Hành trình từ một lời nhắn nhủ: “Cứ viết thật, còn lại để cô sửa”

Trong suốt quá trình ôn luyện, cô Xuyến không hề áp đặt hay bắt học sinh phải viết theo một khuôn mẫu nhất định. Ngược lại, cô khuyến khích các em tìm ra “giọng điệu của chính mình”, được thử, được viết, được sai và được sửa. Minh Hà nhớ rõ lời nhắn nhủ quen thuộc: “Cứ viết thật, còn lại để cô sửa”. Chính điều ấy đã trở thành nền tảng để em vượt qua sự sợ hãi, dám viết ra những cảm nhận rất riêng, không rập khuôn, không sao chép.

Với cô Xuyến, mỗi học sinh là một “cá tính văn học” cần được tôn trọng và bồi dưỡng. Cô không dạy Văn như dạy một môn học, mà như dẫn dắt các em đi vào một thế giới nơi cảm xúc là gốc rễ và lí trí là ngọn đèn soi sáng. Cô thường cho học sinh trải nghiệm “làm giáo viên Văn” bằng cách chấm bài chéo, đặt câu hỏi, phản biện và tự rút ra kết luận. Minh Hà kể rằng những tiết kiểm tra bài cũ theo kiểu “phỏng vấn 1-1” của cô Xuyến khiến học trò thốt lên: “Áp lực hơn đi thi đại học!” - vừa hài hước, vừa thật thà, vừa rất… THPT May.

Khi được hỏi về bí quyết luyện thi, cô Xuyến chia sẻ rằng mình luôn gửi kế hoạch ôn tập chi tiết từ cuối tuần trước để học sinh có sự chuẩn bị chủ động. Không chỉ có hệ thống bài tập phân hóa, cô còn khơi gợi đam mê bằng những hoạt động ngoài sách giáo khoa, như khuyến khích đọc sách thêm, cảm nhận nhân vật yêu thích theo cách riêng, rèn kỹ năng viết từ chính những điều giản dị nhất trong đời sống. “Văn học không phải là môn học thuộc nữa, mà là hành trình rèn luyện tư duy và cảm xúc”, cô nói.

Chính từ hành trình ấy, các học trò của cô dần hình thành thói quen tự học: mỗi tuần viết một bài, gửi cô góp ý, viết lại, và viết tiếp. Những bài cảm nhận cá nhân về một đoạn thơ hay một nhân vật trở thành cách để các em giữ cảm xúc tươi mới, không nhàm chán, không máy móc. Nhờ vậy mà môn Văn không còn đáng sợ, thậm chí còn trở nên đẹp đẽ.

Khi mùa phượng nở gõ nhẹ lên ô cửa lớp 12A5, cũng là lúc Minh Hà phải rời mái trường đã gắn bó suốt ba năm. Nhưng trong tâm trí em, những lời dạy của cô Xuyến, sự quan tâm của thầy chủ nhiệm Ngô Quốc Hưng, sự đồng hành của bạn bè - tất cả là hành trang không thể thiếu. Em nói lời cảm ơn với một sự xúc động chân thành: “A5 THPT May mãi là nhà, thầy cô mãi là cha mẹ thứ hai của em”.

Còn với cô Xuyến, thành tích không chỉ là điểm số, mà là việc giúp một học sinh dám yêu lại môn Văn từ đầu, dám thử, dám viết, dám sai và dám sống với những rung động thật của mình. Cô nhắn gửi đến các thế hệ học trò tương lai: “Hãy học Văn không chỉ để thi, mà để được là chính mình”.

Vì cuối cùng, văn chương không nằm trong những khuôn giấy đã in, mà nằm trong chính cách mỗi người biết lắng nghe, rung động và chia sẻ yêu thương - từ trái tim cô giáo đến trang giấy học trò.

PV

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/ko-d207098.html